Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thử nhìn vào bức tranh xuất khẩu Việt Nam năm 2030

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Báo cáo “Future of Trade: New opportunities in high-growth corridors” do Standard Chartered công bố cuối tháng 5-2023 cho thấy viễn cảnh tương đối khả quan của xuất khẩu Việt Nam.

Ngoài gạo, cà phê, tôm và cá tra…, Việt Nam còn có thế mạnh gì để tăng giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện có và sẽ có? Ảnh: T.L

Theo báo cáo, tới năm 2030, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 618 tỉ đô la Mỹ với tốc độ tăng trưởng 7%/năm. Trung Quốc và Mỹ vẫn là những thị trường lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 128 tỉ đô la và 125 tỉ đô la. Tới năm 2030, Ấn Độ, Indonesia và Singapore được dự báo sẽ là những thị trường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có mức tăng trưởng cao, lần lượt là 10,7%/năm, 10,2%/năm và 8,8%/năm, đạt kim ngạch lần lượt 21 tỉ đô la, 8 tỉ đô la và 9 tỉ đô la.

Ở chiều nhập khẩu, báo cáo của Standard Chartered ước đoán tới năm 2030 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 578 tỉ đô la, tăng bình quân 6,9%/năm. Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục thặng dư. Nhưng thặng dư chỉ do doanh nghiệp FDI mang lại thì số tiền đó sẽ lại chảy ra nước ngoài.

Trên một bài báo mới đây(1), tác giả Bùi Trinh đã chỉ ra thực tế đáng buồn nói trên. Trong năm 2021, doanh nghiệp FDI xuất siêu trên 28 tỉ đô la (trong khi đó cả nền kinh tế xuất siêu chỉ hơn 4 tỉ đô la) và khoảng 65% trong số đó được chuyển về nước thông qua chi trả sở hữu.

Nhập siêu trong các quan hệ thương mại song phương là một vấn đề đáng quan tâm khác. Theo báo cáo của Standard Chartered, năm 2030, nền kinh tế Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ các thị trường quen thuộc là Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối với Trung Quốc, xu hướng nhập siêu giảm dần khi báo cáo dự đoán năm 2030 Việt Nam sẽ nhập khẩu 198 tỉ đô la hàng hóa từ đây, như vậy, thâm hụt thương mại là 70 tỉ đô la, chỉ cao hơn một chút so với con số 60,9 tỉ đô la ghi nhận cuối năm 2022.

Mức độ thâm hụt thương mại với thị trường Hàn Quốc dự kiến sẽ lớn hơn, ở mức 63 tỉ đô la, cao gấp 1,6 lần con số 38,3 tỉ đô la ghi nhận năm 2022.

Cán cân thương mại Việt Nam – Mỹ được dự báo sẽ về mức cân bằng khi Việt Nam sẽ nhập khẩu từ nước này 125 tỉ đô la. Con số trên mang đến cả sự lạc quan. Trong bối cảnh cuộc đụng độ thương mại Mỹ – Trung Quốc chưa biết bao giờ kết thúc, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu những vụ việc tranh chấp thương mại.

Vậy nhưng, nếu cứ phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô, linh kiện…, tính chất gia công của nền kinh tế Việt Nam sẽ không được cải thiện.

Ngoài ra, dự báo xuất khẩu khoáng sản như sắt, nickel, đất hiếm… sẽ góp một phần đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu cũng là điều cần suy nghĩ, vì xuất khẩu tài nguyên thô, tuy mang lại ngoại tệ, nhưng chẳng giúp nền kinh tế Việt Nam mạnh lên.

Một doanh nhân thành công với việc phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc trong một bài phỏng vấn mới đây đã tự đặt câu hỏi: 50 năm nữa, Việt Nam sẽ cạnh tranh với thế giới bằng cái gì, đâu là lợi thế của Việt Nam(2)? Vị này cho rằng, chỉ có nông nghiệp và du lịch, câu trả lời xem ra sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận.

Vậy thì ngoài gạo, cà phê, cá tra, tôm…, Việt Nam còn có thế mạnh gì? Làm thế nào để tăng giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện có và sẽ có?

(1) https://thesaigontimes.vn/chi-tra-so-huu-thuan-ra-nuoc-ngoai-dang-nhanh-hon-toc-do-tang-truong-kinh-te/
(2) https://thanhnien.vn/thuong-hieu-cua-doanh-nghiep-chinh-la-niem-tin-cua-nguoi-tieu-dung-185230603180049857.htm
https://zingnews.vn/bo-cong-thuong-nang-nong-va-thieu-than-la-nguyen-nhan-gay-thieu-dien-post1436803.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới