Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp nhất 15 tháng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine do cơn binh biến ngắn ngủi của Yevgeny Prigozhin, người sáng lập tập đoàn an ninh tư nhân Wagner, gây thêm áp lực cho đồng tiền vốn đã chịu sức ép của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Cơn binh biến ở Nga khiến giá đồng rúp giảm nhanh, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng so với đô la Mỹ. Ảnh: Getty

Đồng tiền của Nga đã mất một phần ba giá trị kể từ tháng 12 năm ngoái và giao dịch ở mức hơn 90 rúp ăn 1 đô la Mỹ vào hôm 6-7, thấp nhất trong 15 tháng qua. Cuộc binh biến thất bại hồi tháng trước của Yevgeny Prigozhin đã khiến giá đồng rúp lao dốc, với mức giảm hơn 6% chỉ sau hai tuần. Nhưng đà suy giảm của đồng tiền của Nga đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây tiếp tục siết chặt nền kinh tế Nga.

Cuộc nổi loạn của lực lượng lính đánh thuê Wagner kết thúc nhanh chóng theo một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian. Tuy nhiên, sự kiện này là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin, người đã lãnh đạo nước Nga trong một phần tư thế kỷ. Đồng thời, cơn binh biến cũng đặt ra những hoài nghi về sự ổn định của Nga khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang tháng thứ 17.

“Cuộc khủng hoảng chính trị ở Nga vào cuối tuần trước khiến dòng tiền chảy từ đồng rúp sang đồng đô la và sang các ngân hàng nước ngoài”, Natalia Lavrova, nhà kinh tế trưởng của BCS Global Markets, nói. Bà cho biết thêm, vào ngày xảy ra binh biến, người Nga đã rút khoảng 100 tỉ rúp, tương đương mức rút tiền của họ vào thời điểm Điện Kremlin tuyên bố tổng động viên một phần hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, dòng vốn từ Nga chảy ra nước ngoài tăng nhanh kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Người Nga đã chuyển hơn 40 tỉ đô la ra nước ngoài kể từ tháng 2-2022.

Điện Kremlin đổ lỗi sự sụt giảm của đồng rúp là do các giao dịch đầu cơ, đồng thời tìm cách trấn an công chúng rằng những biến động như vậy đã xảy ra trước đây nhưng đồng rúp rốt cục phục hồi.

Tháng trước, Phó thủ tướng thứ nhất của Nga Andrey Belousov mô tả tỷ giá đồng rúp trong biên độ 80-90 rúp ăn một đô la là “tối ưu” cho nền kinh tế Nga.

Với mức giảm giá 18% trong năm nay, đồng rúp nằm trong số những đồng tiền giảm giá nhất ở các thị trường mới nổi.

Đồng rúp mất giá là lời cảnh báo về những thách thức mà Nga đối mặt khi nước này ứng phó với các lệnh trừng phạt quốc tế sâu rộng vào thời điểm rủi ro chính trị gia tăng và kho bạc của chính phủ đang chịu sức ép do thu nhập từ năng lượng giảm.

Alexandra Prokopenko, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, nhận định đồng rúp giảm giá cũng phản ánh những thay đổi trong cán cân thương mại, với nhập khẩu của Nga tăng trở lại và xuất khẩu giảm.

“Tỷ trọng của đồng rúp trong hàng nhập khẩu đang tăng lên, dẫn đến ít đô la hơn được đưa vào nước này. Dòng tiền vào Nga đang cạn kiệt và dòng vốn chảy ra ngày càng mạnh. Tất cả điều này là hậu quả trực tiếp của các biện pháp trừng phạt”, Prokopenko nói.

Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nga cho thấy trong quí đầu tiên, cán cân thương mại của Nga giảm hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 6, doanh thu từ các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, gồm dầu mỏ và khí đốt, giảm 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu năng lượng tích lũy kể từ đầu năm 2023 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,38 nghìn tỉ rúp (37,3 tỉ đô la Mỹ), Bộ Tài chính Nga cho biết hôm 5-7.

Nếu không tính năm 2020, năm xảy ra đại dịch Covid-19, đây là mức doanh thu năng lượng trong nửa năm thấp nhất trong 5 năm qua. Mức sụt giảm đó do tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc Nga không có khả năng bù đắp cho sự mất mát của thị trường khí đốt châu Âu.

Các hạn chế quốc tế đối với dầu của Nga, bao gồm cả chính sách giá trần do khối G7 áp đặt đang gây hậu quả, trong bối cảnh Nga gần như dừng hoạt động hoàn toàn các đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu, từng là khách hàng lớn nhất của Moscow.

“Đồng rúp đã mất đi sự hỗ trợ có được hồi năm ngoái nhờ giá năng lượng cao và lãi suất chính sách trong nước ở mức hai con số. Nhưng hiện nay, một chính sách tiền tệ hỗ trợ rõ ràng không mang lại nhiều động lực để gửi tiết kiệm bằng đồng nội tệ, trong khi tác động từ cơn binh biến của Wagner có thể khiến các nhà đầu tư trong nước tính toán lại các rủi ro”,  Alexander Isakov, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nói.

Ngân sách của Nga sẽ được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu hơn bằng cách thúc đẩy doanh thu của chính phủ (nhờ nguồn thu năng lượng được tính bằng đồng đô la và một số ngoại tệ mạnh khác). Tuy nhiên, tình trạng mất giá của đồng rúp có thể thúc đẩy lạm phát, có thể khiến Ngân hàng trung ương Nga sớm tăng lãi suất trở lại.

Theo Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới