Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đón vốn: ‘Không biết đãi vàng, sẽ nhận đất sét’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đón vốn: ‘Không biết đãi vàng, sẽ nhận đất sét’

Vũ Dung

(TBKTSG Online) – Dòng dịch chuyển vốn, cộng với việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng sản xuất của các công ty lớn trên thế giới nhằm tránh tình trạng bị phụ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ sau đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tận dụng điều này là không hề đơn giản.

Đón vốn: 'Không biết đãi vàng, sẽ nhận đất sét'
Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Ảnh minh họa: QH.

Phải biến cơ hội thành hiện thực

Dòng dịch chuyển vốn, tái cơ cấu chuỗi cung ứng sản xuất để tránh bị phụ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ sau đại dịch đang tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam hiện tại. Một số chuyên gia nhận định, đây có thể là được xem như "cơ hội vàng" cho chúng ta. Tuy nhiên, tận dụng điều này là không hề đơn giản, vì theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu không biết đãi vàng thì có thể phải nhận cả đất sét.

Dòng vốn vẫn tiếp tục chảy vào nền kinh tế bất chấp đại dịch Covid. Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn nghiên cứu của các tổ chức quốc tế khi cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu sẽ sụt giảm từ 1.300 tỉ đô la xuống còn 1.000 tỉ đô la trong năm nay trước bối cảnh kinh tế thế giới khó dự đoán sau đại dịch.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-4 năm nay đạt 12,3 tỉ đô la, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự dịch suy giảm chung của toàn ngành. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ là thời điểm mà dòng vốn sẽ chảy mạnh vào Việt Nam.

Cụ thể, mới đây Panasonic (Nhật Bản) cho biết sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất lớn tại Bangkok, Thái Lan trong mùa thu tới và chuyển hoạt động sản xuất này sang nhà máy tại Việt Nam, theo nguồn tin của Asean Nikkei Review. Đây là một trong những nỗ lực của tập đoàn điện tử Nhật nhằm giảm chi phí sản xuất.

Nhà máy sản xuất tại phía Bắc của Việt Nam là trung tâm sản xuất máy giặt và tủ lạnh lớn nhất của Panasonic trong khu vực Đông Nam Á và nhà máy cũng đã vượt quá công suất sản xuất.

Động thái mới của Panasonic cho thấy đã hình thành một giai đoạn mới trong quá trình dịch chuyển đầu tư, tìm kiếm thị trường sản xuất với chi phí thấp của các tập đoàn đa quốc gia. Bắt đầu từ những năm 1970, các nhà sản xuất điện tử Nhật Bản đã chuyển sản xuất sang Singapore và Malaysia khi chi phí sản xuất tại Nhật Bản tăng cao.

Sau đó, làn sóng sản xuất ở nước ngoài – nơi có chi phí thấp – đó chuyển làn sang Thái Lan khi mức lương tại Singapore leo thang. Giờ đây, các công ty điện tử lại tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm thị trường sản xuất thậm chí còn rẻ hơn và có sức tiêu thụ lớn các mặt hàng điện tử như Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Tương tự, mới đây, khoảng 3 – 4 triệu bộ tai nghe không dây AirPods của Apple cũng được sản xuất tại Việt Nam thay vì tại Trung Quốc. Theo Nikkei Asean Review, một dấu hiệu cho thấy thương hiệu điện thoại hàng đầu thế giới đang thực hiện chiến lược đa dạng hóa việc sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Đặc biệt, động thái này càng được thực hiện quyết liệt hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên thế giới.

Trước đó, Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ đô la trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Tokyo Shoko cũng cho thấy 37% trong tổng số 2.600 doanh nghiệp được khảo sát muốn đưa nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.

Tăng áp lực cạnh tranh trong nước

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết dòng vốn FDI dịch chuyển sau đại dịch có là "cơ hội vàng" hay không còn phụ thuộc vào “người đãi vàng”. Nếu các nhà máy chỉ đơn thuần dịch chuyển sản xuất, mang tất cả mọi thứ sang đây thì Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào bẫy gia công như những đợt dịch chuyển vốn đầu tư trước đó.

Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới thị trường gần 100 triệu dân, nên sự có mặt của họ sẽ làm tăng cạnh tranh với các doanh nghiệp nội.

Việt Nam đang có cơ hội lớn thu hút FDI sau dịch khi nền kinh tế trở lại “bình thường mới" sớm hơn các quốc gia khác; tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong năm nay. Tuy nhiên chúng ta cần chiến lược bài bản và kịp thời bởi theo bà Trang, “nếu chúng ta cứ từ từ, thủng thẳng như trước đây thì cơ hội 100 năm có một này sẽ không còn".

Việt Nam không phải một mình một sân mà đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia láng giềng khi họ có chiến lược thu hút rõ ràng và ưu đãi “khủng” cho nhà đầu tư.

Mới đây, chính phủ Ấn Độ, thông qua đặc sứ quốc tế của mình, đã liên hệ với hơn 1.000 công ty Mỹ để mời gọi họ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Nam Á này. Mục đích họ đưa ra rất cụ thể: mời gọi các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế, sản xuất thực phẩm, may mặc, da giày và phụ tùng ô tô. Đổi lại chính quyền Ấn Độ cũng hứa sẽ cân nhắc sửa đổi những yêu cầu đặc biệt như sửa đổi bộ luật lao động, hoãn thuế đối với các giao dịch điện tử.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cũng có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% và 17% cho các công ty niêm yết trong giai đoạn 5 năm. Đây là một trong các nỗ lực của Indonesia trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Malaysia cũng dự kiến sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10% từ mức 24% cho một số lĩnh vực đặc biệt.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, các quốc gia dành ưu tiên cho lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào rất rõ và cụ thể, còn Việt Nam hiện nay vẫn đang đi theo chiến lược nhiều mũi nhọn, chiến lược "quả mít". Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.

“Chúng ta phải nhìn lại là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội như thế nào? Cần làm gì để thay đổi để bằng được người ta (quốc gia trong khu vực – PV), để mình trở thành nơi hấp dẫn hơn. Mình từng coi mình là cô gái đẹp nhưng mình là cô gái già rồi”, bà Lan nói.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viettronics, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nói, chưa thấy cơ hội nhưng đã bắt đầu thấy được sự cạnh tranh khốc liệt về nguồn lực như đất đai, lao động. Ví dụ các công ty cho thuê đất công nghiệp đang muốn tăng giá thuê trong bối cảnh đại dịch khiến doanh nghiệp nội “bầm dập”.

Theo quan sát của ông Thắng, có hiện tượng khan hiếm đất đai khi các khu công nghiệp phía Nam và phía Bắc đã không đủ quỹ đất, không kịp chuẩn bị mặt bằng cho các dự án mới. “Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể như thu hút dự án nào, ngành nghề nào. Từ đó xây dựng quy hoạch thu hút công nghệ cao, tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở phần mềm, đào tạo lao động", ông Thắng nói.

Trước kia để thu hút được Intel, các cấp lãnh đạo chính phủ đã phải trực tiếp đàm phán với họ mới lọt được vào tốp 3, bao gồm cả Thái Lan và Ấn Độ. Cuối cùng, họ chọn Việt Nam. “Giai đoạn tới cũng vậy. Chúng ta đã phải dành tâm huyết rất cụ thể”, ông Thắng nói.

Mời đọc thêm:

Vốn FDI cam kết tăng cao giữa dịch nhờ dự án tỉ đô la

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới