Thứ năm, 16/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt gian nan ‘đi làm dâu xứ người’

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển và khẳng định thương hiệu khi "mang chuông đi đánh xứ người" nhưng cũng có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí là thua lỗ, nợ nần... sau khi rót vốn đầu tư sang thị trường mới.

Một số nhà sản xuất chia sẻ, khi quyết định lấn sân ra nước ngoài, họ luôn trong tâm thế như cô dâu về nhà chồng nơi xứ người. Trước hết là phải thích nghi với văn hóa kinh doanh, sinh hoạt cộng đồng và đồi sống xã hội nơi thị trường mới, bên cạnh việc đối mặt khó khăn đến từ sức ép cạnh tranh cao, các thủ tục và quy định khắt khe trong đầu tư kinh doanh.

Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang cho thấy xu hướng đa dạng thị trường, ngay cả ở các thị trường rất khó tính và những nền kinh tế phát triển. Dù vậy, các thị trường "truyền thống" như Lào, Campuchia, Myanmar, các nền kinh tế đang phát triển... hiện vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm chọn làm điểm đến khi có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư.

Đáng chú ý, Lào vẫn là điểm đến thu hút của các nhà đầu tư Việt Nam và riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Lào tiếp tục là thị trường thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam nhiều nhất với 7 dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký đạt gần 66,5 triệu đô la Mỹ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Lào luôn dẫn đầu trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỉ đô la Mỹ.

Đến nay, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Một số doanh nghiệp đầu tư vào đất nước láng giềng này cũng tạo được tiếng vang trên thương trường. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư 29 triệu đô la Mỹ, công ty Star telecom với thương hiệu Unitel là một trong những dự án đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh thành công của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội.

Trụ sở Unitel - thương hiệu của nhà mạng tại Lào.

Sau hơn 12 năm, Unitel hiện là nhà mạng lớn nhất tại Lào với 3,3 triệu thuê bao, chiếm hơn 57% thị phần, góp phần đưa Lào trở thành một trong các nước có vùng phủ và tốc độ 4G tốt hàng đầu Đông Nam Á, đưa Internet tốc độ cao phổ cập đến người dân Lào.

Tương tự, Công ty Bảo hiểm đại chúng Lanexang được thành lập trên cơ sở hợp tác, góp vốn giữa Ngân hàng phát triển Lào và Tổng công ty bảo hiểm Bưu điện Việt Nam. Trong suốt 12 năm qua, công ty đã không ngừng phát triển và tạo được vị thế nhất định với các đại lý trải rộng trên khắp cả nước.

Nhà máy đường Attapeu tại Lào của TTC Sugar.

Cho đến nay, các dự án đầu tư của Việt Nam có mặt tại khắp các vùng miền của Lào, thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp, khách sạn, năng lượng, bán lẻ, khai khoáng, hàng tiêu dùng... Nhiều dự án của các danh nghiệp Việt tại Lào sau khi đi vào hoạt động không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất và thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Các dự án và lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ở Lào cũng được xem là phần nào khái quát được về đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam lâu nay ở các thị trường láng giềng và các nền kinh tế đang phát triển.

Khu vực chuồng trại của Vinamilk đã được xây dựng hoàn tất tại Lào.

Theo giới phân tích, bên cạnh một số doanh nghiệp lớn đang hướng đến các nền kinh tế phát triển và những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... thì doanh nghiệp Việt Nam đa số còn ở quy mô nhỏ và vừa, năng lực và tiềm lực tài chính còn hạn chế nên các thị trường khu vực lân cận, thị trường các nước kém hoặc đang phát triển vẫn tiếp tục là sự lựa chọn để họ mở rộng đầu tư kinh doanh khi vươn ra thế giới.

Ảnh minh họa hoạt động của Viettel Cambodia.

Hàng loạt doanh nghiệp Việt đã đầu tư mở rộng thị trường quốc tế, len lỏi vào khắp các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trên hành trình “mang chuông đi đánh xứ người” ấy, không ít doanh nghiệp cũng đã khẳng định được bản lĩnh trong kinh doanh, thu hoạch "quả ngọt" hoặc đang trong kỳ vọng về kết quả khả quan trong thời gian sắp tới.

Các doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện sự năng động trong việc khai thác thị trường mới để phát triển kinh doanh. Đơn cử như Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC Sugar) bắt đầu đầu tư sang Lào từ năm 2017 với việc mua lại công ty mía đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào (HAGL Sugar); đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu. Từ diện tích ban đầu là 79,2 ha, hiện công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 12.000 ha và mục tiêu năm 2025 là lên 20.000 ha.

Hàng loạt doanh nghiệp khác như FPT, THACO, NutiFood, Vinamilk, TH True Milk, CMC, Vingroup, Vietjet, King Coffee, Highlands Coffee, Trung Nguyên… trong thời gian qua đã đẩy mạnh đầu tư ra các nước hoặc mở rộng thị trường thế giới và phần nào đã mang lại hiệu quả trong kinh doanh hoặc đang trong giai đoạn tạo đà để phát triển trong thời gian tới.

Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, mà các doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước cũng tích cực đầu tư ra nước ngoài và trong đó có doanh nghiệp có doanh thu tăng mạnh, chuyển lợi nhuận về nước...

Mạng viễn thông Mytel tại Myanmar.

Theo báo cáo của Viettel, dù bị ảnh hưởng bởi các xung đột trên trường quốc tế và bất ổn chính trị tại một số quốc gia đầu tư, nhưng các công ty ở những thị trường mà Viettel đầu tư vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ 26,5% trong nửa đầu năm nay. Đáng chú ý, tất cả các thị trường tại châu Á của Viettel (Metfone (Campuchia), Unitel (Lào), Mytel (Myanmar) và Telemor (Đông Timor)) vẫn dẫn đầu thị phần về thuê bao, trong đó Mytel doanh thu dịch vụ tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường (gần 80%).

Các thị trường ở châu Phi (Halotel (Tanzania), Lumitel (Burundi), Movitel (Mozambique )...) tiếp tục tăng trưởng thuê bao ví điện tử. Tại thị trường châu Mỹ, Công ty Natcom ở Haiti duy trì tăng trưởng liên tiếp hai con số trong 5 năm và năm nay là năm có tăng trưởng cao nhất trong 9 năm từ 2014, đạt 28,6%. Doanh thu hợp nhất viễn thông nước ngoài của Viettel trong 6 tháng đầu năm nay đạt 755,5 triệu đô la Mỹ, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mạng Movitel của Viettel tại Mozambique

Không chỉ Viettel, trong báo cáo gửi Quốc hội khóa XV gần đây, Chính phủ cho biết, tính đến cuối năm 2021, có 30 doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài, có 88/137 dự án đầu tư ra nước ngoài phát sinh doanh thu, với tổng doanh thu hơn 7,786 tỉ đô la Mỹ, tăng 40% so với năm 2020.

Trong đó, 62 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là hơn 810 triệu đô la Mỹ, tăng 90% so với năm 2020. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 284,82 triệu đô la Mỹ, gấp 2,4 lần so với năm 2020.

Một gian hàng của Cộng Cà Phê tại Malaysia.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là gần 510 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến cuối năm 2021, có 62 dự án đầu tư ra nước ngoài của 14 doanh nghiệp đã phát sinh thu hồi vốn đầu tư, với tổng vốn đã thu hồi lũy kế là hơn 3,641 tỉ đô la Mỹ (bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 1,744 tỉ đô la Mỹ), bằng 55% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.

Mặc dù vậy con đường đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt cũng lắm chông gai và gian nan. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, bên cạnh các dự án của doanh nghiệp có vốn nhà nước báo cáo có lãi, vẫn có 30 dự án bị lỗ với tổng số tiền lỗ phát sinh năm ngoái là 335,53 triệu đô la Mỹ, tăng 42% so với khoản lỗ của các dự án báo lỗ năm 2020. Và tính đến cuối năm 2021, vẫn còn 44 dự án có lỗ lũy kế với hơn 1,335 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, số dự án lỗ giảm 2, nhưng mức lỗ tăng hơn 164 triệu đô la Mỹ so với năm trước đó.

Sự biến động về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, an toàn... tại các địa bàn đầu tư; một số lĩnh vực đầu tư có độ rủi ro cao (tìm kiếm thăm dò dầu khí, khai thác khoáng sản...); các cơ chế, chính sách, pháp luật tại quốc gia đầu tư thay đổi, chưa minh bạch, nội dung thiếu nhất quán được Chính phủ cho là những yếu tố đã ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả của các dự án.

Ngoài ra, các khó khăn như khả năng dự báo và xây dựng dự án đầu tư còn hạn chế, chưa lường hết các vấn đề phát sinh... cũng khiến các dự án đầu tư ra nước ngoài có lỗ phát sinh, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.

Từ phía doanh nghiệp, họ cho rằng khi tiến ra thị trường nước ngoài họ luôn ở trong tâm thế như người con dâu về nhà chồng, cần phải tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng để ứng xử cho đúng mực.

Đàn bò sữa tại trang trại Vinamilk Lao-Jagro.

Chia sẻ về hoạt động đầu tư tại Lào trong một chương trình gần đây do Tạp chí Mekong ASEAN phối hợp cùng Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc TTC Sugar, cho biết trong thời gian đầu TTC Sugar cũng gặp nhiều khó khăn do khác biệt về phong tục, văn hoá, di chuyển qua biên giới và đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc trưng của ngành nông nghiệp hiện đại là gắn liền với sản xuất chế biến, nhưng người dân Lào lại chưa quen với canh tác cơ giới và sử dụng khoa học kỹ thuật. Kỹ sư tại nhà máy thì bị thiếu hụt nhiều.

Trang trại bò sữa của Vinamilk tại Lào.

Sau một năm, TTC Sugar đã định vị lại chiến lược đầu tư tại Lào với việc phát triển sản phẩm mía đường organic để khắc phục bất lợi khó đạt năng suất cao; tập trung tạo ra sản phẩm cao cấp nhằm tiếp cận thị trường châu Âu.

Đến nay, doanh nghiệp này đã dần quen với môi trường đầu tư tại đây và tự tin phát triển mở rộng hơn nữa với chính sách tạo điều kiện từ hai chính phủ. Tuy nhiên, ông Ngữ cũng nêu vướng mắc lớn của việc đầu tư ở Lào là nguồn lao động tại chỗ không đáp ứng, tuyển dụng rất vất vả. Trong khi đó, theo quy định của nước sở tại, các công ty nước ngoài chỉ được phép sử dụng 10% lao động nước mình. Quy định này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh.

Cộng Cà Phê tại Hàn Quốc.

Tương tự, trước đó, đại diện Cộng Cà phê cũng chia sẻ những thách thức khi mở kinh doanh ở thị trường Hàn Quốc, Malaysia. Đó là những khác biệt về văn hóa, cụ thể là hành vi của người tiêu dùng. Không thể kỳ vọng rằng ở Việt Nam làm thế này thì khách hàng nước sở tại cũng sẽ như thế.

Việc xây dựng được một đội ngũ là nhân viên bản địa hiệu quả và hiểu văn hóa của Việt Nam cũng là thách thức khác mà Cộng Cà phê cũng phải mất vài tháng. Đáng chú ý là quy định về pháp luật. Luật của Việt Nam có những điểm khác với tiêu chuẩn của nước ngoài. Phải mất đến ba năm doanh nghiệp này mới hoàn tất các giấy tờ thủ tục, mặc dù đã có sự hỗ trợ của các bên nhận nhượng quyền.

Cộng Cà Phê tại Malaysia.

Trải qua nhiều năm hoạt động đầu tư ở thị trường các nước, các doanh nghiệp cho biết còn rất nhiều thách thức mà mỗi thị trường có những khó khăn khác nhau buộc họ phải rất nỗ lực và thật sự kiên trì để vượt qua.

Việc đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư Việt Nam đã từng phải đối mặt. Đáng chú ý, rủi ro khi đầu tư vào một số địa bàn đang có xung đột hoặc có nguy cơ xung đột quân sự, chế độ chính trị không ổn định như Iran, Ukraine... Bên cạnh đó, một số địa bàn có rủi ro về pháp lý như Cameroon, Tanzania hoặc một số "thiên đường" thuế như Cayman, Panama...

Cộng Cà Phê tại Malaysia.

Cơ quan quản lý trước đó còn cảnh báo một số vụ kiện, tranh chấp quốc tế ở các lĩnh vực dầu khí, viễn thông tại châu Phi dẫn đến xu hướng đầu tư vào khu vực này đang giảm dần.

Lũy kế đến ngày 20-10-2022, Việt Nam đã có 1.594 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 21,68 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư gần 11,6 tỉ đô la Mỹ (chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư cả nước).

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,1%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,9%). Các nước nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,6%), Campuchia (13,5%), Venezuela (8,4%).

(Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 

Nội dung: Hùng Lê - Hình ảnh: DNCC - Trình bày: Thu Trang

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới