(KTSG Online) – Trong quí đầu tiên năm nay, doanh số của tất cả nhà sản xuất máy tính cá nhân ( PC) trên toàn cầu đã giảm 29%, xuống còn 56,9 triệu đơn vị do nhu cầu yếu, hàng tồn kho cao và môi trường vĩ mô bất ổn. Trong đó, doanh số của Apple, nhà sản xuất máy tính Macbook, giảm sâu nhất, lên đến 40,5%, theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ thông tin IDC.
Hôm qua (10-4), IDC công bố báo cáo cho biết, doanh số hãng HP giảm 24,2%, Lenovo Group và Dell Technologies giảm hơn 30%. Không có thương hiệu PC lớn nào thoát khỏi tình trạng suy thoái, như với Asustek Computer của Đài Loan, nhà sản xuất PC lớn thứ 5 thế giới, doanh số cũng giảm 30,3%.
Mức suy giảm mạnh của doanh số PC cho thấy, các nhà sản xuất vẫn đang vật lộn với lượng hàng tồn kho lớn sau khi được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, thời điểm nhiều người làm việc từ xa. IDC cho rằng, các mô hình nhu cầu PC đang quay trở lại giai đoạn trước đại dịch.
Rất nhiều người tiêu dùng đã mua PC mới trong năm 2020 và 2021 khi cần thích nghi với môi trường làm việc trong thời kỳ dịch bệnh. Máy tính xách tay thường có tuổi thọ 3-5 năm. Tuổi thọ của máy tính để bàn thậm chí còn dài hơn, từ 3-8 năm. Vì vậy, đa số những người tiêu dùng này sẽ chưa mua máy tính PC mới trong vài năm nữa.
Báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Canalys thậm chí còn cho thấy bức tranh ảm đạm hơn. Hãng cho biết, doanh số PC, bao gồm máy tính để bàn và máy tính laptop trên toàn cầu giảm đến 33% trong quí vừa qua, đánh dấu quí thứ 4 liên tiếp giảm ở tốc độ hai con số. Hãng ghi nhận doanh số PC của Apple giảm đến 45,5%.
Sức chi tiêu người tiêu dùng trì trệ trong năm qua đã dẫn đến mức sụt giảm hai con số ở các lô hàng điện thoại thông minh (smartphone) cũng như làm tăng hàng tồn kho của những nhà cung cấp chip nhớ hàng đầu thế giới.
Tuần trước, Samsung Electronics, nhà cung cấp chip nhớ cho các thiết bị di động, máy tính để bàn và máy tính xách tay, cho biết sẽ cắt giảm sản xuất chip nhớ khi báo cáo mức lợi nhuận thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
“Dù hàng tồn kho của kênh phân phối giảm trong vài tháng qua nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức lành mạnh từ 4 đến 6 tuần. Ngay cả khi giảm mạnh giá bán thì lượng tồn kho cao của các kênh phân phối và nhà sản xuất PC vẫn có thể sẽ duy trì dài đến giữa năm và có khả năng kéo sang quí thứ ba”, Jitesh Ubrani, Giám đốc nghiên cứu của IDC nói.
IDC cho rằng, nhu cầu suy yếu mang lại cho các nhà sản xuất thời gian và cơ hội để thực hiện các thay đổi, trong đó có việc xem xét các địa điểm sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc. Apple đang dần đa dạng hóa địa điểm sản xuất PC giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ gây rối loạn chuỗi cung ứng của hãng. Hồi tháng 2, Apple báo cáo doanh thu máy tính Mac trong quí cuối năm ngoái giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 7,7 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, những lo ngại tăng trưởng suy giảm ở các nền kinh tế lớn vẫn còn, với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và cơn cơn hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân có thể cản trở tăng trưởng và đầu tư tài chính.
Nhìn về năm tới, các nhà nghiên cứu của IDC dự đoán, doanh số PC toàn cầu có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu thay thế PC cũ và nền kinh tế toàn cầu đang cải thiện.
Theo Linn Huang, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu thiết bị và màn hình của IDC, nếu nền kinh tế có xu hướng đi lên vào năm 2024 thì kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng đáng kể khi người tiêu dùng cùng trường học tìm cách thay thế máy tính cũ còn các doanh nghiệp chuyển sang máy cài đặt hệ điều hành Windows 11. "Tuy nhiên, nếu tình trạng suy thoái tại thị trường trọng điểm kéo dài sang năm tới thì quá trình phục hồi có thể rất khó khăn", ông nói.
Theo Bloomberg, Reuters