Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đóng cửa, di dời cơ sở gây ô nhiễm sông Đồng Nai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đóng cửa, di dời cơ sở gây ô nhiễm sông Đồng Nai

Văn Nam

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại kỳ họp Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sáng nay 29-1 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – “Tôi đề nghị lãnh đạo UBND 12 tỉnh thành dọc lưu vực sông Đồng Nai trong năm 2010 cùng đồng loạt tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Đồng Nai”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị như trên tại kỳ họp lần thứ 2 Ủy bản Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai diễn ra tại TPHCM sáng nay 29-1.

3 phương án xử lý cơ sở gây ô nhiễm 

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai đang là vấn đề bức xúc nhất, được nhiều người quan tâm vì mức độ ô nhiễm đang ngày càng trầm trọng hơn.

Trao đổi với TBKTSG Online tại cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, trước mắt, 12 tỉnh thành dọc lưu vực sông Đồng Nai sẽ tiến hành khảo sát các chủ nguồn thải, trong năm 2010 phải lên được danh sách các khu công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về giải pháp, ông Nguyên cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất 3 phương án xử lý triệt để các doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai trong thời gian tới.

Thứ nhất, nếu phát hiện cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở mức độ nhẹ thì xử phạt hành chính theo mức xử phạt tại Nghị định 117 vừa được Chính phủ ban hành, đồng thời ra thời hạn để doanh nghiệp khắc phục ô nhiễm.  

Thứ hai, nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, sẽ tạm đình chỉ sản xuất để xử lý, hoặc bắt doanh nghiệp giảm công suất sản xuất để khắc phục ô nhiễm như trường hợp đình chỉ sản xuất 4 nhà máy của Vedan vừa qua.

Thứ ba, nếu phát hiện doanh nghiệp gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng nguồn nước thì sẽ đóng cửa cơ sở sản xuất và buộc di dời ra khỏi lưu vực sông.

Ngoài ra, Bộ đã ban quyết định yêu cầu chủ đầu tư các dự án dọc lưu vực sông Đồng Nai phải cam kết thực hiện các phương án bảo vệ môi trường tối ưu nhất, nếu không, dứt khoát không cấp phép đầu tư.

Mới có 3 địa phương có dự án bảo vệ nguồn nước            

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, qua khảo sát diễn biến môi trường, nguồn nước khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai (đoạn sau đập Trị An, đập Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông, sông Thị Vải …) đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do tác động của phát triển kinh tế – xã hội trên lưu vực, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước kênh rạch nội thành, nội thị và ven đô.             

Trong khi đó, ở thượng nguồn, mặc dù nhìn chung chất lượng nước đạt tiêu chuẩn khai thác sử dụng cho sinh hoạt do chưa bị ô nhiễm rõ rệt, nhưng cũng có nhiều đoạn sông, hồ chứa đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ như thác Cam Ly và một số hồ khu vực thành phố Đà Lạt, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ tại hồ Trị An xung quanh các làng nghề nuôi cá bè.             

12 tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước hệ thống lưu vực sông Đồng Nai gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Ria-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận.             

Theo “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt tháng 12-2007, 12 tỉnh thành nói trên sẽ bắt tay triển khai 16 dự án trọng tâm thuộc đề án trên với tổng kinh phí gần 2 ngàn tỉ đồng.             

16 dự án trọng tâm này nhằm một số mục tiêu chủ yếu như đến năm 2015 sẽ xử lý triệt để 90% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn 12 tỉnh thành lưu vực sông; đến năm 2020, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và xử lý triệt để 95% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.             

Để đạt được các mục tiêu cơ bản nói trên, tại cuộc họp sáng nay, Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến kiến nghị lãnh đạo 12 tỉnh, thành khẩn trương xây dựng, triển khai 16 dự án khung thuộc đề án.             

Cụ thể hơn, ông Tuyến đề nghị UBND TPHCM ngay trong năm 2010 nhanh chóng phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải, cải thiện ô nhiễm nguồn nước kênh Ba Bò, kênh Thầy Cai … hạn chế tác động ô nhiễm đến nguồn nước khu vực hạ lưu sông Đồng Nai.

Theo ông Tuyến, kể từ khi Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được thành lập từ cuối năm 2008, đến nay, chỉ có 3 địa phương xây dựng được dự án, kế hoạch bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai và có báo cáo về Tổng cục là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Ninh Thuận.             

Đặc biệt,  ông Tuyến còn kiến nghị UBND các địa phương tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra tác động đến môi trường của các dự án khai thác khoáng sản, dự án thủy điện ven lưu vực sông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới