(KTSG Online) - Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh tổ yến về việc hướng dẫn đăng ký xuất khẩu đối với các mặt hàng tổ yến sang thị trường Trung Quốc.
- Khoai lang và tổ yến của Việt Nam sẽ xuất chính ngạch sang Trung Quốc
- Xuất khẩu nhiều mặt hàng Việt Nam kỳ vọng thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa
Theo TTXVN, thời điểm hiện tại, Cục Thú y đang trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đối với mặt hàng tổ yến.
Cục cũng đã có văn bản hướng dẫn quy trình đăng ký xuất khẩu sản phẩm tổ yến gửi đến các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Trong đó, doanh nghiệp cần đăng ký mã số nhà nuôi chim yến và nơi có nhà nuôi chim yến theo quy định của pháp luật về chăn nuôi được hướng dẫn tại Công văn số 8107 ngày 1-12-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cần gửi văn bản đến Cục Thú y để được hướng dẫn, hỗ trợ về thủ tục. Văn bản gồm có danh sách các nhà nuôi chim yến cung cấp tổ yến nguyên liệu cho doanh nghiệp (mã số nhà yến, tên, địa chỉ nhà yến, diện tích và sản lượng nhà yến); giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận quản lý chất lượng của cơ sở chế biến.
Sau khi việc giám sát dịch bệnh tại các nhà nuôi chim yến, giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở chế biến tổ yến xuất khẩu đạt yêu cầu, doanh nghiệp sẽ đăng ký xuất khẩu mặt hàng này với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo quy định tại Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Doanh nghiệp đạt chỉ tiêu sẽ triển khai các thủ tục xuất khẩu tổ yến theo quy định về kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm động vật tại Thông tư số 25 ngày 30-6-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo baochinhphu.vn, tháng 11 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, cả nước có hơn 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng đạt khoảng 120 tấn/năm, tương đương 450 triệu đô la Mỹ.