Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị thanh tra nhiều hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị thanh tra nhiều hơn

T.Thu

Doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ sẽ bị thanh tra nhiều hơn
Doanh nghiệp thủy sản có khả năng cao nằm trong danh sách thanh tra nhiều nhất của FDA. Ảnh minh họa: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG Online) – Cơ quan Quản lý an toàn, thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ tăng cường thanh tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ nhằm thực hiện quy định mới của nước này.

>>> Ráo riết đăng ký lại để xuất hàng vào Mỹ

Theo ông David Lennarz, từng là chuyên gia kỹ thuật của FDA và hiện là chuyên gia của Công ty Registrar Corp (Mỹ) tại hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hôm 12-4 tại TPHCM, nhằm thực hiện Luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA), FDA sẽ tăng gấp đôi số chuyến thanh tra các cơ sở nước ngoài qua mỗi năm.

Theo đó, trong năm 2012, FDA đã thanh tra 1.200 chuyến, và trong năm 2013 là 2.400 chuyến. Số chuyến thanh tra trong năm 2014 dự kiến là 4.800, và 2015 và 2016 lần lượt là 9.600 và 19.200.

Ông David Lennarz cho biết, thông tin từ FDA cho thấy số chuyến thanh tra trong năm 2015, và 2016 khó có thể thực hiện, nhưng số chuyến trong năm nay và năm tới vẫn có thể thực hiện được. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ có thể sẽ bị thanh tra nhiều hơn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm có rủi ro cao về an toàn thực phẩm sẽ có nguy cơ cao bị thanh tra, như hải sản. Tuy nhiên, việc chọn công ty để thanh tra cũng có thể ngẫu nhiên; thậm chí khi thanh tra một công ty nào đó, FDA có thể kiểm tra thêm một số công ty ở gần đó.

Trước khi đến thanh tra, FDA sẽ gửi thư điện tử đến đại diện tại Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể FDA gửi thông báo thanh tra cho 20 doanh nghiệp nhưng chỉ thanh tra 5 doanh nghiệp.

Khi nhận được thông báo thanh tra của FDA, nếu doanh nghiệp không phản hồi trong vòng 5 ngày, FDA sẽ tăng cường kiểm tra mẫu các chuyến hàng của công ty đó, hoặc đình chỉ mã đăng ký xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ của công ty.

Trong quá trình thanh tra, FDA sẽ nói chuyện với từng người trong ban điều hành công ty, hoặc có thể hỏi nhân viên về việc họ có được huấn luyện về vệ sinh, y tế hay không,…. FDA cũng kiểm tra cơ sở nhà máy, như hệ thống chất thải, ánh sáng, hệ thống thanh lọc các nguy cơ gây bệnh.

Theo ông David Lennarz, khi FDA đến thanh tra, doanh nghiệp nên có thái độ tích cực, hợp tác tốt, và không nên tình nguyện cung cấp những thông tin mà FDA không yêu cầu. Ngoài ra, khi FDA phát hiện ra lỗi, nếu doanh nghiệp có hành động sửa chữa ngay lúc đó, thì những lỗi này sẽ không bị FDA ghi trong báo cáo.

Doanh nghiệp không phải trả chi phí cho lần thanh tra đầu tiên của FDA. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phạm lỗi, FDA sẽ tính phí cho những lần tái kiểm tra, với mức phí 224 đô la Mỹ/giờ dành cho những công việc thực hiện nội địa (tại Mỹ – pv), và 325 đô la Mỹ/giờ đối với nước ngoài (chẳng hạn như Việt Nam – pv). Việc tính phí sẽ được tính cho thời gian thanh tra viên đến Việt Nam và đến tận cơ sở, thời gian chuẩn bị báo cáo, phân tích mẫu.

Luật FSMA được Tổng thống Mỹ Obama ký ban hành vào ngày 4-1-2011 với các quy định được áp dụng theo giai đoạn. Trong đó, có một số quy định trong FSMA đã có hiệu lực từ năm 2011, và một số quy định khác vẫn còn đang được soạn thảo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới