(KTSG Online) - Vừa qua, Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 6, cả nước có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay.
- Khoảng 88.000 doanh nghiệp rời thị trường trong 5 tháng đầu năm
- 15.000 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4, cao nhất từ trước đến nay
Dữ liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp tái gia nhập thị trường những tháng đầu năm giảm sút hoặc nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ như tháng 1 và tháng 2, lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm sút với tỷ lệ lần lượt là giảm 21,2% và 3,5%. Tháng 5 vừa qua, mức tăng trưởng này tăng nhẹ 14,3%.
Trong tháng 6 này, cả nước có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022, cũng là mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, có hơn 13.900 doanh nghiệp đăng ký bắt đầu hoạt động, tăng 4,8% so với tháng 6-2022. Tổng vốn đăng ký là hơn 138.700 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 12.300 doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 113.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập và quay trở lại thị trường. Như vậy, bình quân mỗi tháng có khoảng 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập và tái gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, có khoảng 100.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Một thông tin liên quan khác đáng chú ý là kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%), trong khi số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại đang tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực), theo Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong đó, doanh nghiệp hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn về vốn. Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỉ đồng, chỉ bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỉ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017 kể cả khi mặt bằng lãi suất đã được giảm tương đối. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tín dụng tăng trưởng chậm, nguyên nhân vẫn là do doanh nghiệp đang còn hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm do thiếu đơn hàng, nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Do vậy, Cục Đăng ký kinh doanh khuyến nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ. Khi có thêm những giải pháp thúc đẩy đầu ra thì doanh nghiệp tiếp tục cải thiện khả năng trả nợ, tăng khả năng hấp thụ vốn.