Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp phi sản xuất của Nhật Bản tăng tốc đầu tư vào ASEAN

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng MUFG Bank, chuỗi siêu thị Aeon và nhà bán lẻ thời trang Uniqlo dẫn đầu xu hướng mở rộng đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất ở các thị trường Đông Nam Á (ASEAN) để tận dụng nhu cầu của tầng lớp trung lưu của khu vực này trong bối cảnh thị trường nội địa bão hòa.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản chảy vào lĩnh vực phi sản xuất ở ASEAN đã vượt sản xuất truyền thống.

Nhà bán lẻ Aeon là một trong những doanh nghiệp phi sản xuất của Nhật Bản tăng tốc đầu tư vào ASEAN trong những năm gần đây. Ảnh: Nikkei Asia

Xem ASEAN là động lực tăng trưởng

Gần một thập niên đã trôi qua kể từ khi MUFG Bank, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản về tài sản, đặt mục tiêu biến ASEAN thành động lực tăng trưởng chủ chốt.

“Ban đầu, chiến lược mở rộng ra nước ngoài của chúng tôi bao gồm ASEAN là bám theo các doanh nghiệp Nhật Bản trong ngành sản xuất và thương mại để hỗ trợ hoạt động quốc tế của họ. Nhưng rồi chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thể tận dụng nhu cầu nội địa đang tăng trưởng cùng với sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN không?”, Takeshi Asahi, Giám đốc bộ phận kế hoạch kinh doanh ngân hàng thương mại toàn cầu của MUFG chia sẻ.

Trong những năm gần đây, cách tiếp cận này đã giúp MUFG, vốn được xem là một định chế tài chính bảo thủ, mở rộng nhanh chóng danh mục đầu tư tại ASEAN bằng cách rót vốn vào các lĩnh vực ngoài ngân hàng. Năm 2020, MUFG ký thỏa thuận đầu tư chiến lược vào Grab, hãng gọi xe và giao đồ ăn của Singapore.

Đến năm 2022, ngân hàng này đầu tư vào công ty công nghệ tài chính (fintech) Akulaku của Indonesia. Tháng Sáu năm ngoái, MUFG rót vốn vào Ascend Money, một công ty dịch vụ tài chính số tại Thái Lan và chỉ hai tháng sau, tiếp tục đầu tư vào Global Fintech Innovations của Philippines.

Hầu hết hoạt động kinh doanh ở mảng ngân hàng thương mại toàn cầu của MUFG ngoài Nhật Bản đều tập trung tại Đông Nam Á. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024, lợi nhuận hoạt động ròng của mảng này đạt 242,2 tỉ yen (1,69 tỉ đô la Mỹ), với khoảng 66% đến từ ngân hàng ngân hàng Ayudhya, công ty con của MUFG  tại Thái Lan và ngân hàng Bank Danamon (Indonesia), nơi MUFG là cổ đông lớn.

FDI của Nhật Bản, tính theo đơn vị ngàn tỉ yen, rót vào lĩnh vực phi sản xuất (khối màu xanh lá cây) ở Thái Lan và Việt Nam trong giai đoạn 2022-2024 tăng mạnh so với hai giai đoạn 2016-2018 2019-2021. Ảnh: Nikkei Asia

Chuyển dịch từ sản xuất sang phi sản xuất

Kể từ năm 2010, khi tiền lương công nhân tại Trung Quốc bắt đầu tăng và ASEAN được xem là điểm đến tiềm năng trong chiến lược Trung Quốc + 1, khu vực này đã vượt xa vai trò chỉ là một trung tâm sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tính đến tháng 10-2024, có 5.856 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Thái Lan, 2.394 tại Việt Nam và 2.182 tại Indonesia.

Vốn FDI của doanh nghiệp Nhật Bản rót vào ASEAN gần đây đã đảo chiều, với dòng tiền đổ vào các ngành phi sản xuất vượt qua ngành sản xuất. Tính đến cuối năm 2023, lĩnh vực phi sản xuất chiếm 55% tổng vốn FDI của Nhật Bản tại khu vực này, đánh dấu năm thứ năm liên tiếp FDI phi sản xuất vượt sản xuất.

“Sự chuyển dịch này được thúc đẩy bởi nhiều thay đổi mang tính cấu trúc ở các nước ASEAN  bao gồm tiêu dùng nội địa tăng, thâm nhập kỹ thuật số mạnh mẽ, đô thị hóa nhanh chóng và tiếp cận tài chính mở rộng. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech, y tế và logistics ở ASEAN đang trở nên đặc biệt hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản. Trong vài năm tới, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực phi sản xuất ở ASEAN có thể vượt qua lĩnh vực sản xuất”, Kenichi Shimomura, chuyên gia Đông Nam Á của công ty tư vấn Roland Berger nhận định.

Sự chuyển hướng của doanh nghiệp Nhật Bản sang phi sản xuất đặc biệt nổi bật tại Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, theo phân tích dữ liệu dòng tiền đầu tư xuyên biên giới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Vốn chảy vào Thái Lan từ các ngành phi sản xuất của Nhật Bản trong 3 năm đến năm 2024 đạt 1.000 tỉ yen, chiếm 58% tổng vốn FDI của Nhật Bản, tăng từ 38% vào ba năm trước. Nhiều công ty bán lẻ và chuỗi nhà hàng Nhật Bản đã thiết lập hoạt động tại Thái Lan này, nơi phần lớn người dân yêu thích văn hóa và ẩm thực Nhật Bản.

Don Quijote, chuỗi bán lẻ nổi tiếng thuộc Pan Pacific International Holdings, mở cửa hàng đầu tiên tại Thái Lan vào năm 2019. Đến nay, Thái Lan có 8 cửa hàng Don Quijote.

Tại Việt Nam, các ngành phi sản xuất của Nhật Bản đầu tư 886 tỉ yen, chiếm 69% tổng vốn FDI của doanh nghiệp Nhật trong ba năm tính đến năm 2024, tăng từ 64% vào ba năm trước.

Aeon, nhà bán lẻ lớn Nhật Bản, mở trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2014. Hiện Aeon có 11 trung tâm trên khắp Việt Nam.

“Dân số Việt Nam sẽ đạt 110 triệu người vào năm 2030. Với tầng lớp trung lưu ở nước này đang mở rộng nhanh chóng trong khi mức sống được nâng cao, chúng tôi muốn thâm nhập thị trường theo nhiều hình thức khác nhau để nắm bắt cơ hội tăng trưởng lớn cho tập đoàn”, Akio Yoshida, Chủ tịch Aeon phát biểu tại cuộc họp báo hồi giữa tháng Tư.

Aeon đặt mục tiêu sở hữu 180 cửa hàng tổng hợp và trung tâm mua sắm tại Việt Nam vào năm 2030, tăng từ con số 46 hiện tại. Công ty cũng dự kiến khởi động kinh doanh thẻ tín dụng thông qua một công ty tài chính địa phương mà một công ty con của Aeon mua lại vào tháng Hai. Ngoài ra, Aeon sẽ khai trương rạp chiếu phim đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay thông qua một liên doanh.

Một nhà bán lẻ Nhật Bản khác đã mở rộng đáng kể ở Đông Nam Á là Uniqlo. Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Singapore vào năm 2009, tính đến cuối tháng Ba vừa qua, nhà bán lẻ thời trang đã có 342 cửa hàng trên khắp khu vực.

Các tập đoàn thương mại của Nhật Bản cũng đang tìm kiếm các cơ hội tại ASEAN. Tại Thái Lan, đầu năm nay, Itochu đã công bố khoản đầu tư vào một công ty cho vay mua ô tô và một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Yasuhito Kawauchino, CEO bộ phận kinh doanh tài chính và bảo hiểm của Itochu cho biết, tập đoàn đang xem xét đầu tư vào Việt Nam.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng muốn đầu tư ra nước ngoài

Xu hướng dân số ngày càng già hóa và thị trường tiêu dùng tương đối bão hóa của Nhật Bản đã thúc đẩy doanh nghiệp nước này theo đuổi các cơ hội tại ASEAN để tạo động lực tăng trưởng mới. Ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng đang đầu tư ra nước ngoài.

Khoảng 41% trong số khoảng 1.900 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia khảo sát hồi năm ngoái của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết muốn thành lập cơ sở kinh doanh đầu tiên ở nước ngoài trong vòng ba năm tới. Trong danh sách những thị trường mà các doanh nghiệp này mong muốn đầu tư, Việt Nam đứng thứ tư và Thái Lan đứng thứ sáu.

Kenji Kanamoto, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Kenji Kanamoto ghi nhận, các thương vụ đầu tư của doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản vào các thị trường ASEAN trong các lĩnh vực phi sản xuất như thực phẩm, đồ uống và dịch vụ đang tăng lên rõ rệt.

Jayant Menon, nhà nghiên cứu cao cấp ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak nhận định, sự chuyển dịch khỏi sản xuất truyền thống trong thành phần FDI của Nhật Bản tại ASEAN  sẽ tiếp tục diễn ra.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới