Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dow Jones rơi 344 điểm vì sản xuất của Mỹ suy giảm nghiêm trọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dow Jones rơi 344 điểm vì sản xuất của Mỹ suy giảm nghiêm trọng

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi dữ liệu sản xuất mới nhất của Mỹ cho thấy cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động đang làm suy giảm nghiêm trọng hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chốt phiên giao dịch ngày 1-10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 344 điểm (1,3%), về mức 26.573 điểm. Trong khi đó, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt thoái lùi 1,2% và 1,1%.

Dow Jones rơi 344 điểm vì sản xuất của Mỹ suy giảm nghiêm trọng
Cuộc khảo sát của Viện Cung ứng (Mỹ) cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 9 rơi về mức thấp nhất kể từ tháng 6-2009. Ảnh: CNBC

Thị trường tăng điểm ngay sau khi mở cửa nhưng nhanh chóng lao dốc trước tin xấu từ ngành sản xuất trong nước. Viện Quản lý Cung ứng (ISM), có trụ sở ở bang Arizona, cho biết kết quả khảo sát ở các doanh nghiệp sản xuất cho thấy trong tháng 9, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ giảm về mức 47,8 điểm, giảm so với mức 49,1 điểm trong tháng 8 và cũng đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 6-2009.

Bất kỳ mức điểm số PMI ngành sản xuất nào dưới 50 đều cho thấy hoạt động sản xuất đang suy thoái. Giới phân tích nhận định dữ liệu trên cho thấy cơn suy thoái sản xuất ở nước ngoài đã lan đến Mỹ.
Jim Bianco, Giám đốc Công ty Bianco Research, cho rằng điểm số PMI yếu ớt của Mỹ phù hợp với tình trạng suy thoái sản xuất ở khắp nơi trên toàn cầu.

Cũng theo cuộc khảo sát của ISM, lượng đơn hàng mới đối với hàng hóa sản xuất công nghiệp giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, trong khi đó, lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất Mỹ trong tháng 9 cũng rơi về mức 41 điểm, tệ nhất kể từ tháng 3-2009. Một số doanh nghiệp tham gia trả lời trong cuộc khảo sát đổ lỗi cuộc chiến thuế Mỹ-Trung làm suy yếu hoạt động kinh doanh của họ.

Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 1-10, Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng ở ngân hàng Deutsche Bank (Đức) nhận định: “Chưa thấy điểm dừng trong đợt suy giảm sản xuất này. Rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ là có thực”.

Đồng tình với nhận định này, Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu ở Công ty quản lý đầu tư Invesco, nói: “Chúng ta có thể chứng kiến tình trạng suy yếu tiếp tục trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ. Đối với tôi, điều đó phản ánh hiện thực của các cuộc chiến tranh thương mại đang tiếp diễn”.

“Dữ liệu sản xuất xấu là nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường suy giảm như chúng ra đang chứng kiếm hôm nay. Các số liệu do ISM công bố yếu hơn mức kỳ vọng. Chắc chắn, các nhà kinh tế đều đã dự báo một kết quả tốt hơn”, Jim Baird, Giám đốc đầu tư ở Công ty Plante Moran Financial Advisors, nói.

Viết trên trang Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các mức lãi suất cao và đồng đô la Mỹ là nguyên nhân khiến sản xuất của Mỹ suy yếu.

Cùng ngày, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu về mức 1,2% từ mức 2,6% trong lần dự báo hồi tháng 4. Đây là mức tăng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. WTO cho biết lý do hạ dự báo là do các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo trang, tình trạng tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế thế giới và tình hình bất ổn của tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Roberto Azevêdo, Tổng Giám đốc WTO, cảnh báo việc làm có thể suy giảm trên toàn cầu do các công ty sử dụng ít nhân công hơn để sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu khi thương mại tăng trưởng yếu.

Song dữ liệu sản xuất suy yếu của Mỹ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại có thể làm gia tăng xác suất Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ thêm lãi suất. Các nhà đầu tư trên thị trường giao dịch hợp đồng tương lại về lãi suất của Fed giờ đây cho rằng có xác suất  65% Fed sẽ hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 30-10, so với mức xác xuất 40% vào hôm trước đó.

Theo Market Watch

Chốt phiên giao dịch hôm 1-10, giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex ở New York tăng 16,1 đô la Mỹ (1,1%), lên mức 1.489 đô la/ounce, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ ngày 3-9. Trong phiên giao dịch, giá vàng có lúc rơi về mức 1.465 đô la/ounce sau khi đã giảm mạnh 2,2% vào phiên hôm trước. Tin xấu về dữ liệu PMI ngành sản xuất Mỹ do Viện Cung ứng công bố đã khiến giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu và rót riền sang vàng, giúp giá của kim loại quí này hồi phục nhanh chóng.

Phillip Streible, nhà chiến lược hàng hóa ở Công ty RJO Futures nói: “Điều này cho thấy có thể xuất hiện sự điều chỉnh mạnh trong nền kinh tế Mỹ và giới đầu tư đang quay trở lại nơi trú ẩn tài sản an toàn. Dữ liệu sản xuất suy yếu có thể khuyến khích Fed hạ thêm lãi suất, tạo động lực tốt để vàng tăng giá”.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới