(KTSG Online) – Nhờ kinh tế phục hồi nên tăng trưởng về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 của Đồng Tháp đạt 8,62% nên lần đầu tiên quy mô kinh tế của tỉnh này chạm mức 100.000 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng.
- Đồng Tháp đề nghị bổ sung hơn 113 tỉ đồng xây dựng đường gom cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ
- ‘Định vị’ thương hiệu xoài Đồng Tháp đến với người tiêu dùng
- Đồng Tháp đăng ký hơn 51.900 héc-ta lúa đảm bảo chi trả tín chỉ carbon
Đây là thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 13-8.
Đồng Tháp là tỉnh nằm ở ĐBSCL nên có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, vì thế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 34% so với năm 2021. Giá trị xuất khẩu tăng là nhờ doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tiếp cận được với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Bên cạnh đó, nhờ chuyển qua mô hình nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số đã hình thành và phát triển mạnh ở Đồng Tháp, tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao. Cụ thể, đã có trên 357 sản phẩm OCOP, xếp thứ 3 cả nước.
Trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 với hơn 3 triệu tấn mỗi năm, diện tích trồng xoài xếp thứ nhất với khoảng 14.000 ha, sản lượng 137.000 tấn, sản lượng cá tra xếp thứ nhất với trên 500.000 tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Tháp đạt 35.000 tỉ đồng, tăng gần 7%, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 21.671 tỉ đồng, tăng gần 4%, du lịch thu hút được 2,5 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ.
Kinh tế Đồng Tháp phát triển trong những năm qua còn được thể hiện qua chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) khi 15 năm liên tiếp xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Hiện Đồng Tháp đang đề xuất với Chính phủ để sớm thành lập Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười, thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, quy mô từ 5.000ha trở lên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông để tạo động lực cho thúc đẩy và phát triển kinh tế của tỉnh.