(KTSG Online) - Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ở TPHCM cho biết cơ cấu sản phẩm mì gói, bún, miến, phở,... phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu đầu vào tăng cao, còn chi phí xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ thấp.
- TPHCM yêu cầu báo cáo các trường hợp tăng giá bất hợp lý
- Petrolimex Sài Gòn: nguồn cung hạn chế, giá cả biến động gây áp lực cho hệ thống bán lẻ xăng dầu
Do giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ từ 2-4% trong cơ cấu giá thành sản phẩm nên giá xăng dầu được điều chỉnh giảm thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Cụ thể, theo Sở Tài chính TPHCM, với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp cho rằng, dù giá xăng dầu có giảm nhưng các chi phí khác vẫn đang tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo đang giảm do vụ thu hoạch Đông xuân kết thúc nên doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên giá bán bình ổn đã đăng ký.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhóm gạo cho biết trước đó (quí I và quí II) dù thị trường có nhiều biến động, giá xăng dầu điều chỉnh liên tục đã tác động đến sản xuất, kinh doanh nhưng họ vẫn cố gắng cắt giảm chi phí để giữ nguyên giá bán bình ổn.
Nhóm mì gói, bún, miến, phở, các doanh nghiệp cho biết cơ cấu hình thành giá phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu chính như bột mì, dầu cọ, trấu, than cám… chiếm 80%. Xăng dầu chỉ chiếm 3%, nên giá xăng dầu có giảm nhưng tác động không nhiều đến cơ cấu giá thành.
Nhóm trứng gia cầm, theo các doanh nghiệp chi phí xăng dầu chỉ chiếm 2,2% trong cơ cấu giá thành trong khi chi phí nguyên liệu, vật liệu chính chiếm 77% như thức ăn chăn nuôi liên tục từ đầu năm đến nay, nên trứng nguyên liệu cũng tăng theo. Điều này đã dẫn đến nhiều người chăn nuôi không cầm cự nổi, tạm nghỉ dẫn đến nguồn cung giảm. Với giá bán bình ổn hiện nay, các doanh nghiệp đang chịu lỗ rất nhiều.
Tương tự thịt gia cầm, các doanh nghiệp cho rằng chi phí xăng dầu chỉ chiếm 0,05-4% cơ cấu giá thành, chi phí nguyên vật liệu chính là gà lông và vịt lông chiếm 80%. Từ tháng 5 đến nay giá gà lông, vịt lông tăng từ 18-30% nhưng các doanh nghiệp cố gắng duy trì mức giá bình ổn đã đăng ký.
Vì vậy, giá xăng dầu có giảm không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu giá thành nên các doanh nghiệp không thể điều chỉnh giảm. Doanh nghiệp cam kết khi giá nguyên vật liệu chính được điều chỉnh giảm sẽ tính toán điều chỉnh giá theo quy định.
Nhóm mặt hàng thịt heo, các doanh nghiệp cho biết trong cơ cấu hình thành giá, xăng dầu chỉ chiếm gần 2,4-2,8% trong khi giá thịt heo bị ảnh hưởng nhiều bởi giá heo hơi chiếm 78% cơ cấu giá thành.
Hiện nay, giá heo hơi vẫn đang ở mức cao là 66.000 đồng/kg tăng 10% so với thời điểm điều chỉnh liền kề ngày 18-7 nên các doanh nghiệp vẫn chưa thể điều chỉnh giảm giá. Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn kết hợp với các hệ thống phân phối thực hiện khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Theo Sở Tài chính, qua báo cáo của các doanh nghiệp, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm thời gian qua chưa tác động lớn đến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, do giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ từ 2-4% trong cơ cấu giá thành sản phẩm.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá vừa qua chủ yếu bị tác động bởi chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý e ngại trong việc tái đàn trong thời gian qua.
Với tình hình hiện tại, Sở Tài chính nhận định, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong Chương trình bình ổn thị trường chưa thể điều chỉnh giảm. Để giảm chi phí đầu vào của nhiều nhóm hàng cần có thời gian lâu dài cũng như chính sách từ các bộ ngành. Đơn cử, với thức ăn chăn nuôi, cần có quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, nghiên cứu kỹ thuật gieo trồng... để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo Sở Tài chính TPHCM, trong số các mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường (BOTT), hiện dầu ăn đã được Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM và Công ty cổ phần Bách Hóa Xanh giảm giá từ 6 – 8,51%, đồng thời kết hợp khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.