(KTSG) - Khác với giai đoạn trước có thể dựa vào nguồn lực tiếp thu từ quá trình chuyển giao công nghệ đơn giản và nhân lực dồi dào, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao hiện nay, doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo để duy trì lợi thế cạnh tranh. Việt Nam cần những chính sách có thể “thúc giục” doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển (R&D).
- Kỳ vọng mới về chính sách thúc đẩy R&D doanh nghiệp
- LG Electronics mở trung tâm RD ở Hà Nội, tập trung vào phụ tùng ô tô điện
Thiết lập tiêu chí R&D
Khi nền kinh tế đã trải qua giai đoạn phát triển ban đầu, doanh nghiệp có thể tích lũy một tiềm lực công nghệ ở mức tương đối cho việc sản xuất các công đoạn từ đơn giản đến trung cấp trong chuỗi giá trị. Nhưng để tiến xa hơn, Nhà nước cần có quy định tỷ lệ đầu tư cho R&D trên doanh thu hoặc lợi nhuận, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp khả năng sản xuất và giới thiệu sản phẩm, qua đó duy trì lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Các chi phí đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp cho những hoạt động này nên được hỗ trợ thông qua hình thức miễn, giảm thuế. Có thể kể đến các loại chi phí như thực hiện dự án nghiên cứu công nghệ để nâng cấp quy trình sản xuất, nghiên cứu để nâng cấp chức năng trong chuỗi giá trị (tham gia công đoạn cao hơn), nâng cấp sản phẩm (chuyển từ sản phẩm giá trị thấp sang giá trị cao hơn)...
Ngoài chi phí, việc tạo điều kiện và cơ chế để thúc đẩy các hoạt động R&D cũng rất quan trọng với doanh nghiệp nội.
Tạo nguồn lực và áp lực thị trường
Ở giai đoạn đầu, khi doanh nghiệp nội địa chưa có khả năng cạnh tranh do nguồn lực công nghệ và hệ thống quản trị vận hành chưa hiệu quả, Nhà nước cần chính sách hỗ trợ để họ có thể học hỏi thông qua các liên minh chiến lược, liên doanh. Việc học hỏi có thể đến từ hiệu ứng lan tỏa khi doanh nghiệp nội ở gần các công ty đa quốc gia trong khu công nghiệp, tổ hợp kinh tế và các câu lạc bộ chính thức, phi chính thức... Quá trình này có mối quan hệ cộng hưởng, học hỏi và tích lũy công nghệ sẽ dẫn đến cơ hội làm ăn với đối tác có công nghệ cao hơn và tham gia vào khâu quan trọng hơn. Tiếp tục quá trình này, doanh nghiệp dần nâng cấp trong chuỗi giá trị. Vì vậy giai đoạn đầu tích lũy công nghệ là vô cùng quan trọng.
Sự tham gia của Nhà nước trong
giai đoạn đầu phát triển công nghệ là yếu tố quan trọng nhằm định hình hướng đi cho doanh nghiệp và “thúc ép” họ dần đi trên “đôi chân công nghệ” của chính mình.
Khi nguồn lực công nghệ đã ở mức độ nhất định, Nhà nước cần tăng các tiêu chuẩn sản phẩm cũng như yêu cầu công nghệ nhằm tạo sức ép để các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước nâng cấp quy trình sản phẩm, nghiên cứu công nghệ mới, nghiên cứu thị trường.
Thông qua các chính sách nhằm khuyến khích thực hiện hoạt động R&D nội bộ, doanh nghiệp trong nước dần làm quen với việc tự phát triển công nghệ và khả năng sản xuất cả trong lĩnh vực công nghệ ứng dụng.
Hoạt động nghiên cứu thị trường quan trọng nhất vẫn là ở cấp độ doanh nghiệp khi gắn với nhu cầu phát triển nội tại và cạnh tranh bền vững. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần khám phá ra các ngách mới của thị trường mà bản thân hoạt động hiện tại chưa đáp ứng được.
Nghiên cứu thị trường nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Trong quá trình R&D ra các sản phẩm và dịch vụ mới, để tránh gặp phải rủi ro các kết quả nghiên cứu không mang lại lợi ích thương mại hay thương hiệu, doanh nghiệp nên được hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường làm nền tảng.
Nhà nước có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động này thông qua các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư cả ở trong nước và ngoài nước. Kinh nghiệm thế giới có nhiều trung tâm chuyên nghiên cứu và thu thập thông tin, số liệu thị trường phục vụ cho doanh nghiệp nội địa rất thành công như JETRO của Nhật Bản hay KOTRA của Hàn Quốc.
Trong trường hợp Việt Nam, doanh nghiệp trong các ngành then chốt cần nâng cấp công nghệ sẽ cung cấp các hồ sơ “lý lịch” của mình cho các cơ quan có liên quan đến hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế. Các cơ quan này sẽ làm việc để cung cấp các thông tin về nhu cầu, loại hình công nghệ và kỹ năng cần thiết để có thể chinh phục các thị trường. Ngoài ra, các cơ quan này cũng có thể cung cấp nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Sự hỗ trợ còn đến từ các công trình nghiên cứu thị trường được Nhà nước tài trợ.
Nguồn nhân lực cần hỗ trợ
Sau các khâu trên, doanh nghiệp cần có nguồn nhân lực chất lượng đảm nhận các công tác R&D hiệu quả. Cả hai cách nâng cấp nguồn nhân lực hiện tại hay tuyển mới đều cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đối với trường hợp nâng cấp nhân sự hiện tại, tác giả đề xuất cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Chi phí đào tạo sẽ được miễn giảm hoàn toàn các loại thuế và phí liên quan, tùy theo yêu cầu kỹ năng mới. Các công trình nghiên cứu có giá trị quan trọng, có khả năng thương mại hóa và đem lại giá trị cạnh tranh cao sẽ được tài trợ đăng ký bản quyền. Trong trường hợp những kỹ năng mới của người nghiên cứu mang tính đột phá, then chốt cho các ngành công nghiệp mới và có giá trị lan tỏa cao, chẳng hạn như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo..., Chính phủ có thể đưa ra các hỗ trợ một phần hay toàn phần nếu có đề án thuyết phục. Nếu có phát sinh thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu, khoản đó cũng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Đối với trường hợp thuê mới, Nhà nước cần hỗ trợ thông qua các chính sách lao động thông thoáng cho đội ngũ nhân sự chất lượng cao như giảm thuế thu nhập cá nhân, chính sách về visa, nhà ở... Các kỹ sư, nhà khoa học người Việt Nam nên là đối tượng được ưu tiên cao nhất.
Thương mại hóa các sản phẩm
Khi quá trình R&D được hiện thực hóa bằng việc đưa ra các quy trình sản xuất và công nghệ mới cho ra sản phẩm hiện tại, Nhà nước cần tiếp tục chính sách hỗ trợ khác nhằm thương mại hóa thành công các thành quả này, trước hết là tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại.
Về mặt tài chính, doanh thu và lợi nhuận từ hàm lượng này có thể được miễn thuế theo tỷ lệ phần trăm giá trị gia tăng của các nghiên cứu mới. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp sản xuất ô tô nghiên cứu ra một phụ tùng thay thế hoặc một bộ phận mới và tích hợp vào những mẫu ô tô điện hiện hữu làm cho giá trị bản quyền sử dụng các thiết bị bên ngoài từ 100% xuống còn 60% giá trị chiếc xe (nghĩa là doanh nghiệp tạo ra giá trị chất xám là 40% cho chiếc xe), khi đó, doanh thu và lợi nhuận sẽ được giảm 40% tiền thuế đối với giai đoạn giới thiệu và tăng trưởng theo vòng đời sản phẩm. Vòng đời sản phẩm là dựa trên vòng đời tham khảo của các sản phẩm cùng loại theo bốn giai đoạn sản phẩm là giới thiệu, tăng trưởng, trưởng thành và đi xuống.
Sau hai giai đoạn đầu (nghĩa là khi doanh thu hàng năm từ sản phẩm có tích hợp giá trị tự nghiên cứu này bắt đầu chững lại và đi xuống), doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế đầy đủ trong hai giai đoạn còn lại. Việc xác định vòng đời này căn cứ vào kết quả kinh doanh của sản phẩm đó kể từ khi có các phát minh đáng kể (từ 10% giá trị trở lên) được đưa vào. Phần giá trị gia tăng có từ kết quả R&D của doanh nghiệp được căn cứ trên các bằng sáng chế của doanh nghiệp được cấp tại Việt Nam hoặc quốc tế. Việc hỗ trợ chỉ áp dụng ở hai giai đoạn ban đầu nhằm giảm thiểu rủi ro thất bại cho sản phẩm cũng như khuyến khích doanh nghiệp phải thường xuyên nghiên cứu thị trường, sản phẩm và công nghệ mới, duy trì khả năng đổi mới, sáng tạo gắn với nhu cầu thị trường. Trong trường hợp sản phẩm từ quá trình R&D là không thành công về mặt thương mại thì doanh nghiệp sẽ được miễn thuế cho dòng sản phẩm đó.
Với việc phát triển của ngành công nghệ thông tin, tác giả cho rằng các hoạt động tính toán này sẽ trở nên đơn giản và khả thi hơn thông qua các phần mềm ứng dụng. Bên cạnh đó, các ưu đãi chỉ nên áp dụng cho các ngành công nghiệp quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật và nghiên cứu cao, phục vụ nâng cấp cho nền kinh tế thay vì ưu tiên cho tất cả các ngành.
Sự tham gia của Nhà nước trong giai đoạn đầu phát triển công nghệ là yếu tố quan trọng nhằm định hình hướng đi cho doanh nghiệp và “thúc ép” họ dần đi trên “đôi chân công nghệ” của chính mình. Sự hỗ trợ sẽ giảm dần trong các giai đoạn sau khi các nhân tố thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển công nghệ sẽ dần được hình thành và phát huy hiệu quả.
Với đặc thù phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tui đồng tình với ý kiến doanh nghiệp nên đóng góp nguồn lực để hiệp hội làm R&D và tất nhiên là chi tiêu của chính phủ cho việc này là rất quan trọng vì nó cũng là một phần của công việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng vai như là một bên cung cấp dịch vụ