(KTSG Online) - Dầu cọ, loại dầu ăn được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, đang đối mặt với nguy cơ thiếu trầm trọng khi sản lượng ở Malaysia, nước trồng cây cọ dầu lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Indonesia) sụt giảm mạnh do khủng hoảng lao động.
Nageeb Wahab, Giám đốc điều hành Hiệp hội dầu cọ Malaysia (MPOA), cho biết sản lượng dầu cọ của Malaysia có thể chỉ đạt chưa đến 18 triệu tấn trong năm 2021, giảm ít nhất 6% so với năm ngoái. Đây cũng sẽ là mức sản lượng dầu cọ thấp nhất của Malaysia kể từ năm 2016.
Dầu cọ đã dẫn dắt cơn tăng giá chóng mặt trên các thị trường dầu thực vật toàn cầu trong năm nay. Tuần trước, giá dầu cọ thô ở Malaysia leo lên mức kỷ lục mới, 5.220 ringgit (1.257 đô la)/tấn.
Ông Nageeb Wahab nói: “Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chúng tôi đã thiếu nhân công, chủ yếu là người thu hoạch, nhưng tình trạng thiếu hụt đó chưa bao giờ tồi tệ đến mức này. Tình trạng khan hiếm nhân công đang trở nên tồi tệ hơn qua từng tháng. Đây là đợt khủng hoảng lao động lịch sử và nó có thể khiến sản lượng dầu cọ thiếu hụt trong nhiều năm".
Ông cho biết sản lượng dầu cọ của Malaysia sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm và có thể vẫn ở mức thấp trong quí 1 năm 2022.
Theo ước tính của MPOA, sản lượng dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tiên của tháng 10 giảm 3,3% so với cùng kỳ tháng trước. Sản lượng dầu cọ của nước này có thể cải thiện trong quí 2 năm sau nhưng với điều kiện nhân công thu hoạch, bao gồm 32.000 người lao động nước ngoài được cấp thị thực, được phép nhập cảnh. Hơn nữa, việc thiếu những người thu hoạch quả cọ dầu có kỹ năng tại các đồn điền cọ dầu dẫn đến những buồng quả chín thối ở trên cây, khiến các nông dân không thể tận dụng đà tăng giá kỷ lục của dầu cọ. Điều này có nghĩa là họ sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn vì các tháng cao điểm thu hoạch quả cọ dầu thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10.
Nageeb Wahab nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ được mức đỉnh sản lượng trong năm nay do mùa cao điểm thu hoạch đã bị bỏ lỡ”. Ngành công nghiệp dầu cọ của Malaysia tổn thất khoảng 20% sản lượng trong năm nay và sẽ mất khoảng 20 tỉ ringgit (4,82 tỉ đô la Mỹ) doanh thu.
Nông dân trồng cọ dầu ở bang Sabah của Malalaysia đang kêu gọi chính phủ can thiệp để sớm mở cửa biên giới trở lại và đón nhận người lao động nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội nông dân Đông Malaysia Hanas Hakmad cho biết các đồn điền cọ dầu ở Sabah đang thiếu khoảng 10.000 nhân công và điều này có thể làm sản lượng dầu cọ mất khoảng 10-15%.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã mang lại tia hy vọng để giải quyết vấn đề thiếu nhân công khi ông nói vào cuối tuần trước rằng Malaysia sẽ cho phép những người lao động nước ngoài đã tiêm đủ 2 vaccine Covid-19 nhập cảnh để đến làm việc ở các đồn điền cọ dầu. Tuy nhiên, hạn ngạch nhập cảnh và thời điểm nhập cảnh vẫn chưa được xác định.
Trong khi đó, nước láng giềng Indonesia đã không đối mặt với vấn đề thiếu lao động và diện tích trồng cọ dầu của nước này cũng tăng khoảng 200.000 hecta trong năm nay. Sản lượng dầu cọ của Indonesia dự kiến tăng 2,5 triệu tấn lên mức 45,5 triệu tấn trong năm nay. Phó chủ tịch Hiệp hội dầu cọ Indonesia Togar Sitanggang dự báo xuất khẩu dầu cọ thô của Indonesia chỉ đạt 3,27 triệu tấn, giảm 54,4% so với năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu cọ tinh chế sẽ tăng đáng kể nên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu dầu cọ nói chung của Indonesia vẫn tăng nhẹ so với năm ngoái.
Hồi đầu tháng 10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng đến lúc nào đó, Indonesia sẽ dừng xuất khẩu dầu cọ thô vì muốn dành nguồn nguyên liệu này để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu khác như mỹ phẩm, bơ thực vật, dầu diesel sinh học...
Ngành công nghiệp dầu thực vật đang căng thẳng vì chưa có tiền lệ khi nhu cầu toàn cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung đang bất ổn do thời tiết hoặc do hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh.
Theo Bloomberg
Đầu cơ chứ làm gì thiếu !! mùa dịch này may mắn là nước nào cũng được mùa
Nhu cầu dầu cọ đã qua tinh chế hiện tại sẽ rất mạnh do nhu cầu từ Trung Quốc cũng như là từ Ấn Độ (quốc gia nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới) tăng cao. Mà biểu hiện qua cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc khiến các nhà máy ép dầu đậu tương hoạt đột với công suất hạn chế thúc đẩy nhập khẩu dầu thực vật (bao gồm dầu cọ). Ấn Độ đã hai lần hạ mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm liên quan dầu thực vật.