(KTSG Online) - Các doanh nghiệp Trung Quốc đã xem Thụy Sĩ là sàn niêm yết mới ở nước ngoài sau khi các áp lực kiểm toán của Washington gây khó cho họ lên sàn New York hay Nasdaq.
- 2022: năm nhiều thăng trầm của thị trường chứng khoán Việt Nam!
- Tiền tháo chạy mạnh khỏi các quỹ chứng khoán trên toàn cầu
- Nhà đầu tư chứng khoán sẽ được cảnh báo sớm về rủi ro trên thị trường
Kể từ khi cơ chế niêm yết mới ở Thụy Sĩ có hiệu lực vào cuối tháng 7-2022, có 9 doanh nghiệp ở Trung Quốc đại lục đã đưa cổ phiếu của họ lên sàn Zurich, huy động được 3,15 tỉ đô la Mỹ, gấp gần sáu lần số tiền huy động được trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2022.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán Thụy Sĩ không thể thay thế được vai trò của thị trường Mỹ dù Washington không ngừng gây áp lực đối với doanh nghiệp niêm yết và các hãng kiểm toán Trung Quốc.
Sàn Zurich đang được chuộng
Hãng hóa chất tư nhân Jiangsu Eastern Shenghong của tỉnh Giang Tô là công ty mới nhất niêm yết trên sàn Swiss Exchange (SIX). Hôm 28-12, hãng này đã huy động được 718 triệu đô la Mỹ trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng (IPO) lớn nhất trên sàn SIX trong năm nay.
"Đây là một bước quan trọng trong quá trình phát triển quốc tế của công ty", Jiangsu Eastern viết trong thông cáo về vụ IPO. Hãng nói sẽ “nâng cao năng lực sản xuất, lôi kéo các nhà đầu tư toàn cầu và tích lũy vốn để mở rộng trên thế giới”.
Theo thỏa thuận "Kết nối chứng khoán Trung Quốc - Thụy Sĩ" có hiệu lực từ cuối tháng 7, các công ty giao dịch trên các sàn giao dịch ở một trong hai quốc gia có thể chọn niêm yết thứ cấp ở phía bên kia bằng cách phát hành biên lai lưu ký toàn cầu (GDR).
Cho đến nay, các công ty Trung Quốc đã niêm yết trên SIX gồm có hai hãng sản xuất pin lithium Gotion High-Tech và Sunwoda Electronic, hãng thiết bị y tế Lepu Medical Technology Beijing và nhà sản xuất dụng cụ cầm tay Hangzhou GreatStar Industrial.
Tuy vậy, hiện không có công ty niêm yết ở châu Âu nào sử dụng hệ thống này để lên sàn Thượng Hải hoặc Thâm Quyến.
Kết nối chứng khoán Trung Quốc - Thụy Sĩ được xây dựng theo mô hình của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh bắt đầu vào năm 2019. Nhưng kết quả không mấy khả quan khi chỉ có năm doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết ở London. Hiện chính phủ Trung Quốc đang thảo luận một thỏa thuận tương tự như trên với Đức.
Ringo Choi, phụ trách IPO ở châu Á - Thái Bình Dương của hãng kiểm toán EY, nói với Nikkei Asia rằng một lý do quan trọng khiến các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc niêm yết trên SIX là chính phủ Thụy Sĩ cho phép họ sử dụng các công ty kiểm toán có trụ sở tại Trung Quốc. Bởi cả Thụy Sĩ và Trung Quốc đã đồng ý công nhận lẫn nhau về các quy tắc kế toán và khuôn khổ giám sát tương ứng của mỗi bên.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của Mỹ lại kiểm soát chặt các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Nhà chức trách Mỹ còn yêu cầu được kiểm tra các hãng kiểm toán Trung Quốc khi thực hiện các dịch vụ cho các công ty lên sàn New York và Nasdaq.
Dưới áp lực như vậy, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi các sàn chứng khoán Mỹ. Chỉ có 16 công ty thực hiện IPO trong năm 2022 so với con số 42 trong năm ngoái, và tổng số tiền huy động được chỉ 540 triệu đô la Mỹ, giảm đến 96%, theo ước tính của Deloitte.
“Sự sụt giảm vào năm 2022 chủ yếu là do mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung. Zurich ổn định hơn và trung lập về chính trị hơn. Đó có lẽ là lý do tại sao SIX trở nên hấp dẫn đối với một số công ty Trung Quốc”, nhà phân tích Choi của EY nhận định.
Bắc Kinh dường như cũng xem khả năng niêm yết ở Thụy Sĩ là cơ hội mới cho doanh nghiệp Trung Quốc. Fang Xinghai, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế tại Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, đã phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải vào tháng trước rằng cơ quan quản lý hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng "sự phát triển lành mạnh của phát hành lưu ký toàn cầu GDR".
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các công ty Trung Quốc tìm kiếm cơ hội niêm yết ở nước ngoài, và cũng hy vọng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài làm điều tương tự ở Trung Quốc.
Một khảo sát của Nikkei Asia cho thấy, có ít nhất 30 công ty đại lục giao dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã tiết lộ ý định muốn niêm yết trên sàn SIX.
Nguy cơ bị hủy niêm yết ở Mỹ luôn chực chờ
Có đến 173 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết. Tuy vậy, nguy cơ này đã giảm bớt phần nào sau khi Ủy ban giám sát kế toán Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) thông báo vào giữa tháng 12 rằng cuộc kiểm tra đầu tiên được thực hiện ở Hồng Kông đã thành công.
Nhưng điều này không có nghĩa rằng Washington sẽ giảm áp lực với Bắc Kinh hay nới lỏng kiểm soát về thực hành kiểm toán tại Trung Quốc. Chủ tịch PCAOB Erica Williams nói rằng: “Việc gia tăng sức ép bây giờ sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ các chuẩn mực”.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu chính Jane Moir thuộc Hiệp hội Quản trị Doanh nghiệp châu Á cho rằng Washington luôn theo dõi sát sao và sẵn sàng hành động. “Tuyên bố của phía Mỹ cho thấy mọi việc chỉ đang tốt ở thì hiện tại. Nếu mọi thứ không diễn ra suôn sẻ trong tương lai, cơ quan quản lý của Mỹ có thể đưa các công ty này trở lại danh sách có thể bị hủy niêm yết”, bà Moir phát biểu với Nikkei Asia.
Tuy vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị thị trường Mỹ thu hút bởi quy mô, tính thanh khoản và sự đa dạng của các nhà đầu tư. Nhưng ông Choi của EY dự đoán rằng xu hướng IPO còn "phụ thuộc vào mối quan hệ” giữa hai siêu cường.
Nana Li, người phụ trách ESG ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng quản lý tài sản Impax Asset Management có trụ sở tại London, cho biết Thụy Sĩ hoặc bất kỳ thị trường châu Âu nào khác cũng không thể thay thế cho New York hoặc Nasdaq. “Nhưng Trung Quốc cũng đang gây áp lực buộc Mỹ phải nhượng bộ,” Li nói.