(KTSG) - Chưa bao giờ tần suất bất ổn của nền kinh tế toàn cầu lại diễn ra dày đặc như những năm qua. Với một quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam thì đây là những nguy cơ gây tổn thương tiềm tàng. Để kinh tế tăng trưởng tốt, đòi hỏi một sự chuyển dịch trong yếu tố nguồn lực tăng trưởng so với cách tiếp cận truyền thống.
- TPHCM cần định vị lại động lực tăng trưởng
- Năm 2023, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là đầu tư công
Các bất ổn kinh tế trong những năm qua đã khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo các số liệu từ Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu trong xu hướng giảm kéo dài, từ mức 2.064 tỉ đô la Mỹ vào 2015 xuống còn 1.582 tỉ đô la trong năm 2021. Xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục làm thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu, khiến cho dòng vốn đầu tư sẽ có thể tiếp tục dịch chuyển theo hướng tiêu cực.
Lợi thế về thu hút dòng vốn ngày càng không chắc chắn
Đồ thị bên dưới thể hiện những thay đổi trong xu hướng dòng vốn đầu tư FDI ở các khu vực trong những năm qua. Trung Quốc là quốc gia rất thành công trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên các bất ổn từ quốc gia này, bắt đầu từ cuộc thương chiến với Mỹ cho đến dịch Covid-19 vừa qua đã khiến cho các doanh nghiệp suy nghĩ lại về bài toán đặt các cơ sở sản xuất tại đây. Điều đó tạo ra những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam khi có thể hứng một phần dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Sở dĩ Việt Nam có thể duy trì việc thu hút dòng vốn FDI lớn trong những năm qua, ngoài yếu tố môi trường đầu tư ổn định, còn do lợi thế dân số trẻ với thị trường quy mô 100 triệu dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong thập niên tới nước ta sẽ bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già. Dân số già đồng nghĩa với nhu cầu chi tiêu và lực lượng lao động trẻ, vốn là động lực tăng trưởng chính, sẽ chững lại và ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam khi thị trường trở nên kém hấp dẫn hơn. Khi đó, xét về khía cạnh tổng cung, các yếu tố chính cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn trước như sự gia tăng quy mô lao động hay sự gia tăng nguồn vốn sẽ bị giới hạn. Nếu không thể tạo ra một động lực tăng trưởng từ năng suất lao động thì việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao cho Việt Nam như hiện tại sẽ là rất khó. Những bất ổn toàn cầu và khu vực càng khiến cho chiến lược chuyển trục tăng trưởng cho nền kinh tế ngày càng quan trọng để không phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng trong nước cũng như nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 39,3%, cao hơn so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, con số đó của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước khu vực châu Á trong giai đoạn tăng tốc phát triển như Nhật Bản là 129,6%, Hàn Quốc 64,9%, Trung Quốc 52,6%. Theo báo cáo về năng suất lao động của VEPR được công bố năm 2021, năng suất lao động trên toàn nền kinh tế Việt Nam tuy đã tăng lên theo thời gian nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức trung bình và không ổn định. Không giống như các quốc gia đã phát triển kinh tế cao khác ở châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn bứt phá nào trong gia tăng năng suất để giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao. Trong hơn một phần tư thế kỷ, từ năm 1991-2019, năng suất lao động của Việt Nam tăng 3,74 lần, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,65%. Trong khi đó, Trung Quốc, nước có năng suất lao động tương đương với Việt Nam vào năm 1990, đã tăng gấp 9,4 lần vào năm 2017, với mức tăng trung bình hàng năm là 8,98%. Vì vậy, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc duy trì việc cải thiện năng suất lao động liên tục như những quốc gia đã phát triển thành công khác.
Năng lực của người lao động sẽ là một yếu tố khuếch đại hoặc trở ngại cho quá trình phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn đổi mới sắp tới.
Nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp là do hoạt động đào tạo nghề cho lao động không được chú trọng và chưa thể theo kịp các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Trong một khảo sát thực tế được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (WB), cơ cấu lao động có trình độ của chúng ta trong các lĩnh vực của nền kinh tế còn rất mỏng, nhất là trong khu vực thương mại và tài chính. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được lao động chất lượng để đáp ứng nhu cầu công việc mà họ cần.
Hoạt động số hóa ở các doanh nghiệp đang được kỳ vọng là chìa khóa giúp cho các doanh nghiệp có thể gia tăng hiệu suất của lao động. Trong viễn cảnh lạc quan đó chúng ta vẫn cần những người lao động có năng lực tư duy số để có thể hòa cùng với xu hướng số hóa của doanh nghiệp. Các hệ thống ERP và CRM hỗ trợ cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp vẫn phải xoay quanh người lao động của doanh nghiệp. Do đó, năng lực của người lao động sẽ là một yếu tố khuếch đại hoặc trở ngại cho quá trình phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn đổi mới sắp tới.
Bài học cải thiện năng suất lao động từ Hàn Quốc và Đài Loan
Khi nguồn nhân lực được tập trung đầu tư để cải thiện năng lực thì mức độ phát triển của nền kinh tế cũng sẽ đi cùng. Tại Đài Loan, các nhà hoạch định chính sách đã định hình con đường phát triển nền kinh tế của mình bằng cách định hướng phát triển nguồn nhân lực của quốc gia bằng mọi cách. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, họ đưa phần lớn người dân của mình làm việc trong lĩnh vực sản xuất kỹ năng thấp. Họ xây dựng các khu kinh tế đặc biệt và đầu tư vào đào tạo, nâng cao giá trị lao động của người lao động.
Vào những năm cuối thập niên 1980, Đài Loan cho mở rất nhiều trường dạy nghề và khi đó Đài Loan đã tạo ra số lượng kỹ sư trên 10.000 dân nhiều hơn 70% so với Mỹ, là một cường quốc công nghiệp số 1 khi đó. Hệ thống giáo dục khi đó của Đài Loan không tập trung nhiều vào khoa học cơ bản, mà tập trung vào các ngành nghề trực tiếp phục vụ cho phát triển nền sản xuất mà quốc gia đang theo đuổi.
Hàn Quốc cũng là một điển hình khác về cách thức tạo dựng vốn nhân lực nhằm đạt được những thành tựu về tri thức, nền tảng đổi mới sáng tạo, và cải thiện năng suất cần có để trở thành quốc gia thu nhập cao. Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, những hoạt động phát triển đào tạo nghề đúng hướng, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của hoạt động đào tạo nghề và hoạt động nghiên cứu của các trường đại học với các tập đoàn lớn, đã giúp tạo ra một sức bật to lớn đối với người lao động Hàn Quốc.
Bảng số liệu bên trên cho thấy, trong những giai đoạn phát triển mạnh của Hàn Quốc và Đài Loan, sự đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng kinh tế là rất đáng kể. Quan trọng là chính năng suất lao động duy trì sức bật cho nền kinh tế trong thời gian dài trong bối cảnh các yếu tố về vốn và lao động ngày càng suy giảm. Đó là một trong những chìa khóa chính để những nền kinh tế này có thể tận dụng tốt những cơ hội của điều kiện vĩ mô toàn cầu của thiên niên kỷ trước để trở thành các con hổ châu Á với tốc độ tăng thu nhập cao trong suốt một thời gian dài.
Đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt cả thập niên qua, nhưng đã đến lúc các cơ quan điều hành cần nhìn lại vấn đề theo góc nhìn kinh tế, thay vì góc nhìn xã hội như truyền thống. Người lao động với năng suất lao động kém sẽ là một sức ỳ rất lớn cho xu hướng thay đổi để thích nghi với một bối cảnh rất mới trong giai đoạn tới.
(*) CFA
(**) BUH
làm gì có năng suất cao khi tự động hóa sản xuất còn thấp như vậy