Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp điêu đứng trước “bão” giá và phí

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Mặc dù đơn hàng xuất khẩu đang tăng trở lại, song do giá nguyên liệu và phí dịch vụ logistics tăng cao cùng tác động của dịch bệnh và lực lượng lao động chưa phục hồi khiến các doanh nghiệp dè dặt và thận trọng trong việc nhận đơn hàng mới.

Doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm tại TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng

Ở diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 gần đây, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt nói rằng, May 10 đang chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tăng đột biến các loại chi phí logistics. Là một mắt xích trong chuỗi cung ứng về sản phẩm dệt may toàn cầu, May 10 mỗi năm xuất khoảng 2.000 container hàng thành phẩm may mặc ra nước ngoài.

Vào thời điểm dịch đợt thứ 4 bùng phát, May 10 có khi không tìm được container rỗng để xuất khẩu hàng, đến khi tìm được thì lại mất thời gian tìm tàu và đợi tàu đến. “Có thời điểm, chúng tôi mất sáu tuần tìm container và tàu để xuất khẩu. Thiệt hại rất khủng khiếp chỉ vì tiến độ giao hàng trễ nải, chi phí bị đội lên cao”, ông Việt than. Mà đâu chỉ phí vận chuyển leo thang, các loại phí khác, như phí mất cân bằng container, phí cảng biển… cũng gia tăng khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Cước phí tăng 5-6 lần, tàu khan hiếm

Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập và điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, cho hay sau dịch chi phí vận chuyển hàng xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài tăng gấp 5-6 lần đang làm khó các doanh nghiệp xuất khẩu như công ty của ông. Nhưng Toàn Cầu không thể ngừng giao các đơn hàng cà phê trái cây Meet More đã ký tới các thị trường Mỹ, EU và Nga.

Đơn cử như chi phí một container loại 20 feet từ Việt Nam đi Mỹ giờ lên đến 15.000 đô la Mỹ so với mức trước thời điểm dịch là 3.000 đô la. Đây cũng là thời điểm hàng họ đi lại dập dìu giữa các nước dịp cuối năm, chưa kể lượng tàu vận chuyển cũng khan hiếm, nên cước phí theo đà này chỉ có tăng chứ khó bề giảm bớt. Nếu trước đây thời gian vận chuyển một container đi Mỹ mất chưa đến một tháng thì giờ phải chờ ba tháng. Tương tự, một container đi Nga giờ phải hơn ba tháng thay vì chỉ 25 ngày như trước đây.

“Chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến hàng hóa kém cạnh tranh và việc kéo dài thời gian vận chuyển khiến hàng hóa nằm kho dài ngày, dẫn đến thời gian sử dụng sản phẩm ngắn lại”, ông Luận nói và cho rằng điều này cũng gia tăng áp lực với nhà sản xuất và đơn vị phân phối sản phẩm phải đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm.

Tình trạng cước phí vận chuyển tăng cũng diễn ra với các chặng ngắn trong khu vực. Từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tiên của tháng 12-2021, chi phí vận chuyển hàng hóa từ cảng Ninh Ba – Chu Sơn (Trung Quốc) đến Thái Lan và Việt Nam tăng 137%. Theo Yan Zhiyang, người quản lý của một công ty kho vận có trụ sở ở Quảng Đông, trước đại dịch, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thâm Quyến đến Đông Nam Á chỉ ở mức 100-200 đô la, nhưng nay đã tăng gấp 10 lần, lên 1.000-2.000 đô la.

Giới phân tích cho rằng quí 4 là mùa cao điểm truyền thống của các tuyến vận tải biển ở châu Á, do nhu cầu hàng hóa tăng cao trước thềm Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận của Công ty SWS Research, các nước Đông Nam Á đã dần mở cửa sau làn sóng lây nhiễm Covid-19, cho phép các nhà máy hoạt động trở lại, thúc đẩy nhu cầu nguyên liệu tăng cao.

Trong khi đó, nhiều công ty vận tải biển đã điều phối nhiều tàu container cho các tuyến vận tải biển xuyên Thái Bình Dương kể từ quí 3 để phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng cao ở Mỹ trước sự kiện mua sắm giảm giá Black Friday và mùa Giáng sinh. Điều này khiến công suất vận tải container ở các tuyến đường biển ngắn tại châu Á trở nên thắt chặt hơn trong những tháng gần đây.

Hậu quả của việc chấp nhận tăng chi để bằng mọi giá đưa hàng xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm ở điểm đến tăng theo, sự cạnh tranh về giá trên trường quốc tế của các doanh nghiệp xuất khẩu này không còn nữa.

Thế khó với nguyên liệu sản xuất!

Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) trong bản cập nhật bản tin về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 11 vừa qua ghi nhận doanh thu khoảng 12,8 triệu đô la, tăng 10,4% so với tháng 10 trước đó. Ban lãnh đạo công ty cho biết, dù năng suất tháng 11 của các nhà máy may tăng so với các tháng trước nhưng do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và giá một số đơn hàng vẫn chưa tăng tương ứng nên biên lợi nhuận của sản phẩm may chưa đạt kỳ vọng.

Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT của TCM, trước đây nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc mua theo giá CIF (giao hàng tại cảng người mua) thì nay chuyển sang bán theo FOB (giao tại cảng người bán). Với mức chi phí “tăng bằng lần”, doanh nghiệp hoàn toàn phải chịu chi phí này, khiến giảm lợi nhuận.

Tình hình này cũng xảy ra đối với doanh nghiệp lương thực thực phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết đơn đặt hàng xuất khẩu đang tăng nhưng công ty không dám nhận vì nguyên liệu và bao bì đóng gói tăng cao, trong khi công ty không thể điều chỉnh giá bán theo giá nguyên liệu đầu vào. Như giá hạt cà phê đến nay đã tăng 50% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30%. “Tính trung bình, giá nguyên liệu sản xuất đã tăng 35-40%”, ông Luận nói.

Bên cạnh giá nguyên phụ liệu tăng cao, các nhà sản xuất cho biết họ rất khó khăn để tìm nguồn thay thế. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), trong đợt dịch Covid-19 này, khi thiếu nguyên liệu sản xuất, Bidrico phải “gõ cửa” tới sáu công ty mới tìm được nguyên liệu cần mua. Từ thực tế này, ông Hiến cho rằng các doanh nghiệp nên tạo dựng cho mình chuỗi cung ứng đa dạng, không nên quá phụ thuộc vào một hai nhà cung cấp, khi có biến cố xảy ra sẽ rất khó xoay xở.

Các doanh nghiệp còn chỉ ra những biện pháp phòng chống dịch theo quy định khiến chi phí phát sinh nhiều hơn. Cụ thể nhà máy của TCM ở miền Tây quy định khi công nhân test nhanh phát hiện dương tính thì phải ở lại công ty, đến khi có test PCR khẳng định mới được đi cách ly tập trung.

Như vậy để lo chăm sóc cho người lao động, doanh nghiệp phải xây dựng khu lưu trú tạm thời. “Trong bối cảnh số lượng F0 đang tăng dần lên, đây là vấn đề rất khó khăn”, ông Trần Như Tùng nói và cho biết doanh nghiệp hiện không sợ thiếu đơn hàng mà chỉ sợ không đủ lực lượng lao động để sản xuất. Vì nếu không đảm bảo tiến độ có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, chi phí rất lớn.

Trên thực tế, kể từ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… cho biết đơn hàng xuất khẩu tăng cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng để làm việc đến hết quí 1 và thậm chí là quí 2-2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết họ đang dè dặt khi nhận đơn hàng mới.

Khảo sát của IHS Markit về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 11 cũng cho thấy, đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng đã thúc đẩy ngành sản xuất cải thiện tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, với số ca nhiễm bệnh Covid-19 tăng trở lại và tình trạng thiếu hụt lao động đã cản trở sự tăng trưởng và hồi phục của ngành.

Khảo sát của IHS cho thấy áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, với cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng với mức độ cao nhất trong hơn 10 năm nay. Mặt khác, những lo lắng về tình trạng sức khỏe cộng đồng tiếp tục khiến công nhân không muốn trở lại nhà máy, từ đó hạn chế khả năng tăng sản lượng của các công ty. Do đó, theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, độ dài và mức độ trầm trọng của làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ là nhân tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động của lĩnh vực sản xuất đầu năm 2022.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cho dù có bão giá phí cấp 12 đi nữa thì doanh nghiệp cũng phải gồng mình để tồn tại. Bởi lẽ nếu không có ai cứu mình thì rõ ràng mình phải tự cứu lấy mình. Nhưng chắc chắn một điều rằng, cơ hội để doanh nghiệp phát triển lâu dài là không còn nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới