Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Động lực tăng trưởng – cần sớm có giải pháp cân bằng

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có thể thấy hoạt động thương mại và đầu tư là hai động lực chính kéo tăng trưởng trong quí 1-2024. Tuy nhiên, bên cạnh đó là nỗi lo không nhỏ trước nguy cơ kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào khu vực FDI. Cần làm gì để duy trì sự phát triển của nền kinh tế cân bằng và phù hợp hơn?

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-7-2023 đạt 16,24 tỉ đô la Mỹ, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Sản xuất của một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ảnh: HÙNG LÊ

Động lực tăng trưởng quí 1

5,66% là mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 1 năm nay so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong năm năm qua. Cụ thể, tốc độ tăng GDP quí 1 so với cùng kỳ năm trước trong các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12% và 3,41%. Diễn biến này củng cố kỳ vọng xu hướng phục hồi kinh tế vẫn đang diễn ra khả quan, dù dự báo kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn năm 2023.

Hoạt động thương mại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các động lực tăng trưởng quí 1. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 13,9%, giúp cán cân thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục gần 8,1 tỉ đô la. Con số này góp phần đưa chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp hơn 19% vào mức tăng trưởng GDP.

Hoạt động đầu tư tiếp tục góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng GDP, với tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quí 1-2024 theo giá hiện hành tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 613.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư giữa các khu vực có sự phân hóa lớn. Trong khi khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 8,9%, khu vực nhà nước tăng 4,9% còn khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 4,2%.

Có thể thấy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI ngày càng thể hiện vai trò và đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng của Việt Nam. Dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam quí 1-2024 ước đạt 4,63 tỉ đô la, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kỳ ba tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.

Trong khi đó, có lẽ do giai đoạn đầu năm các dự án đầu tư công có dấu hiệu chững lại đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dòng vốn khu vực nhà nước. Đặc biệt, trong khu vực vốn nhà nước, vốn trung ương đạt 15.700 tỉ đồng, bằng 14,2% kế hoạch năm và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 82.000 tỉ đồng, tương ứng bằng 13,8% và tăng 6,4%. Đây là diễn biến đáng chú ý, khi trước đây các dự án sử dụng vốn địa phương thường khá trì trệ so với các dự án sử dụng vốn trung ương.

Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn hơn 55%, nhưng tốc độ tăng trưởng lại thấp nhất. Điều này cho thấy động lực đầu tư ở khu vực tư nhân vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, thể hiện qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên đến 73.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 59.900 doanh nghiệp, chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các số liệu thống kê khác cũng phần nào cho thấy điều này, với chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quí 1-2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho ước tính tại thời điểm 31-3-2024 tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước. Tín dụng quí 1 (tính đến ngày 25-3) chỉ tăng nhẹ 0,26% so với đầu năm phản ánh nhu cầu vay và sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp.

Cần làm gì để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn?

Như vậy, có thể thấy hoạt động thương mại và đầu tư là hai động lực chính kéo tăng trưởng trong quí 1. Để tiếp tục duy trì hai động lực quan trọng này, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết thời gian qua, làm cơ sở thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao mối quan hệ với các đối tác thương mại, đối tác chiến lược.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là nỗi lo không nhỏ trước nguy cơ kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào khu vực FDI. Ngoài việc dòng vốn đầu tư của khu vực này duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, xuất siêu của Việt Nam cũng chủ yếu được đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI. Cụ thể, trong con số xuất siêu 8,1 tỉ đô la của quí 1, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỉ đô la; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỉ đô la.

Chính vì vậy, việc sớm có giải pháp để cân đối lại hoạt động thương mại giữa khu vực trong nước và nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng dòng vốn đầu tư tư nhân trong nước mạnh mẽ hơn, là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cũng như để giải tỏa, hạn chế bớt những nguy cơ nếu chẳng may khủng hoảng xảy ra, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại và đầu tư của nhóm doanh nghiệp FDI.

Để làm được điều này, một trong những chính sách cần thiết là phát triển thị trường tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn. Thực tế, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, thị trường lao động thời gian qua bị tác động tiêu cực, cầu tiêu dùng trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ lên động lực mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Số liệu cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí 1 năm nay theo giá hiện hành chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,9 của quí 1-2023; nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 5,1%, chỉ bằng một nửa mức tăng 10,1% của quí 1-2023.

Khảo sát cũng cho thấy trong các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 1 năm nay, có đến 55,1% doanh nghiệp - chiếm tỷ lệ cao nhất, cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp. Kế đến là 49,8% doanh nghiệp đưa ra lý do tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 34,2% cho rằng do nhu cầu thị trường quốc tế thấp và 30,4% bị ảnh hưởng bởi khó khăn về tài chính.

Một trong những điều kiện để kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh hiện nay là cần có chính sách thúc đẩy thị trường lao động phục hồi, từ đó cải thiện thu nhập các hộ gia đình. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quí 1-2024 là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quí trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, cho thấy những khó khăn mà thị trường lao động hiện nay đang phải đối mặt.

Vì vậy, các dự án đầu tư công cần phải được đẩy nhanh tiến độ và giải ngân mạnh mẽ hơn trong ba quí còn lại của năm, để mang đến tác động lan tỏa cho khu vực tư nhân, từ đó cũng sẽ góp phần giúp thị trường lao động phục hồi. Cùng với đó, các chính sách mở rộng tài khóa khác như miễn giảm thuế tiếp tục được thực thi, bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng, kích thích các hoạt động cho vay, ưu tiên rót vốn vào khu vực sản xuất, các lĩnh vực có sức lan tỏa cao đến tăng trưởng, đồng thời phải giữ được mặt bằng lãi suất ổn định, là những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, trong khi khu vực dịch vụ quí 1 năm nay tăng trưởng chậm, điểm tích cực là các hoạt động du lịch đang cho thấy tốc độ phục hồi mạnh mẽ, với doanh thu du lịch lữ hành tăng hơn 46% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực khác. Số khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19, nhờ vào các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch, đã đóng góp lớn hơn vào khu vực tiêu dùng. Đây cũng là động lực cần phải được duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới