Thứ Sáu, 5/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp rối bời vì khác biệt chính sách AI tại châu Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính sách quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) mỗi nơi mỗi kiểu như ở châu Á đang gây đau đầu cho giới doanh nghiệp. Vấn đề này sẽ gây khó khăn lớn về mặt tuân thủ pháp lý trong trường hợp doanh nghiệp giới thiệu một sản phẩm AI cho thị trường toàn khu vực.

Các nước châu Á hiện quản lý AI theo các chính sách riêng, phù hợp với chương trình nghị sự của mỗi nước. Ảnh: Nikkei Asia

Chính sách quản lý AI khác nhau tạo ra “bãi mìn pháp lý”

Cách tiếp cận rời rạc của châu Á trong việc quản lý AI đang làm gia tăng sự không chắc chắn đối với những công ty mong muốn triển khai công nghệ này trên toàn khu vực, theo các chuyên gia pháp lý và nhà phân tích.

Các chính phủ trong khu vực không theo đuổi các quy định quản lý áp dụng chung cho cả khu vực mà lựa chọn chính sách quản lý AI phù hợp với mỗi chương trình nghị sự quốc gia. Cách tiếp cận này có nguy cơ tạo ra ”bãi mìn pháp lý” cho các công ty.

“Vấn đề sẽ trở nên rắc rối nếu 15 hay 20 quốc gia lớn ở châu Á bắt đầu ban hành những luật quản lý khác nhau rõ rệt. Khi giới thiệu một sản phẩm AI ngay lúc đó, bạn phải hiểu chính xác những gì bạn phải tuân thủ ở mỗi quốc gia. Quá trình này rất khó khăn”, Adrian Fisher, người đứng đầu bộ phận công nghệ, truyền thông và viễn thông châu Á tại hãng luật Linklaters của Anh, nói với tờ Nikkei Asia.

Hãng kiểm soát KPMG xem “những khoảng cách trong quản trị AI” giữa các nước là rủi ro chính đối với tăng trưởng kinh doanh trong năm tới, dù đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng hơn 5 lần trong giai đoạn 2013-2023.

Quy định quản lý xuyên biên giới đã trở thành chủ đề nóng kể từ khi AI tạo sinh xuất hiện vào cuối năm 2022. Mỹ và Trung Quốc, những đối thủ hàng đầu trong lĩnh vực này đã gặp nhau ở Thụy Sĩ trong năm nay để thảo luận chính thức lần đầu tiên về những rủi ro của AI. Tuy nhiên, cuộc thảo luận này không đạt được kết quả cụ thể nào.

Trong khi đó, EU đã tiên phong thông qua Đạo luật quản lý AI, được coi là luật toàn diện đầu tiên trên thế giới quản lý sử dụng công nghệ này. Luật mới sẽ áp dụng cho các nhà cung cấp và nhà phát triển hệ thống AI được tiếp thị hoặc sử dụng trong EU. Dự kiến, luật có hiệu lực theo từng giai đoạn trong những tháng tới.

Ở châu Á, Trung Quốc là chính phủ chủ động nhất về mặt quản lý AI. Mặc dù chưa ban hành một đạo luật chung về AI nhưng cơ quan quản lý của Trung Quốc đã công bố một bộ hướng dẫn quản lý đối với AI có hiệu lực từ năm 2022. Hướng dẫn đưa ra các khuyến nghị về thuật toán cho đến deepfakes (hình ảnh, video, giọng nói giả mạo người khác do AI tạo ra) và nhấn mạnh các công cụ AI cần phải “thúc đẩy giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt đặt mục tiêu đệ trình dự thảo luật quản lý AI toàn diện cho quốc hội của nước này xem xét trong năm nay.

Theo Laveena Iyer, nhà phân tích của Economist Intelligence Unit, các nước châu Á hiện quản lý AI như một phần của luật quản lý công nghệ quốc gia, vốn thiếu rõ ràng về các quy trình và hệ thống quản lý dành riêng cho AI. Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất khi nước này cho thấy sự tiến bộ bằng cách lên kế hoạch soạn thảo luật AI quốc gia có thể được đưa ra quốc hội để tranh luận trong năm 2024.

Nhiều nước còn thận trọng

Một số chính phủ ở châu Á thận trọng với việc đặt ra quy định quản lý quá nghiêm ngặt đã khiến các doanh nghiệp e dè và bỏ qua cơ hội đầu tư vào AI.

Cho đến gần đây, Nhật Bản cho phép các công ty tự quản lý các công cụ AI dựa trên hướng dẫn của chính phủ. Hiện các cơ quan chức năng của nước này đang xem xét quản lý các nhà phát triển AI lớn trong và ngoài nước để hạn chế những rủi ro như lan truyền thông tin sai lệch. Tháng trước, Hội đồng chiến lược AI của chính phủ Nhật Bản bắt đầu thảo luận việc xây dựng một khuôn khổ quản lý AI. Hội đồng này dự kiến sẽ phân tích các phương pháp tiếp cận quản lý AI ở Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, Hàn Quốc đang xem xét dự thảo của Đạo luật về thúc đẩy công nghiệp AI và khuôn khổ xây dựng AI đáng tin cậy. Theo hãng luật Lee & Ko, trái ngược với Đạo luật quản lý AI của EU, dự thảo luật này dựa trên nguyên tắc triển khai công nghệ AI trước, quy định quản lý theo sau.

“Dù hiện tại, Hàn Quốc chưa có đạo luật khung cụ thể nào đối với AI nhưng đã có một số dự luật liên quan đến AI đã được giới thiệu. Nước này đang chủ động phát triển môi trường pháp lý và quy định để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành AI cũng như quản lý các rủi ro mới nổi”, Hwan Kyoung Ko và Il Shin Lee, hai đối tác của Lee & Ko viết trong một báo cáo.

Singapore cũng tránh đưa ra các quy định quản lý AI sâu rộng theo kiểu của EU mà chỉ ban hành các hướng dẫn đối với công nghệ này.

Châu Á khó đạt được chính sách chung về quản lý AI

Trong bối cảnh chưa có khung pháp lý quản lý AI rõ ràng, một số doanh nghiệp đã tự điều chỉnh. Hồi tháng 5, hãng viễn thông Verizon của Mỹ cam kết “sử dụng AI có trách nhiệm” khi ra mắt các công cụ AI phân tích hồ sơ khách hàng nhằm phục vụ chính xác hơn nhu cầu của hãng.

Verizon đang kinh doanh ở các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapor. Hãng cho biết muốn hợp tác với các nhà hoạch định chính sách trong khu vực để xây dựng luật và quy định quản lý AI hợp lý.

Priya Mahajan, người đứng đầu chính sách công khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Verizon, kêu gọi các nước trong khu vực nên xem xét thành lập một cơ quan quản lý AI duy nhất để loại bỏ những khác biệt trong chính sách quản lý.

Nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp SAP (Đức) đang sử dụng AI để tạo báo cáo về khách hàng, cho rằng các chính phủ và cơ quan quản lý phải đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các khuôn khổ và chính sách để thiết lập niềm tin vào AI.

“Sự rõ ràng và nhất quán về quy định quản lý sẽ cho phép các doanh nghiệp hưởng lợi trọn vẹn từ những đổi mới của AI”,  Paul Marriott, Chủ tịch phụ trách châu Á-Thái Bình Dương và Nhật Bản của SAP nói.

Thất bại trong việc đàm phán các quy định quản lý AI trên toàn châu Á có thể khiến khu vực có ít tiếng nói hơn trong cuộc đối thoại về AI toàn cầu.

“EU đã trở thành trung tâm toàn cầu về quản trị AI. Đạo luật quản lý AI mới của khối này có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn mặc định toàn cầu”, Scott Shackelford, giáo sư chuyên ngành luật kinh doanh và đạo đức ở Trường Kinh doanh Kelley thuộc Đại học Indiana (Mỹ), nhận định.

Tuy nhiên, châu Á khó có thể đàm phán thành công một chính sách quản lý AI chung. Theo Amita Haylock, đối tác công nghệ, truyền thông và viễn thông ở hãng luật Mayer Brown, sự đa dạng về chính trị và kỹ thuật số của khu vực đã khiến việc xây dựng một chính sách AI chung vô cùng khó khăn.

“Các doanh nghiệp hoạt động ở châu Á nên chuẩn bị tìm hiểu và ứng phó các khung quản lý AI khác nhau và đôi khi xung đột nhau”, bà nói.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới