Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đột phá, vượt trội để tạo động lực phát triển bền vững

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với 44 nội dung, trong đó có 27 cơ chế, chính sách đặc thù mới được kỳ vọng tạo động lực cho TPHCM phát triển.

Sáng 26-5, tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được trình bày trước Quốc hội – Ảnh: Quochoi.vn

Theo TTXVN, sáng 26-5, tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, ngoài các chính sách đã có trong Nghị quyết 54/2017/QH14, nghị quyết lần này có 4 nhóm chính sách mới lần đầu được quy định trong 27 cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội, có tác động lan tỏa, gồm:

Chính phủ đề xuất cho TPHCM được dùng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để chi đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.

Cũng liên quan chính sách về giao thông, TPHCM được áp dụng hợp đồng BOT với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng…

Chính phủ cũng đề xuất cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế; nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố hưởng 100%.

Đáng lưu ý, Chính phủ đề xuất cho phép sử dụng mái nhà của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công của các cơ quan trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

Liên quan đến quy định số lượng cấp phó của UBND thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, TPHCM được trao quyền chủ động nhưng phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Thành phố được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề xuất hiệu lực của nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TPHCM được thực hiện trong 5 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM – Ảnh: Quochoi.vn

Quochoi.vn đưa tin, đánh giá về tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, với phạm vi chính sách như trong dự thảo, Chính phủ và TPHCM thấy đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa…

Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, vì vậy cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có tính đột phá, vượt trội, đều có cơ hội đi vào cuộc sống; tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đánh giá các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) trong dự thảo còn khá mỏng, trong khi TPHCM có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu.

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách. Đồng thời, đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm; đề nghị bổ sung quy định bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm; bổ sung quy định về tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

Theo đánh giá thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, để triển khai các quy định này cần khá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành về quy trình, thủ tục… Vì vậy, đề nghị quy định rõ trong điều khoản thi hành những công việc cần triển khai; giao trách nhiệm cụ thể; tránh ban hành xong nhưng không thể vận hành do các tổ chức, cá nhân không rõ căn cứ triển khai.

Mặt khác, về thẩm quyền, dự thảo quy định một số vấn đề không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị không quy định nội dung này. Cùng với đó, để bảo đảm đúng mục tiêu thí điểm, tờ trình cần làm rõ giá trị nhân rộng mô hình sau thí điểm để các tỉnh, thành khác có thể học tập, nhân rộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới