Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đông Nam Bộ đối mặt với việc thiếu khí trong vài năm tới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đông Nam Bộ đối mặt với việc thiếu khí trong vài năm tới

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Khả năng cung cấp khí cho hoạt động sản xuất điện tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ được duy trì ở sản lượng trên dưới 10-11 tỉ m3 khí mỗi năm (đáp ứng 60% nhu cầu trong nước cho các nhà máy điện toubin khí) đến hết 2022. Từ năm 2023, sản lượng khí cấp về bờ sẽ bị suy giảm mạnh và bắt đầu tình trạng thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.

Nguy cơ thiếu khí sau 4 năm nữa

Báo cáo của Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) hôm 12-9 cho biết, khả năng cấp khí cho sản xuất điện năm 2019 sẽ được đảm bảo với mức sản lượng 6,6 tỉ m3 (ở Đông Nam Bộ) và 1,42 tỉ m3 (Tây Nam Bộ). Việc đưa mỏ Phong Lan Dại vào vận hành chính thức trong quí 1-2019 giúp bù đắp sản lượng khí Lan Tây, Lan Đỏ suy giảm. Thêm nữa, việc đưa mỏ Sao Vàng- Đại Nguyệt (ngoài khơi Vũng Tàu) vào khai thác từ quý III/2020 sẽ bổ sung khí cho khu vực Đông Nam Bộ khoảng 1,5 tỉ m3/năm.

Đông Nam Bộ đối mặt với việc thiếu khí trong vài năm tới
Nhà máy điện Cà Mau 1, một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất điện khí. Ảnh: PVN

Bộ Công Thương đánh giá khả năng cung cấp khí tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ duy trì ở sản lượng nói trên đến hết năm 2022. Từ năm 2023, sản lượng cấp khí về bờ sẽ bị suy giảm mạnh, do Lô 06.1 dừng khai thác vào tháng 5-2023, và có khả năng thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.

Với mức cung cấp khí từ thượng nguồn và huy động tại hạ nguồn như hiện nay, dự kiến quyền lấy khí bù của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ hết vào tháng 10=2019. Sau thời điểm cân bằng, khả năng cấp khí của PVN qua đường ống PM3-Cà Mau sẽ chỉ còn một nửa, giảm nhanh từ 2023 và ngừng cấp khí từ 2028.

Vụ Dầu khí và than nhận định, nếu không mua được khí từ Malaysia, nguồn cung khí sẽ không đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ sau khi PVN hết quyền lấy bù (vào tháng 10-2019). Kể từ sau 2020, nguồn khí trong nước không đáp ứng được nhu cầu sẽ phải nhập khẩu thêm khí hóa lỏng LNG để bù đắp lượng thiếu hụt và cho sản xuất điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Bên cạnh đó, xu hướng giá khí cao sẽ thách thức cho việc phát triển đồng bộ hạ tầng các dự án khí, thu gom các nguồn khí. Hệ thống đường ống mới xây dựng có mức phí cao, đặc biệt là các dự án đường ống mới và đường ống trục có công suất thiết kế lớn nhưng sản lượng khí dự kiến vận hành thấp. Do vậy, nỗi lo thiếu khí là hiện hữu và cần phải có cơ chế, đặc biệt là chính sách giá khí hợp lý để triển khai các dự án nhập khẩu LNG và kinh doanh phân phối.

Hiện nay trong cả nước có 7.200 MW điện khí, chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống. Trong đó tập trung 10 nhà máy tại Đông Nam Bộ với tổng công suất 5.700MW, còn lại ở khu vực Tây Nam Bộ. Tổng sản lượng điện khí chiếm khoảng 45 tỉ kWh/năm chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện hệ thống. Nguy cơ thiếu khí trong 4 năm tới sẽ đẩy các nhà máy khí đã và sẽ hoạt động vào tình trạng khó khăn.

Cân bằng nguồn năng lượng và bài toán nhập khẩu

Theo quy hoạch điện II điều chỉnh, đến 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 15.000 MW điện khí, chiếm khoảng 15,6% tổng công suất các nguồn điện và điện năng sản xuất chiếm khoảng 19% tổng sản lượng điện. Năm năm sau đó, Việt Nam sẽ có khoảng 19.000 MW điện khí chiếm khoảng 14,7% tổng công suất các nguồn điện và 17% tổng sản lượng điện. Để có được sản lượng điện trong tương lai theo quy hoạch, đến 2030, hệ thống điện sẽ bổ sung thêm khoảng 12.000 MW điện khí. Các nhà máy điện khí sử dụng nguồn khí trong nước gồm Miền Trung 1,2; Dung Quất 1,2,3 (750 MW/nhà máy) sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Ô Môn 2,3,4 (1050 MW/nhà máy) sử dụng khí Lô B… Các nhà máy sử dụng LNG nhập khẩu gồm Sơn Mỹ I (3X 750 MW); Sơn Mỹ 1 (3X 750 MW); Nhơn Trạch 3,4 (750 MW/nhà máy).

Theo ông Tô Quốc Trụ, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, do lượng khí Việt nam hiện nay chỉ đáp ứng tối đa 60% công suất các nhà máy điện toubin khí nên số thiếu ngành năng lượng phải phát bù bằng chạy dầu DO. Tiến độ các nhà máy nhiệt điện than từ nay đến 2030 xây dựng chậm, các nhà máy thủy điện hiện tại có công suất khoảng 17.000 MW do hạn hán, đến hết ngưỡng khai thác mất cân bằng. Trước mắt, để hỗ trợ các nhà máy điện khí cần xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu LNG để phát triển các cụm nhà máy điện khí tại miền Trung (Mỏ Cái Voi Xanh), miền Nam ( Tiền Giang xây dựng cụm điện tua-bin khí Tân Phước thay cho nhà máy nhiệt điện chạy than Tân Phước)…

Bộ Công Thương khẳng định đến 2030 sẽ cần 50% lượng LNG nhập khẩu bên cạnh việc đưa các nguồn khí vào vận hành đúng tiến độ như chuỗi các dự án Lô B, Cá Voi Xanh. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ các dự án nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh… theo Vụ Dầu khí và than vẫn còn đang ở giai đoạn triển khai Báo cáo tiền khả thi sau nhiều năm nghiên cứu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới