(KTSG Online) - Trong phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo với tốc độ mạnh hơn, với chỉ số Dow Jones và S&P 500 trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2022.
Dù vậy, Phố Wall đóng cửa với điểm số cao hơn so với các mức thấp trong phiên. Tại châu Á, thị trường chứng khoán đang phục hồi sau phiên giao dịch hoảng loạn hôm 5-8. Nhà đầu tư dường như đang “hoàn hồn” nhưng vẫn chưa thể vơi đi nỗi lo về bong bóng trí tuệ nhân tạo (AI) và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Chứng khoán toàn cầu bị “thổi bay” 6.400 tỉ đô la Mỹ
Bất kỳ nhà đầu tư kỳ cựu nhất cũng choáng váng trước con số nhấp nháy trên các bảng điện chứng khoán ở khắp các thị trường trên toàn cầu trong phiên giao dịch 5-8.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 4.000 điểm, tương đương 12,4%, đánh dấu phiên giảm điểm lớn nhất lịch sử. Ở Seoul, chỉ số Kospi giảm kỷ lục gần 9%. Khi tiếng chuông mở cửa thị trường vang lên ở New York, chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 6% chỉ trong vài giây. VIX, thước đo biến động của thị trường chứng khoán Mỹ, tăng vọt.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.033,99 điểm, tương đương 2,6%, xuống 38.703,27 điểm. Nasdaq Composite và S&P 500 lần lượt giảm 3,43% và 3%. Cả Dow Jones và S&P 500 đều trải quan phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 9 - 2022. Vốn hóa của các cổ phiếu công nghệ lớn nhất ở Mỹ “bốc hơi” gần 1.000 tỉ đô la Mỹ.
Trong vòng ba tuần, khoảng 6,4 nghìn tỉ đô la đã bị “thổi bay” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu.
Sau phiên giao dịch bán tháo hôm qua, sáng nay (6-8), các thị trường chứng khoán châu Á đang phục hồi, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có lú tăng gần 11%. Vào lúc 11 giờ trưa nay, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đang tăng 4% và chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 3,5%
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn không rõ liệu những biến động mạnh hôm 5-8 đánh dấu cao trào của đợt bán tháo chứng khoán toàn cầu hình thành vào tuần trước, hay báo hiệu sự bắt đầu của một chu kỳ suy giảm kéo dài.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là những trụ cột củng cố sự tăng trưởng của thị trường tài chính trong nhiều năm đang lung lay. Nhà đầu tư dường như đã đặt niềm tin sai lầm rằng, đà tăng trưởng kinh tế Mỹ là không thể ngăn cản, AI sẽ nhanh chóng cách mạng hóa hoạt động kinh doanh khắp nơi. Họ cũng tin rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ tăng lãi suất, hoặc không tăng lãi suất đáng kể.
Dữ liệu trong vài tuần qua đã làm suy yếu niềm tin này. Báo cáo việc làm tháng 7 ở Mỹ khá yếu với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%. Thu nhập hàng quí nhờ AI của các tập đoàn công nghệ của Mỹ cũng gây thất vọng. Ngân hàng Nhật Bản vừa tăng lãi suất lần thứ hai trong năm nay.
Tin xấu dồn dập khiến các nhà đầu tư bất ngờ nhìn thấy các mối nguy hiểm rõ ràng. Trước hết là bong bóng AI, với giá cổ phiếu Nvidia, nhà cung cấp chip AI hàng đầu, tăng giá 1.100% trong vòng chưa đầy 2 năm. Tiếp đó là chiến lược vay đồng yen với lãi suất thấp của Nhật Bản để đầu tư vào các đồng tiền trả lãi cao hơn bao gồm đồng peso của Mexico có mức lãi suất đến 12%.
Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của ngân hàng Mizuho, cho biết nhà đầu tư đang đồng loạt tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán. Việc mua cổ phiếu lúc này giống như cố gắng bắt một con dao đang rơi và hiện nay “dao đang rơi khắp nơi”, Varathan nói.
Cơn hoảng loạn của thị trường có thể dẫn đến các rủi ro. Làn sóng bán tháo cổ phiếu, nếu không được kiểm soát thì có thể làm hỏng các bánh răng của hệ thống tài chính, làm chậm hoạt động cho vay và đóng vai trò như “giọt nước tràn ly”, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái mà nhiều nhà đầu tư hiện đang lo sợ.
Mối lo ngại đó đang dẫn đến những lời kêu gọi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm bắt giảm lãi suất. Một số chuyên gia lập luận, Fed nên giảm lãi suất trước cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng Chín.
Liệu kinh tế Mỹ có suy thoái?
Đối với Ed Yardeni, một nhà kinh tế học theo dõi chặt chẽ thị trường trong nửa thế kỷ qua, cú sụp đổ đột ngột của Phố Wall gợi lại ký ức về Thứ Hai đen tối vào năm 1987 khi chỉ số Dow Jones giảm 23%. Yardeni lưu ý, cú lao dốc đó gây ra nỗi sợ hãi tột độ nhưng cuối cùng không phải là điềm báo chính xác về sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ.
“Ngày Thứ Hai đen tối đó liên quan nhiều hơn đến các yếu tố nội tại của thị trường. Tôi nghĩ điều tương tự đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ”, Yardeni nói.
Thị trường cũng rung chuyển vì nỗi lo sớm về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ trong thị trường tăng giá hiện tại. Nỗi lo này cũng xuất hiện vào đầu năm ngoái trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ, nhưng nhanh chóng biến mất khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển. Thị trường chứng khoán Mỹ cũng phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy giảm mạnh trong năm 2022 để đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Các động lực gây ra tình trạng hỗn loạn của thị trường chứng khoán hôm 5-8 đã được nhen nhóm trong nhiều tuần. Vào đầu tháng Bảy, ngay khi giá của các cổ phiếu công nghệ đạt đỉnh, đồng yên Nhật bắt đầu tăng giá mạnh khi nhà đầu tư dự đoán Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất kích thích tiền tệ. Tính đến hôm 5-8, đồng yen tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng so với đô la Mỹ.
Đà tăng giá này khiến nhà đầu tư từ bỏ chiến lược giao dịch chênh lệch lãi suất, vay đồng yen tương đối rẻ để đầu tư các đồng tiền khác có lãi suất cao hơn, hoặc các tài sản khác như cổ phiếu. Diễn biến này càng gây áp lực bán tháo trên khắp các thị trường toàn cầu khi nhà đầu tư tăng cường bán để trả nợ cho khoản vay đồng yen.
Tiếp theo đó là hồi chuông cảnh báo liên tục từ các báo cáo thu nhập gây thất vọng của các tập đoàn công nghệ ở Mỹ. Cổ phiếu của các tập đoàn này tăng giá mạnh, giúp chứng khoán Mỹ liên tiếp tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm nay. Nhưng báo cáo thu nhập cho thấy họ chưa kiếm bất kỳ khoản lợi nhuận đáng kể nào từ khoản đầu tư khổng lồ vào AI. Cổ phiếu của Amazon.com và Intel Intel. lao dốc sau khi công bố kết quả kinh doanh quí 2.
Đồng thời, dữ liệu gần đây báo hiệu một số bộ phận của nền kinh tế Mỹ bắt đầu hạ nhiệt. Trong tháng Bảy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến và số việc làm mới tạo ra không đạt dự báo.
Austan Goolsbee, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ khu vực Chicago, cho biết báo cáo việc làm thất vọng không nhất thiết là báo hiệu thoái.
Đến cuối buổi chiều 5-8, chứng khoán Mỹ phục hồi từ các mức thấp nhất trong phiên giao dịch nhưng điều đó không làm vơi đi nỗi lo lắng của nhà đầu tư. “Chúng tôi vẫn lo lắng về thu nhập của doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ”, Matt Maley, giám đốc chiến lược thị trường của Công ty quản lý tài sản Miller Tabak nói.
Theo Bloomberg