Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền bất ngờ chảy mạnh vào thị trường chứng khoán

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thanh khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán bất ngờ lập kỷ lục mới từ đầu năm đến nay, tiếp tục nối dài dòng tiền tích cực trong tháng 5, trong bối cảnh lãi suất huy động trong nước giảm nhưng nỗi lo tăng trưởng kinh tế chưa giảm bớt.

VN-Index tăng mạnh tiếp tục kích hoạt dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân. Ảnh minh họa: L.Vũ.

Dòng tiền chảy mạnh

Khi phiên giao dịch chiều thứ Sáu (ngày 9-6) kết thúc, Đào Anh Tuấn, nhà đầu tư cá nhân ở TPHCM, thở phào nhẹ nhõm vì chỉ số VN-Index kết thúc ở mức trên 1.104 điểm. “Điều này ít nhất cũng duy trì niềm tin vào đà tăng ngắn hạn của thị trường”, nhà đầu tư cá nhân này vừa tăng tỷ lệ giải ngân hồi đầu tuần cho biết.

Sự háo hức trở lại trên thị trường chứng khoán trong tuần qua là có lý do, khi thanh khoản vọt tăng. Dòng tiền bất ngờ chảy rất mạnh, đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, thậm chí xuất hiện phiên giao dịch với khối lượng lên đến 1,2 tỉ đơn vị, giá trị giao dịch hơn 21.000 tỉ đồng trên sàn HOSE (tính chung ba sàn lên đến gần 1 tỉ đô la Mỹ).

Đã lâu lắm rồi thị trường mới chứng kiến con số thanh khoản giao dịch lớn như vậy. Tính chung cả tuần, thanh khoản của HOSE bình quân vượt 15.000 tỉ đồng/phiên, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, thanh khoản ba sàn đạt 21.265 tỉ đồng, tăng gần 15% so với tuần trước.

Một điều đáng chú ý khác giúp dòng tiền được cải thiện là khối ngoại có giao dịch tích cực hơn khi giảm bán ròng trên HOSE (59% so với tuần trước), đồng thời xen kẽ mua ròng thay vì liên tục bán ròng như trong tháng 5.

Dòng chảy mạnh mẽ này đã tiếp tục giúp VN-Index giữ vững mốc trên 1.100 điểm, bất chấp áp lực chốt lời mạnh vào hôm thứ Năm. Đến phiên thứ Sáu, may mắn khác là lực cầu mua giá thấp tăng vọt giúp chỉ số VN-Index đảo chiều từ giảm thành tăng vào cuối giờ giao dịch.

Thực tế nhiều nhà đầu tư cá nhân trong tuần qua đi từ trạng thái phấn khởi đến lo âu, tâm lý đi theo “tàu lượn” VN-Index, đặc biệt là có phiên giao dịch và thời điểm mà áp lực bán mạnh tăng vọt.

Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc 1.107,5 điểm, tăng 1,5% so với tuần trước, tương tự chỉ số HNX-Index tăng 0,7%, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,3%.

Hầu hết đội phân tích của các công ty chứng khoán đều cho rằng trước áp lực bán mạnh, chỉ số VN-Index đã trụ vững thành công mốc 1.100 là tín hiệu khả quan.

Thêm nữa, dòng tiền có sự lan tỏa tích cực khi chảy đều vào nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau, đặc biệt là tài chính (chứng khoán, ngân hàng) và cả bất động sản. Thậm chí cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank lập kỷ lục mới về thị giá, lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu (thời điểm chỉ số VN-Index ở vùng đỉnh vào tháng 3-2022 chỉ là 96.000 đồng/cổ phiếu).

Trong tuần qua, dòng tiền bất ngờ chảy mạnh khiến chỉ số dễ dàng vượt mốc 1.100 ngay từ những phiên giao dịch đầu tuần, sau đó giữ thành công mốc tâm lý này. Nhưng trên thực tế, dòng tiền đã âm thầm chảy từ trong tháng 5.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, chỉ số đã tăng 26 điểm trong tháng 5, tương ứng tăng 2,5% so với cuối tháng 4. Thanh khoản trong hai tuần cuối tháng 5 trên sàn HOSE tăng 32% so với mức trung bình của quí 1. “Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng, điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước đối với thị trường chứng khoán đang tăng dần lên”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI bình luận.

Cẩn trọng đảo chiều ngắn hạn

Thị trường không dễ để vượt đỉnh tiếp theo là nhận định của đa số chuyên gia chứng khoán, sau một tuần giao dịch sôi động và hứng khởi xét về yếu tố tâm lý.

Về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.100 điểm, nhưng thử thách tiếp theo lại khá gần (mốc 1.120 điểm). Đây được xem là vùng kháng cự mạnh của chỉ số.

“Đây là vùng đỉnh của chỉ số này từ đầu năm 2023, do đó, không dễ để chỉ số VN-Index có thể vượt qua được vùng kháng cự này”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, khối phân tích chuyên gia VN-Direct bình luận.

Còn xét về yếu tố vĩ mô, theo nhóm phân tích chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong tháng 6 này có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Trong đó, yếu tố quốc tế quan trọng vẫn là câu chuyện của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, liệu có thể dừng tăng lãi suất trong tháng 6 hay không.

Còn ở thị trường trong nước, yếu tố ảnh hưởng là lãi suất tiền gửi tiếp tục xu hướng giảm, được xem là cơ sở quan trọng để dòng tiền dịch chuyển sang kênh chứng khoán với tâm lý kỳ vọng vào đà hồi phục. Bên cạnh đó, kỳ vọng kinh tế hồi phục trong 6 tháng cuối năm, cùng những giải pháp hỗ trợ cũng được xem là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán.

Thanh khoản tăng vọt trong tuần qua sẽ khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân chú ý và sẽ tham gia nhiều hơn vào thị trường chứng khoán, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, đặc biệt là khi lãi suất tiền gửi hiện giảm sâu so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra vẫn là sự đi lên bền vững của thị trường.

Theo nhóm phân tích của SSI, các chính sách của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiêng về hướng hỗ trợ và sẽ còn tác động tích cực lên thị trường chứng khoán, bởi đây là là thị trường của sự kỳ vọng.

Tuy nhiên, thách thức lớn vẫn là tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết, hiện vẫn chịu nhiều áp lực, đặc biệt là trong bối cảnh bức tranh vĩ mô quí 2 và quí 3 còn nhiều thách thức, các vấn đề trên thị trường bất động sản và trái phiếu sẽ cần thêm thời gian để giải quyết.

“Với các yếu tố tác động chưa đồng thuận, thị trường chứng khoán sẽ còn biến động ở cả 2 chiều. Ở chiều điều chỉnh, mức độ biến động chúng tôi kỳ vọng không quá lớn do khó khăn của nền kinh tế cũng đã được thị trường phản ánh sớm và phần lớn trong năm 2022”, báo cáo của SSI có đoạn.

Còn trong bối cảnh chỉ số VN-Index bất ngờ tăng mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6, khuyến nghị của các công ty chứng khoán đều cho rằng nhà đầu tư cần phải thận trọng hơn nữa. “Nhà đầu tư nên hạn chế mua mới ở thời điểm này và có thể xem xét chốt lời một phần cổ phiếu đã mua vào ở vùng giá thấp trong những tuần trước đó để hiện thực hóa lợi nhuận. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, nên chủ động hạ bớt margin để kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư”, chuyên gia từ VNDirect bình luận sau phiên cuối tuần trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới