(KTSG Online) - Phiên bản 9 của tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm BRCGS (tiền thân là BRC) vừa được ban hành với những thay đổi đáng chú ý so với phiên bản 8. Vậy, doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần lưu ý gì đối với sự thay đổi đó nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường?
- EU và Trung Quốc quy định khắc khe hơn vê an toàn thực phẩm vào các nước
- Doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì các quy định khác nhau về với chất phụ gia
Trao đổi với KTSG Online bên lề hội nghị cập nhật tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm diễn ra ở thành phố Cần Thơ hôm nay, 12-8, ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc đào tạo Bureau Veritas Việt Nam cho biết, ban đầu tiêu chuẩn BRC (British Retail Consortium) là của Hiệp hội bán lẻ Anh và chủ yếu tập trung vào thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Khuê, do đã có sự thay đổi tổ chức sáng lập và các bên liên quan nên BRC đã thay đổi thành BRCGS (Brand Reputation Compliance Global Standards) và tiêu chuẩn này phù hợp cho hầu hết các thị trường, chứ không riêng châu Âu. "Đây là tiêu chuẩn toàn cầu về tính tuân thủ của các nhãn hàng lớn", ông nhấn mạnh.
Theo ông Khuê, bên cạnh các tiêu chuẩn IFS (International Food Standard), Amazon SQS (Amazon Simple Queue Service), GlobalGAP (Good Agricultural Practice), BAP (Best Aquaculture Practices), thì BRCGS cũng là tiêu chuẩn đươc nhóm GFSI- Global Food Security index (Tổ chức sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu) công nhận.
“Trong những tiêu chuẩn được GFSI công nhận, thì có những tiêu chuẩn mạnh về nông trại và một số ưu thế cho nhà máy, trong đó, BRCGS tập trung cho nhà máy”, ông Khuê cho biết.
Phạm vi áp dụng của BRCGS, ngoài nhà máy thực phẩm còn có nhà máy thức ăn chăn nuôi và cả nhà máy sản xuất thức ăn cho thú cưng (chó, mèo).
Phiên bản 9 của tiêu chuẩn BRCGS được ban hành trong tháng 8-2022 sẽ có những thay đổi so với phiên bản 8 được công bố hồi năm 2018.
Theo đó, đối với nội dung cam kết cao nhất, phiên bản 9 sẽ có 4 thay đổi so với phiên bản 8; kế hoạch an toàn thực phẩm- HACCP có 3 thay đổi; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng có 6 thay đổi; tiêu chuẩn nhà xưởng có 16 thay đổi; kiểm soát sản phẩm có 10 thay đổi; kiểm soát quy trình có 1 thay đổi; các khu vực rủi ro trong sản xuất có 3 thay đổi và yêu cầu cho sản phẩm thương mại có 1 thay đổi so với phiên bản 8.
Điểm nhấn của BRCGS phiên bản 8 ban hành năm 2018 tập trung vào văn hoá an toàn thực phẩm, nó là sơ khai về văn hoá an toàn thực phẩm. “Nhưng, năm nay đã bổ sung thêm các tiêu chuẩn để dần tiệm cận được yêu cầu của GFSI- Global Food Security index (Tổ chức sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu)”, ông cho biết.
Cụ thể, phiên bản 9 đã thêm một số yêu cầu mới như: yêu cầu về phản hồi cho người lao động, xây dựng chỉ số vận hành liên quan hành vi của người lao động….
Về mặt các tiêu chuẩn, theo ông Khuê, phiên bản 9 năm nay bổ sung thêm phần liên quan đến chuyển đổi sản phẩm từ động vật. “Chẳng hạn, một con heo được mua về, giết mổ làm sạch, thì "chốt" đó là giai đoạn chuyển đổi sản phẩm động vật, tức kết thúc quá trình giết mổ là xong giai đoạn chuyển sản phẩm động vật”, ông cho biết.
Theo ông Khuê, trong hoạt động chuyển đổi sản phẩm từ động vật, sẽ có những quy định kiểm soát việc giết mổ nhằm giảm mối nguy về an toàn thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát nhiệt độ, thời gian vì để lâu thì vi sinh sẽ phát triển.
Đối với khu vực ĐBSCL có đa phần là các doanh nghiệp thuỷ sản, ông Khuê lưu ý, doanh nghiệp cần tập vào chuyển đổi sản phẩm động vật (điều khoản 5.9), bởi ngoài heo, bò, gà, thì cá cũng là sản phẩm động vật. “Doanh nghiệp thuỷ sản phải tập trung vào kiểm soát rủi ro này”, ông nhấn mạnh và lưu ý, kiểm soát cả rủi ro về chất cấm, bởi đây cũng là rủi ro lớn mà thị trường Liên minh châu Âu thường xuyên cảnh báo.
Ngoài ra, theo ông Khuê, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến thiết bị nhà xưởng. Bởi, với ngành thuỷ sản đôi lúc doanh nghiệp tự chế, cho nên, những thiết bị như vậy vật liệu được sử dụng không phù hợp, bị rỉ sét, dẫn đến nhiễm vào sản phẩm. “Do đó, doanh nghiệp phải lưu ý điều khoản 4.6 liên quan đến thiết bị. Trong đó, có đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan thiết bị sắm mới hoặc cải tiến”, ông cho biết.
Còn vấn đề văn hoá an toàn thực phẩm, thì đây là vấn đề “nóng”, nhưng việc áp dụng ở Việt Nam là “hơi cao” so với trình độ, năng lực của doanh nghiệp. “Hiện nay, các doanh nghiệp ở Việt Nam hầu như chỉ xây dựng được kế hoạch văn hoá an toàn thực phẩm trên giấy thôi, chứ chưa thực sự triển khai xuống bộ phận phía dưới”, ông nói.
Thậm chí, doanh nghiệp bị nhầm trong việc xây dựng văn hoá an toàn thực phẩm, tức doanh nghiệp xây dựng kế hoạch văn hoá an toàn thực phẩm, nhưng lại giống kế hoạch để đạt được những mục tiêu sản lượng và doanh thu, chứ không tập trung vào mục tiêu về thay đổi hành vi, thay đổi nhận thức người lao động, vốn là trọng tâm của văn hoá an toàn thực phẩm.
Theo ông Khuê, sự thay đổi trong phiên bản 9 của tiêu chuẩn BRCGS là khá ý nghĩa, bởi nó đã làm rõ thêm những quan điểm, những vấn đề trọng tâm nhận được sự quan tâm của toàn cầu. “Ví dụ, vấn đề chất cấm, kháng sinh đã đưa ra quy định rất rõ, trong khi trước đây họ không nói rõ”, ông nhấn mạnh.