Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Drive My Car – hành trình của những vết thương

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Giải Oscar 2022 phim quốc tế hay nhất đã dành cho Drive My Car (tạm dịch: Cầm lái ô tô) của đạo diễn người Nhật – Ryusuke Hamaguchi. Phim gửi gắm thông điệp chữa lành trong một thế giới đầy những vết thương.

Cũng như với Ký sinh trùng của Boong Joon-ho (phim Hàn Quốc từng đoạt giải Oscar 2020 cho phim hay nhất), những người tìm kiếm một thứ điện ảnh đích thực sẽ không chỉ xem các bộ phim này một lần. Cái hay, ngụ ý, ngôn ngữ điện ảnh, thông điệp đến từ hai nền điện ảnh phát triển nhất châu Á cần được mổ xẻ nhiều hơn.

Misaki và Kafuku trong một cảnh phim.

Với Drive My Car, đạo diễn Ryusuke Hamaguchi đã sử dụng triệt để những chất liệu độc đáo nhất từ truyện ngắn cùng tên và một số chi tiết của các truyện khác trong tập truyện Thế giới đàn ông không có đàn bà của nhà văn Haruki Murakami (bản dịch tiếng Việt của Trương Thùy Lan do Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành). Có thể nói, bằng tài năng của mình, đạo diễn bộ phim thu nhận một cách tinh tế những gì làm nên nguồn rung cảm với người đọc từ bầu khí văn chương Murakami.

Chiếc ô tô – biểu tượng cô đọng của những chiều kích đối lập: sự đóng kín và cởi mở, tĩnh và động, cô độc và kiếm tìm trong đời sống con người đô thị đương đại, được Murakami nhiều lần đưa vào các tiểu thuyết ăn khách của mình. Bối cảnh một tâm hồn nặng nề trong khoang lái mờ tối, một chặng đường buồn bã đơn điệu, âm nhạc cất lên từ radio bên trong xe… – tất cả sắc thái u uẩn đó nhiều lần đi vào hình dung của người đọc các trang sách, nay được trải lên màn ảnh bằng thủ pháp điện ảnh hướng nội mà mạch lạc của Ryusuke Hamaguchi.

Chuyện phim kể về khoảng thời gian đạo diễn Yusuke Kafuku (Hidetoshi Nishijima đóng) đến thành phố Hiroshima để dựng một vở kịch. Tại đây, ông gặp lại trong ê kíp làm việc một nam diễn viên trẻ triển vọng. Anh ta không ai khác, là người tình của vợ ông – Oto Kafuku (Reika Kirishima đóng). Với sự điềm tĩnh của người từng trải, Kafuku phủ đậy bản thân bằng vẻ dửng dưng và đè nén nỗi đau âm thầm trỗi dậy. Ông gặp các tình thế khó khăn và tìm cách né tránh để lướt qua trong các cuộc gặp gỡ với chàng diễn viên trẻ.

Thời gian đó, người bên cạnh ông và cầm lái cho chiếc ô tô màu đỏ của ông là Misaki Watari (Tôko Miura đóng), một cô gái có bộ dạng bụi bặm, trầm lặng và luôn tỏ ra phớt đời. Ban đầu, sự kết nối của họ trong thế giới nhỏ bé của chiếc Saab 900 là những quãng lặng im và đứt gãy.

Ngoài nhiệm vụ đưa Yusuke Kafuku đi đến các điểm tập kịch, các quầy rượu khuya, Misaki Watari chỉ nhận thêm một nhiệm vụ: bật các bản ghi âm của những đoạn kịch rời rạc, sầu muộn để Kafuku ngồi ở khoang ghế khách, chìm vào thế giới riêng. Họ chỉ là những cộng sự, không hơn. Họ đứng ngoài cuộc đời tự phong tỏa của nhau.

Nhưng ngôn ngữ từ vở kịch đứt quãng và lạnh lẽo như các tảng băng tan trên mỗi chuyến xe dần dà là một sợi dây nối kết họ, để họ đi dần đến sự chia sẻ. Kafuku day dứt vì trong quá khứ, nếu mình về nhà sớm hơn, thì bi kịch hôn nhân đã không xảy ra, vợ anh đã không chết trong đơn độc. Còn Watari tuy có bề ngoài mạnh mẽ, bất cần nhưng đã nhiều năm sống với nỗi dằn vặt vì đã không thể cứu mẹ của mình trong một cơn hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà nơi miền quê hoang vắng. Họ đã đối thoại với nhau từ vết thương riêng của đời mình.

Họ đều đã vượt qua một chặng đường rất xa để đến một thành phố hồi sinh sau tro tàn Thế chiến thứ Hai. Chiếc xe “turbo” (tăng áp động cơ) cứ trôi đi trong đêm tối giữa những tòa nhà, ánh đèn, giữa những chiếc xe khác (chắc gì không mang trong nó những vết thương, những cuộc đời cũng “tăng áp động cơ” và kín bưng khắc khoải!).

Có lẽ ngôn ngữ điện ảnh đẹp nhất, rung động nhất trong bộ phim là khi Kafuku và Watari chịu mở lòng kể về bi kịch riêng. Khi đó, chiếc xe vẫn trôi trong thành phố, cửa sổ trời được mở ra và họ đốt thuốc, thả khói lên trời. Hai đốm thuốc đưa lên phía trên cửa sổ trời của chiếc ô tô như hai con mắt sầu muộn, le lói, nhập nhòa, trôi nổi trong ngàn ánh đèn đô thị.

Hai đốm thuốc đưa lên phía trên cửa sổ trời của chiếc ô tô như hai con mắt sầu muộn, le lói, nhập nhòa, trôi nổi trong ngàn ánh đèn đô thị.

Khi lý giải vì sao văn hóa đại chúng Nhật len lỏi vào xã hội Mỹ đương đại, nhà văn Roland Kelts đã nhắc đến các tác phẩm của Murakami. Ông cho rằng “chủ nghĩa khắc kỷ” nơi các nhân vật của Murakami đã tạo ra một sự tiếp chạm tâm hồn con người hiện đại.

Nhưng xa hơn những gì Roland Kelts nhìn thấy có lẽ là những cuộc mệt mỏi kiếm tìm chìa khóa cho sự khủng hoảng tâm lý, nói cho đúng là những trục trặc bản thể từ bên trong các nhân vật. Và xa hơn nữa là sự cởi mở kho tàng vết thương trước khi đi đến hành trình chữa lành và giải thoát khỏi khủng hoảng.

Điều này ta cũng dễ thấy trong hành trình của Toru trong Rừng Na Uy (một tiểu thuyết bán chạy của Murakami, đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên). Ta cũng gặp nơi Oto – vợ của Kafuku: sau cơn chấn thương tinh thần vì mất đứa con gái, cô có nhu cầu viết ra những ký ức tồn lưu và xáo động bên trong tâm hồn, cô lạc lối trong cuộc tình vụng trộm. Là cậu diễn viên trẻ thấy trống rỗng trong mối quan hệ với cô. Và người chồng (Kafuku) với những day dứt về lòng chung thủy của vợ, không bước qua được nỗi đau bị phản bội…

Bộ phim Drive My Car mang “căn phòng” đặc biệt bên trong mỗi người đặt vào trong không gian đóng kín của chiếc ô tô và chuyển động như cách thế số phận đặt mỗi người lên một hành trình. Câu chuyện được “lái” đi theo một cách thú vị cùng những đứt gãy, những giai điệu của ngờ vực và bao dung, của thấu cảm và chia sẻ.

Và cho cùng, tha nhân không hoàn toàn là địa ngục như cách mà một triết gia hiện sinh đã nói. Thông điệp chữa lành rõ ràng nhất nằm ở cái kết của bộ phim. Sau lớp khẩu trang (đưa người xem trở về bối cảnh đại dịch), vết sẹo trên khuôn mặt cô gái trẻ Watari bấy lâu cô giữ lại để tự dằn vặt bản thân nay đã biến mất. Cô bước ra khỏi siêu thị thời giãn cách và mở cửa chiếc xe Saab 900, bên cạnh là con chó cưng ngoan ngoãn vẫy đuôi.

Ta không còn thấy vẻ mặt nặng nề và lạnh lẽo của cô gái, mà phía sau vô lăng đã thoáng một nụ cười bước trên khổ đau. Đó chẳng phải là cái kết có hậu mà thế giới đầy tổn thương này đang chờ đợi?! Chúng ta có thể tự hỏi Kafuku đâu rồi? Và câu trả lời có thể là: dù ở đâu trong thế giới này, vết thương ở vùng tối thẳm sâu trong ông hẳn cũng đã được soi sáng và chữa lành!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới