Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

DOC: Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

DOC: Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm

Thái Hằng

DOC: Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm
Khách hàng mua tôm tại triển lãm thủy sản Vietfish 2012 tại TPHCM. Ảnh: Phạm Thái

(TBKTSG Online) – Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định sơ bộ mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ 1-2-2011 đến 31-1-2012 (POR7). Theo quyết định này, lần đầu tiên DOC công nhận tất cả doanh nghiệp tôm Việt Nam không bán phá giá.

>> VASEP thuê luật sư nước ngoài cho vụ kiện tôm tại Mỹ

Cụ thể, hai bị đơn bắt buộc là Minh Phu Seafood Corp và Nha Trang Seafoods có mức thuế 0%. Mức thuế đối với các công ty khác tham gia xem xét hành chính giai đoạn này cũng là 0%.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, DOC công nhận tất cả các doanh nghiệp Việt Nam tham gia không bán phá giá.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đánh giá kết luận sơ bộ của DOC làm hài lòng những doanh nghiệp Việt Nam. Họ đã mất một thời gian dài để chứng minh không bán phá giá vào thị trường Mỹ.

"Thông qua kết quả sơ bộ này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu hơn về phương thức tính toán mà cơ quan chức năng Mỹ đang áp dụng trong điều tra chống bán phá giá, để có biện pháp phù hợp", ông nói.

Mặc dù quyết định sơ bộ không có tác dụng tính thuế, nhưng theo ông Hòe, nhìn lại lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, quyết định sơ bộ tốt sẽ dẫn đến mức thuế chống bán phá giá có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Vasep, năm 2012, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản, với giá trị xuất khẩu đạt trên 454,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 20% tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá kể từ năm 2004 và đã trải qua 7 lần rà soát hành chính.

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5/1 thông qua điều tra vụ kiện chống trợ cấp tôm đối với Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ecuador.

Theo ông Hòe, trong tuần qua luật sư đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành tôm được thuê để trả lời câu hỏi điều tra của DOC, đã làm việc với các cơ quan và chính quyền địa phương để lấy thông tin. Thời gian để phía Việt Nam nộp bảng trả lời câu hỏi cho DOC có thể được gia hạn thêm thay vì vào ngày 25-3 như yêu cầu ban đầu.
“Như vậy phía doanh nghiệp Việt Nam có thể có sự chuẩn bị tốt hơn”, ông nói.  

ITC đang điều tra các thông số chứng minh ngành khai thác tôm của Mỹ bị thiệt hại, trong khi DOC điều tra xem liệu chính phủ các nước bị kiện có trợ cấp ngành nuôi tôm của nước họ hay không.

Nếu phán quyết cuối cùng của ITC và DOC khẳng định ngành nuôi tôm của 7 nước trên có nhận trợ cấp từ chính phủ thì thuế chống trợ cấp sẽ được áp dụng vào cuối năm 2013.
 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới