Thứ Tư, 15/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt gia nhập ‘cuộc chơi’ báo cáo phát triển bền vững

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày càng có thêm doanh nghiệp phát hành báo cáo phát triển bền vững riêng biệt bên cạnh báo cáo thường niên theo thông lệ. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức khi tham gia “cuộc chơi” này khi tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn thấp, khả năng quản trị của họ còn cần cải thiện. Trong khi đó, các quy định và thông lệ về phát triển bền vững trên thế giới lại thay đổi nhanh chóng và theo hướng khắt khe hơn.

Hướng tới phát triển bền vững hiện là một nhiệm vụ thách thức lớn đối với HĐQT doanh nghiệp Việt hiện nay. Ảnh: Lê Toàn.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết năm 2023, nằm trong khuôn khổ Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 16, do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức vào chiều ngày 15-12.

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), thành viên Hội đồng bình chọn hạng mục phát triển bền vững, cho biết có nhiều điểm tích cực trong vòng chung khảo năm nay, chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp công bố các tiêu chuẩn ESG trên thế giới đưa vào báo cáo của mình.

“Họ nói rằng có khi phải giành thời gian cả năm trời để lấy được 1 chỉ số”, ông Thịnh kể lại về những nỗ lực của doanh nghiệp.

Trong năm nay, số lượng các công ty lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt (lọt vào vòng chung khảo) đã tăng nhẹ từ mức 19 năm 2022 lên 21 báo cáo, tiếp nối từ đà tăng các năm trước.

Đánh giá đây vẫn là con số khiêm tốn, nhưng ông Thịnh nói thêm rằng điểm sáng năm nay là nhiều doanh nghiệp đã có khung báo cáo, công bố thực hành phát triển bền vững, áp dụng các chuẩn quốc tế, đưa các đánh giá ảnh hưởng môi trường ở góc độ tài chính vào báo cáo.

Mặt khác, ở góc độ quản trị Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), số lượng các công ty áp dụng mô hình ủy ban ESG thuộc hội đồng quản trị (HĐQT) cũng ngày càng nhiều hơn. Điều này cho thấy các vấn đề về ESG ngày càng được quan tâm hơn bởi HĐQT.

Ngoài ra, số lượng các đơn vị công bố thông tin về đánh giá nhà cung cấp tăng lên so với các năm trước, đặc biệt có đơn vị công bố bộ chỉ số đánh giá nhà cung cấp về các lĩnh vực môi trường và xã hôi. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đã bắt đầu để ý nhiều hơn đến tác động môi trường của chuỗi cung ứng của mình.

Tuy nhiên, việc đưa câu chuyện phát triển bền vững vào báo cáo của doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức.

Theo ông Thịnh, dù có nhiều đơn vị bắt đầu công bố về các chỉ tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, nhưng phần nhiều chỉ mang yếu tố định tính, thiếu định lượng. Thậm chí ở những doanh nghiệp có con số định lượng, con số đưa ra lại chưa đúng quy chuẩn để giúp người đọc báo cáo nắm thông tin và dễ so sánh hơn.

Quản trị công ty (QTCT) của doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện trong thời gian qua, nhưng vấn đề lớn vẫn nằm ở câu chuyện “Trách nhiệm HĐQT”.

Mặt khác, một vấn đề chung trong các báo cáo hoạt động của doanh nghiệp Việt là câu chuyện của hoạt động quản trị còn phải cải thiện nhiều.

Theo báo cáo của Hội đồng bình chọn, phần lớn doanh nghiệp vẫn đáp ứng tiêu chí thông lệ ở mức khá thấp và tỷ lệ vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin ở mức đáng kể (khoảng 18%), dù việc thực hành quản trị công ty được các chuyên gia đánh giá là có cải thiện.

Các yếu tố quản trị cần cải thiện được liệt kê bao gồm đảm bảo quyền và đối xử công bằng với các cổ đông; công bố thông tin và minh bạch; vai trò các bên hữu quan và phát triển bền vững; cơ cấu và vai trò kiểm soát của hội đồng quản trị.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Viện thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), cho biết Việt Nam là quốc gia có mức điểm  “trên trung bình” khi xét về thẻ điểm quản trị công ty, dù có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, thách thức khác nằm ở chỗ thế giới đang tiến lên quá nhanh về các tiêu chí, khung phát triển bền vững. Theo bà Thanh, trong tháng 9 vừa qua, tổ chức OECD công bố nguyên tắc quản trị công ty mới có hiệu lực từ đầu năm 2024. Tại Việt Nam, nguyên tắc thứ 6 sẽ được đưa thêm trong thời gian tới sẽ là tính phát triển bền vững và sự “kiên định” trong việc phát triển bền vững.

Tương tự, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho biết thế giới có rất nhiều khung phát triển bền vững, tập trung chủ yếu vào các cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới, liên quan đến câu chuyện năng lượng, biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, doanh nghiệp đã có bước tiến xa trong hơn thập kỷ qua, đi từ chỗ chưa biết làm đến báo cáo phát triển bền vững, nhưng vẫn còn cách xa với thế giới.

“Khi chúng ta đạt được tầm cao mới thì chuẩn thế giới lại tiếp tục tăng lên, nghĩa là chúng ta luôn có mục tiêu mới để theo đuổi. Để Việt Nam thu hút nguồn vốn thì doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, nâng hạng thị trường”, ông Vinh nói.

Không chỉ sức ép từ các quy định quốc tế ngày càng chặt chẽ hơn, sức ép từ phía các nhà đầu tư tổ chức cũng đang ngày càng gia tăng.

Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, vướng mắc hiện nay là yêu cầu tuân thủ ESG trong đầu tư từ phía các khách hàng, nhà đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ đo lường lượng phát thải trong danh mục đầu tư, vì rất ít công ty làm điều này.

Theo đó, Dragon Capital phải thuê một công ty nước ngoài để đánh giá lượng phát thải trong danh mục, bằng cách so sánh các công ty trong danh mục với các công ty cùng ngành ở nước ngoài.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), nói rằng việc đáp ứng các quy chuẩn theo ESG là cần thiết, nhưng sẽ khó áp dụng toàn bộ và giống hệt thị trường quốc tế. Thay vào đó, PNJ sẽ xem xét cái nào phù hợp thì đầu tư trước chứ không làm theo kiểu “sách giáo khoa”.

“ESG là một khoản chi phí nhưng ở góc nhìn khác thì đó là đầu tư và hiện đang mang lại lợi nhuận”, ông Thông chia sẻ thêm về trường hợp doanh nghiệp mình đã tăng cường đầu tư cho “vốn xã hội” trong hai năm qua, dù thị trường chung vẫn gặp khó khăn.

Doanh nghiệp đã có sự quan tâm, đầu tư và nâng cao chất lượng báo cáo cũng như thông tin

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital và cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả của các đối tác chuyên nghiệp như IFC, ACCA, các công ty kiểm toán hàng đầu Deloitte, EY, KPMG, PwC. Đây là năm thứ 16 sự kiện diễn ra.

Sau gần 6 tháng bình chọn, vượt qua gần 600 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, Hội đồng bình chọn đã chọn được 51 doanh nghiệp xuất sắc ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững.

Kết quả doanh nghiệp đạt giải báo cáo phát triển bền vững năm 2023 là Vinamilk (giải nhất và giải doanh nghiệp báo cáo quản lý khí thải nhà kính tốt nhất), Tập đoàn Bảo Việt (giải nhì). Giải khuyến khích thuộc về Công ty Sợi Thế Kỷ, Gemadept (thêm giải Tiến bộ vượt trội) và Công ty PAN.

Bổ sung tiêu chí phát triển bền vững

Khía cạnh phát triển bền vững và bền bỉ (Sustainability and Resilience) là một nội dung quan trọng trong bộ Nguyên tắc QTCT của G20/OECD vừa được ban hành trong năm 2023.

Năm nay, bộ tiêu chí quản trị công ty (QTCT) được bổ sung thêm 18 câu hỏi, bao gồm 1 câu về tổ chức đại hội cổ đông, 2 câu về đề cử thành viên HĐQT nâng cao đa dạng hoá và 15 câu về phát triển bền vững và bền bỉ.

Việc bổ sung tiêu chí mới thể hiện sự kỳ vọng trong cải thiện hiệu quả hoạt động, tạo đột phá trong phát triển bền vững dài hạn, nhưng thách thức là khoảng cách giữa thực tiễn so với luật pháp và tính tự nguyện, cam kết thực hiện của doanh nghiệp.

Hạng mục bền vững năm 2023 có nhiều đột phá

Hội đồng bình chọn cho biết báo cáo năm nay có nhiều điểm đột phá. Chẳng hạn như Gemadept (mã chứng khoán GMD) lọt vào vòng chung khảo có sử dụng dịch vụ kiểm định phát thải khí nhà kính bởi một đơn vị được xác thực bởi ISO14064.

Ngoài ra, lần đầu tiên một công ty Việt Nam lọt vào vòng chung khảo chấm báo cáo phát triển bền vững đã thực hiện đánh giá ESG theo các tiêu chuẩn quốc tế của Dow Jones (Tập đoàn Bảo Việt).

Ngoài GRI, đã bắt đầu có các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng thêm một số khung công bố thông tin khác như CDP.

Ngoài việc công bố thông tin phát thải khí nhà kính, đã có một số công ty bắt đầu có cam kết mục tiêu Net Zero với các mốc thời gian cụ thể (như Vinamilk, Gemadept).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới