Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền vẫn thận trọng!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau một tuần phục hồi, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam quay trở lại trạng thái giằng co quanh mốc 1.065 điểm trong tuần trước. Tâm lý chần chừ của nhà đầu tư khiến lực cầu không thể duy trì mạnh, dẫn tới đà tăng không bền vững. Xét chung cho cả tuần, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,17 điểm (+0,02%) lên mức 1.067 điểm trong khi chỉ số HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,55%).

Sau một tuần phục hồi, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam quay trở lại trạng thái giằng co quanh mốc 1.065 điểm trong tuần trước. Ảnh minh họa: TL

Trong bối cảnh thị trường lình xình, giao dịch khối ngoại bất ngờ trở thành điểm sáng khi khối này trở lại giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.

Tổng cộng qua 5 phiên, khối ngoại mua ròng 786 tỉ đồng. Mặc dù vậy, trên thực tế, khối ngoại vẫn bán ròng 404 tỉ đồng trên kênh khớp lệnh trong khi tập trung mua ròng đột biến 1.190 tỉ đồng trên kênh thỏa thuận.

Dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận với tổng khối lượng 24,46 triệu cổ phiếu (tương đương gần 25% vốn của Sotrans). Bên mua chưa được xác định trong khi bên bán nhiều khả năng là CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần - công ty mẹ của Sotrans.

Trên thế giới, TTCK Mỹ quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần trước khi các cuộc đàm phán về trần nợ công bị tạm dừng, làm dấy lên nghi ngờ về việc sớm đạt được một thỏa thuận giữa bên hành pháp và lập pháp của Mỹ.

Tuy vậy, cả ba chỉ số chính tại Mỹ đều có tuần giao dịch tăng điểm khá tích cực khi chỉ số S&P500 tăng 1,7%; chỉ số Nasdaq Composite tăng 3%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ tháng 3-2023. Riêng chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 0,4% trong tuần.

Đáng chú ý, ngày 19-5-2023, phát biểu tại một hội thảo tiền tệ ở Washington, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng căng thẳng trong hệ thống ngân hàng có thể đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ không cần phải tăng thêm nhiều nữa.

Ông Powell nhấn mạnh rằng các sáng kiến mà Fed đưa ra để giải quyết vấn đề tại các ngân hàng cỡ trung về cơ bản đã ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất trở thành hiện thực.

Nhận định này của Chủ tịch Fed được đưa ra trong bối cảnh thị trường đang nghiêng về khả năng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới, qua đó tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ với 10 đợt nâng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3-2022.

Mặc dù vậy, nhìn chung, kỳ vọng của thị trường vẫn đang có nhiều biến động khi giới chức Fed còn chưa đưa ra được một đánh giá chắc chắn nào về ảnh hưởng đã có và sẽ có của chiến dịch tăng lãi suất tính đến thời điểm này đối với lạm phát.

Mùa hè năm ngoái, lạm phát ở Mỹ vượt 9%, cao nhất trong 41 năm. Gần đây, lạm phát đã dịu đi, nhưng vẫn ở ngưỡng cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Về cơ bản, chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed được thực thi nhằm giảm nhiệt thị trường việc làm của Mỹ, từ đó làm giảm tốc nền kinh tế và kéo lạm phát hạ nhiệt theo. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện ở mức 3,4%, thấp nhất kể từ năm 1953.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, đang tăng với tốc độ hàng năm 4,6%, so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Trong tuần này, thị trường Mỹ hướng về số liệu PCE tháng 4, sẽ được công bố vào thứ Sáu (26-5).

Chỉ số này đã tăng 0,1% trong tháng 3. Đó là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 7-2022. Nếu chỉ số giá này chậm lại trong tháng 4 - xuống dưới mức 5% (so với cùng kỳ năm trước), thị trường có thể sẽ tăng hy vọng rằng thời điểm lãi suất Mỹ đạt đỉnh sắp tới.

Bên cạnh đó, biên bản từ cuộc họp mới nhất của Fed được công bố vào thứ Tư (24-5) có thể sẽ cung cấp thêm manh mối về việc liệu việc Fed sắp tạm dừng tăng lãi suất hay chưa.

Ngoài ra, các thị trường cũng có thể có một chút lo ngại về ngày 1-6, hạn chót khi Chính phủ Liên bang Mỹ có thể không trả được một số khoản nợ trừ khi trần nợ của quốc gia được dỡ bỏ.

Có một số dấu hiệu tích cực về một thỏa thuận, nhưng bất kỳ sự cố nào cho thấy một thỏa thuận vẫn nằm ngoài tầm với đều có thể ảnh hưởng đến thị trường. Với TTCK trong nước, xu hướng giằng co đi kèm phân hóa đang cho thấy sự lưỡng lự và chờ đợi của thị trường. Các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế đã cấp tập được đưa ra trong thời gian vừa qua nhưng thị trường cần thêm thời gian để kiểm định hiệu quả thực sự của những chính sách này.

Nhiều nhận định cho thấy những hiệu ứng tích cực của việc lãi suất giảm nhiều khả năng sẽ dần phản ánh vào tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp kể từ thời điểm cuối quí 2, đầu quí 3 trở đi.

Do vậy, dòng tiền “thông minh” có thể không muốn xuất phát sớm, nhằm tránh rơi vào tình trạng “mua hớ” vì chưa đúng thời điểm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới