Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi gặp gỡ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn tỉnh nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định hơn thời gian tới.
Tại buổi gặp gỡ diễn ra vào hôm nay, 16-8, bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương hiện có 27 doanh nghiệp với 28 dự án chế biến cá tra phi lê xuất khẩu, với tổng công suất thiết kế trên 700.000 tấn/năm, thu hút trên 20.000 lao động. Ngoài ra, 13 doanh nghiệp chế biến phụ phẩm từ cá tra, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như: collagen, dầu cá, bột cá… với công suất thiết kế khoảng 350.000 tấn/năm.
Hiện tại, tình hình chế biến và xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng hiện gặp rất nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra của tỉnh là 112.300 tấn, thu về 297 triệu đô la Mỹ, giảm 27,6% về lượng và 39,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
“Số lượng thị trường xuất khẩu cá tra cũng bị thu hẹp đáng kể trong 6 tháng đầu năm nay, còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ so với khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ ở thời điểm trước dịch Covid-19, tức giảm khoảng 20% so với trước đó”, bà Thuỷ cho biết.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hùng Cá, cho biết từ thời điểm tháng 4-2023 đến nay, mỗi tháng đơn vị này phải chịu lỗ ít nhất 30 tỉ đồng từ hoạt động nuôi và chế biến xuất khẩu.
Chính vì vậy, ông Hùng kiến nghị, lãnh đạo địa phương cùng các đơn vị có liên quan nên có phương án cho doanh nghiệp được nợ tiền bảo hiểm xã hội 3-6 tháng. “Riêng tiền bảo hiểm, hiện nay mỗi tháng chúng tôi phải đóng hơn 3,9 tỉ đồng”, ông dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang cho biết, các doanh nghiệp thủy sản hiện rơi vào tình thế, dù có tài sản thế chấp, nhưng ngân hàng vẫn không giải ngân với lý do sản phẩm không xuất khẩu được. Lần đầu tiên trong 10 năm qua, công ty thiếu tiền mặt do sản phẩm không xuất được, tức dòng tiền không quay về nên ngân hàng không tiếp tục giải ngân.
Đơn vị đã tiết giảm tối đa các chi phí để duy trì hoạt động như việc tối ưu chi phí điện bằng cánh giảm thiểu thời gian vận hành kho lạnh vào khung giờ cao điểm. Bình quân một tháng tiền điện là 4 tỉ đồng, nhưng nhờ sắp xếp lại nên mỗi tháng tiết kiệm được 200-300 triệu đồng.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hoạt động cũng như đổi mới quy trình sản xuất và kết nối vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các thị trường Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do.