Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tiếp tục phản ảnh khó vay vốn vì ngân hàng cạn “room” tín dụng

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phản ánh tới Thủ tướng về việc khó vay vốn cho sản xuất – kinh doanh vì ngân hàng cạn “room” tín dụng, không cấp khoản vay mới.

Tại hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp sáng 11-8, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho biết khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp ngành thuỷ sản là nhiều ngân hàng thông báo không cho vay khoản vay mới, khiến doanh nghiệp không có thêm tài chính cho kế hoạch thu mua nguyên liệu sản xuất.

Việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà băng đang cạn “room” tín dụng. Còn chi phí sản xuất của doanh nghiệp thuỷ sản đã tăng nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, thức ăn chăn nuôi tăng trên 20%, chi phí vận tải quốc tế ở mức khoảng 400 triệu đồng với mỗi container từ Việt Nam tới bờ Tây nước Mỹ.

Với bối cảnh này, ông Nam đề nghị các cơ quan quản lý có giải pháp giải quyết vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất như thuỷ sản.

Nhiều ngân hàng không thể giải ngân vốn cho vay do đã cạn “room” tín dụng. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết tín dụng cho các doanh nghiệp xây dựng chưa được ưu tiên như sản xuất. Ngoài ra, nhiều ngân hàng bị cạn “room” tín dụng nên vốn cho vay với doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế, thậm chí phải chịu mức lãi suất cao.

Điều này, theo ông Hiệp, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp do phần lớn hợp đồng xây dựng chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị nhưng khi triển khai xây dựng công trình, doanh nghiệp phải dùng vốn vay ngân hàng mua vật tư, máy móc, chi phí nhân công…

Vì vậy, Chủ tịch VACC cũng đề xuất Chính phủ có giải pháp ưu tiên về lãi suất với các doanh nghiệp xây dựng, giúp giải quyết bài toán nợ đọng, vốn. Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông đề nghị cần có hướng dẫn các nhà băng bổ sung ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, nhất là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “giảm tốc” còn doanh nghiệp ngành này lại đang “hụt hơi”, khó tiếp cận vốn ngân hàng, vốn trái phiếu.

Ông đề nghị NHNN thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về viêc không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường,

Phản hồi, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cho biết toàn ngành đã có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho doanh nghiệp và người dân. Nguồn này chính là nguồn lực tài chính của hệ thống ngân hàng với giá trị khoảng 50.000 tỉ đồng.

“Trong lúc doanh nghiệp khó khăn, NHNN đã ban hành các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ. Bằng cách này có thể giúp doanh nghiệp vay vốn của hệ thống ngân hàng khi gặp khó khăn và chưa trả nợ được”, bà Hồng nói.

Về lãi suất, bà cho biết doanh nghiệp muốn giảm nhưng cần đảm bảo mức lãi suất phù hợp cho người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Về tín dụng, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định, kịch bản tăng trưởng tín dụng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Còn việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới