Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng vốn ròng chảy ra khỏi Trung Quốc cao kỷ lục

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Cơ quản quản lý ngoại hối nhà nước (SAFE), dòng vốn ròng từ các doanh nghiệp và gia đình chảy ra khỏi Trung Quốc đạt 68,7 tỉ đô la trong năm 2023. Đây là lần đầu tiên có đợt chảy máu ngoại tệ từ năm năm qua, khi dòng vốn thoát ra từ bên trong lớn hơn dòng vốn bên ngoài đổ vào.

Số liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc đã chuyển ròng 68,7 tỉ đô la ra khỏi lãnh thổ nước này trong năm 2023. Ảnh: Reuters

Trong giai đoạn 2019-2022, xuất khẩu tăng cao và các hạn chế đi lại trong chiến dịch phong tỏa chống Covid đã giúp dòng ngoại tệ từ ngoài đổ vào lớn hơn dòng vốn chảy ra. Tình trạng yếu kém của kinh tế nội địa trong năm 2023 cho thấy Trung Quốc đang mất đi khả năng thu hút và giữ vốn toàn cầu.

Doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng sản xuất toàn cầu

SAFE đã đặc biệt lưu ý “một dòng tiền chảy ra ngoài” đáng chú ý là có liên quan đến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, chẳng hạn như xây dựng nhà máy. Lần cuối dòng vốn này chảy ròng là năm 2016. Dòng vốn ròng năm ngoái đạt 118,5 tỉ đô la, mức cáo kỷ lục.

SAFE căn cứ số liệu vào các giao dịch xuyên biên giới được thực hiện tại các ngân hàng trong nước, khảo sát các lĩnh vực như hoạt động đầu tư và thương mại hàng hóa, dịch vụ.

Các giao dịch bao gồm những giao dịch liên quan đến chuyển đổi ngoại tệ và những giao dịch được gọi thầu bằng đồng nhân dân tệ. SAFE không nói rõ các giao dịch chuyển vốn ra ngoài là do công ty trong nước hoặc công ty có vốn nước ngoài thực hiện.

Truyền thông Trung Quốc nói các hãng sản xuất pin Trung Quốc năm ngoái đã công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 100 tỉ nhân dân tệ (khoảng 14 tỉ đô la) vào sản xuất ở nước ngoài. Điều này cho thấy dòng vốn chảy ra ngoài được khơi thông và chảy mạnh là nhờ kế hoạch mở rộng sản xuất toàn cầu của doanh nghiệp Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào lúc này, mối lo ngại lớn nhất của Trung Quốc là dòng vốn chảy ra nước ngoài là hệ quả của việc giới đầu tư nước ngoài chuyển bớt một phần hoạt động sản xuất hoặc rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Theo khảo sát Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc (JCCI) vào cuối năm 2023, gần một nửa số doanh nhân đang hoạt động ở Trung Quốc được JCCI khảo sát nói rằng “đang giảm đầu tư so với năm trước hoặc sẽ không đầu tư gì trong năm mới”.

Dữ liệu của SAFE cũng cho thấy, trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc, số lượng công ty nước ngoài đã giảm 0,4% vào cuối tháng 11-2023 so với một năm trước đó. Hồi tháng 7, tổng số đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2004.

Dòng vốn sẽ tiếp tục tháo chạy?

Nhà kinh tế trưởng Toru Nishihama thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nói: “Những vấn đề nội tại của nền kinh tế Trung Quốc cùng những luật lệ sửa đổi đang đè nặng lên vai nhà đầu tư”.

Giới siêu giàu Trung Quốc đang tìm cách rời khỏi đất nước này, góp phần gia tăng chảy máu ngoại tệ. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài từ tháng 1-2023 đã khuyến khích người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, mang theo ngoại tệ ra nước ngoài.

Sự tháo chạy của dòng vốn tiếp tục diễn ra, rõ nhất là trên thị trường chứng khoán. Hôm 23-1, chỉ số Shanghai Composite đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong gần bốn năm, thấp hơn gần 20% so với mức đỉnh năm 2023.

Ngược lại, các quỹ giao dịch ngoại hối đang có nhu cầu cao. Cơn sốt mua vào tăng lên đến mức các quỹ ETF liên kết với chỉ số chứng khoán Nikkei và các chỉ số chứng khoán Mỹ phải tạm dừng giao dịch.

Trong cuộc họp hôm 23-1, chính phủ cam kết sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả hơn để ổn định thị trường. Theo Bloomberg, chính phủ đang xem xét triển khai quỹ bình ổn thị trường trị giá khoảng 2.000 tỉ nhân dân tệ.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu đang chứng kiến sự hồi sinh của dòng vốn bên ngoài. Sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la đã giảm bớt sau khi đồng tiền Trung Quốc giảm mạnh trước việc Mỹ tăng lãi suất.

Số dư trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ do người nước ngoài nắm giữ, thường thông qua chương trình Bond Connect tại Hồng Kông, đạt 3.660 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 12-2023, tăng 15% so với mức thấp nhất gần đây vào tháng 8.

Takamoto Suzuki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của tập đoàn thương mại Marubeni tại Trung Quốc, nhận định: “Các nhà đầu tư quốc tế lo ngại việc vỡ nợ của các công ty bất động sản sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường trái phiếu Trung Quốc. Nhưng hiện tại, không có tác động nghiêm trọng nào, nên các nhà đầu tư quốc tế an tâm mua trở lại”.

Theo Nikkei Asia, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới