Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đối mặt nguy cơ suy thoái, châu Âu giải cứu các công ty năng lượng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo ở châu Âu đang thực hiện các biện pháp đặc biệt để giải cứu các công ty cung cấp năng lượng, đảm bảo nguồn cung cho mùa đông tới, tránh nguy cơ kinh tế suy thoái.

Tại Berlin, các nhà lập pháp chuẩn bị thông qua môt đạo luật mở đường cho chính phủ Đức cứu trợ Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga. Tại Paris, Thủ tướng Pháp, Elisabeth Borne thông báo kế hoạch quốc hữu hóa Tập đoàn điện lực Pháp (EDF).

Một cơ sở lưu trữ khí đốt của Uniper ở bang Bavaria, Đức. Ảnh: Reuters

Đức sửa luật để giải cứu các công ty năng lượng

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng chi phí năng lượng tăng vọt, do các lô hàng khí đốt của Nga bị cắt giảm, sẽ khiến các công ty cung cấp năng lượng ở châu Âu sụp đổ,  một viễn cảnh nguy cấp mà Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck đã ví như cách mà vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt đang xảy ra trên khắp lục địa châu Âu với các quốc gia bao gồm Áo, Pháp và Cộng hòa Séc sốt sắng tìm mua đủ khí đốt để lấp đầy các kho dự trữ của họ trước mùa đông.

Nhưng tình hình đặc biệt nguy cấp ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn phụ thuộc phần lớn nguồn cung khí đốt từ Nga. Chính phủ Đức lo ngại tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông tới có thể buộc nước này phải hạn chế sử dụng khí đốt và đóng cửa nhiều ngành công nghiệp, dẫn đến nhiều việc làm bị mất mát và các cuộc biểu tình.

Hôm 5-7 nội các Đức đã thông qua các sửa đổi trong Đạo luật an ninh năng lượng nhằm cung cấp cho chính phủ các công cụ bổ sung để hỗ trợ các công ty năng lượng trong trường hợp họ gặp khó khăn vì giá năng lượng tăng do lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga giảm.

Theo các sửa đổi này, chính phủ có thể triển khai các biện pháp để giải cứu các công ty năng lượng gặp khó khăn về tài chính bao gồm mua lại cổ phần của họ. Đạo luật An ninh năng lượng sửa đổi  cũng đưa ra một cơ chế thay thế để chia sẻ đồng đều chi phí tăng giá khí đốt cho tất cả người tiêu dùng. Nó sẽ cho phép các nhà cung cấp năng lượng chuyển chi phí tăng thêm sang cho người tiêu dùng nếu các cơ quan chức năng xác định rằng “tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức sắp giảm đáng kể”. Đạo luật sửa đổi đã được chuyển sang Quốc hội Đức để xem xét thông qua.

Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, có thể là công ty được hưởng lợi đầu tiên nhờ đạo luật này. Tuần trước, Uniper dự báo lợi nhuận sẽ "thấp hơn đáng kể" so với những năm trước.

Công ty này sử dụng 5.000 lao động ở Đức, sở hữu một số nhà máy điện khí và các cơ sở lưu trữ khí đốt. Uniper là nhà cung cấp điện quan trọng cho hàng trăm thành phố và thị trấn trên toàn quốc.

Uniper đối mặt với những khoản lỗ ngày càng lớn kể từ khi Gazprom, tập đoàn khí khổng lồ của Nga, giảm lưu lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 đến 60% vào tháng trước. Uniper đã phải chuyển sang mua khí đốt trên thị trường giao ngày với giá cao hơn đáng kể.

Các nhà phân tích tại hãng xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global Ratings, dự báo động thái cắt giảm nguồn cung của Gazprom, công ty cung cấp khoảng 50% lượng  khí đốt nhập khẩu của Uniper, đã khiến công ty này phải gánh chịu khoản lỗ hàng ngày lên đến hàng triệu euro. S&P Global Ratings cho rằng khoản lỗ có thể sẽ tăng thêm nếu nguồn cung khí đốt từ Gazprom giảm mạnh hơn nữa.

Uniper cần hỗ trợ đến 9 tỉ euro, cao gấp đôi vốn hóa thị trường của công ty này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, nhưng cho biết chính phủ không cho phép sự phá sản của một công ty năng lượng lớn kéo theo cơn suy sụp của toàn bộ thị trường năng lượng châu Âu.

Ông nói với các phóng viên hôm 5-7: “Chúng tôi sẽ không để xảy ra tác động mang tính hệ thống trên thị trường khí đốt của Đức và châu Âu, bởi vì khi hiệu ứng domino sẽ xảy ra và một việc công ty năng lượng phá sản sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác hoặc thậm chí là an ninh nguồn cung năng lượng nói chung”.

Hơi nước bốc lên từ tháp làm mát của một nhà máy điện hạt nhân của EDF ở Civaux, Pháp. Ảnh: Reuters

Pháp lên kế hoạch quốc hữu hóa tập đoàn điện hạt nhân

Tại Pháp, Thủ tướng Élisabeth Borne đã công bố kế hoạch tương tự để giải cứu Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), đang điều hành 18 nhà máy điện hạt nhân. EDF đã phải dừng hoạt động một nửa số lò phản ứng hạt nhân để bảo dưỡng, khiến công ty này càng lún sâu vào nợ nần.

“Hôm nay,  tôi xác nhận ý định của nhà nước về việc nắm giữ 100% vốn của EDF,” bà Borne phát biểu trước Quốc hội Pháp hôm 6-7. Để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, Pháp đã đặt cược vào các nhà máy hạt nhân, chủ yếu là của EDF, đang cung cấp khoảng 70% sản lượng điện cho đất nước , một tỷ lệ lớn hơn bất kỳ nước nào khác. Tuy nhiên, sản lượng điện hạt nhân của Pháp đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm, khi nhiều lò phản ứng - chủ yếu được xây dựng vào những năm 1980, phải dừng hoạt động để sửa chữa, hậu quả của việc thiếu vốn đầu tư trong nhiều năm.

EDF, nơi nhà nước sở hữu hơn 80% cổ phần, đối mặt với sự chậm trễ và chi tiêu vượt quá ngân sách ở các dự án nhà máy hạt nhân mới ở Pháp và Anh. Tập đoàn này đang gánh khoản nợ 43 tỉ euro.

Giá khí đốt tự nhiên mà Pháp sử dụng để bù đắp cho sự biến động của năng lượng hạt nhân, đã tăng cao do Nga hạn chế nguồn cung và EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine.

Một mối đe dọa mới đối với nguồn cung cấp năng lượng ở châu Âu xảy ra vào đầu tuần tới Nord Steam 1, đường ống kết nối bờ biển phía bắc của Đức với các mỏ khí đốt của Nga, dự kiến ngừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì định kỳ hàng năm.

Các nhà kinh tế cảnh báo giá năng lượng cao, kết hợp với việc thiếu khí đốt dự trữ, có thể khiến Đức và toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) rơi vào cơn suy thoái kinh tế kéo dài đến năm 2023.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Berenberg (Đức), cảnh báo nếu Nga không kích hoạt lại đường ống Nord Stream 1 vào ngày 21-7 như kế hoạch, thì các cơ sở trữ khí đốt của EU sẽ cạn kiệt vào cuối mùa đông tới.

Ông nói tiếp: “Nếu Nga cũng đóng các đường ống khí đốt khác tới châu Âu vào cuối tháng 7, tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn”.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới