(KTSG Online) - Dự báo lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động từ 3-4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đưa ra là kiểm soát lạm phát năm 2025 khoảng 4,5%.
- Lạm phát ổn định và nền kinh tế tiếp tục xu hướng hồi phục
- Lạm phát của Mỹ giảm xuống gần hơn với mục tiêu 2% của Fed
Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025” do Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính và Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 9-1, TTXVN đưa tin.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính, bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024. Giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.
Với chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ gần đây. Trong năm 2025, nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3% (+/- 0,5%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4-4,5% được Quốc hội thông qua.
Theo Cục Quản lý giá, trong năm 2025, quản lý giá, điều hành giá sẽ gặp những thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá nhiên liệu, giá vật liệu xây dựng, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình; giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...
Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, Cục Quản lý giá cho rằng, việc quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân. Cùng với đó là chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới để kịp thời cảnh báo nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước…
Bộ Tài chính cũng tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường; thực hiện đánh giá kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.