Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dự báo thị trường nông sản thương phẩm: thay đổi để tồn tại

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Niên vụ cà phê 2022-2023 chỉ còn nửa tháng cuối cùng. Trải qua một năm đầy rẫy khó khăn từ nguồn tín dụng, điều kiện giao dịch và thị trường hạn chế. Cộng với nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô và địa chính trị thay đổi phức tạp chưa từng thấy, nhiều khi giới kinh doanh xuất khẩu và nhà vườn cứ như mất phương hướng.

Dù gặp đủ khó khăn, giá cà phê nguyên liệu trong nước vẫn có dịp dâng cao lên mức kỷ lục lịch sử với 70 triệu đồng/tấn. Nay vẫn còn treo mức cao quanh 65 triệu đồng/tấn trong một tình huống khá éo le kẻ thua người thắng. Bao giờ cũng thế, cứ đến gần niên vụ mới, bắt đầu từ ngày 1-10 hàng năm, nhà vườn và giới kinh doanh trong và ngoài nước cố tìm hiểu hướng giá với các dữ liệu và lý lẽ phù hợp nhất cho hoạt động kinh doanh của mình để mong tránh được rủi ro có thể xảy ra khi thị trường ngồn ngộn thông tin thật có giả có.

Nhưng dự báo thị trường nay cũng chẳng dễ chút nào.

Phức tạp của dự báo thị trường

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát rồi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, không ít người làm công việc dự báo kinh tế và thị trường đành phải nghi ngờ với công việc của mình, nhất là khi ngân hàng trung ương các nước giàu tung tiền ra ào ạt để, với một niềm tin mãnh liệt, tạo thanh khoản và bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Và hệ quả là cả thế giới bị rơi vào tình cảnh “bóng đè lạm phát.”

Công việc dự báo kinh tế nói chung và từng thị trường nói riêng như “mất phương hướng” (lost). Chính thống đốc các ngân hàng trung ương thổ lộ như thế ngay tại hội nghị thượng đỉnh Jackson Hole (Mỹ) diễn ra cuối tháng trước. Tư lệnh ngành ngân hàng Vương Quốc Anh, giữa cuộc họp, thẳng thắn nói công việc dự báo kinh tế nay đã “vỡ trận” (broken).

Lý do thì có nhiều nhưng tóm tắt có thể kể: một là dịch Covid và đặt biệt là thời kỳ hậu Covid đã làm méo mó tình hình; hai là các ngân hàng trung ương can thiệp quá mức kể từ cuộc khủng hoảng 2008, rồi khủng hoảng đồng euro và khủng hoảng Covid đã làm sai lệch hoạt động tự nhiên của nền kinh tế; ba là nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều cuộc cách mạng: cách mạng nhân khẩu học, cách mạng công nghiệp với số hóa và trí tuệ nhân tạo, cách mạng xã hội với vấn đề nơi làm việc và cách mạng khí hậu với sự cấp bách của quá trình chuyển đổi sinh thái. (Chỉ một trong những cuộc cách mạng này đủ khiến mọi dự đoán trở nên phức tạp!); bốn là cuộc chiến ở Ukraine, rồi căng thẳng lớn giữa Trung Quốc và Mỹ và những biến động địa chính trị. Đến nay, ta có thể hiểu phần nào tại sao việc dự báo kinh tế và thị trường trở nên khó khăn đến vậy.

Thị trường nông sản nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng không chỉ bị tác động bởi bài đồng ca khó chịu trên. Các biến tấu khác sẽ làm diễn biến giá cả thêm “lạc bè” như hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, hạn hán làm mực nước các tuyến đường thủy không đủ để bảo đảm cho tàu bè lưu thông gây ách tắc chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của từng nước với hàng rào kỹ thuật chằng chịt… Nên đâu có sai khi các nước sản xuất than lực bán bị hạn chế.

Vai trò của sàn giao dịch thương phẩm nhỏ dần

Đến nay, quan niệm giá trên các sàn giao dịch thương phẩm (commodities) là “kim chỉ nam” cho thị trường, là nơi phản ánh cán cân cung-cầu một mặt hàng giao dịch vẫn còn tồn tại. Nhưng các hoạt động về vốn và tồn kho suốt vài năm trở lại đây cho thấy vai trò ấy teo dần, nhất là đối với ngành hàng cà phê.

Thật vậy, các nhà kinh doanh xuất khẩu hàng thực (physicals) không còn mặn mà với các điều kiện kiểm định chất lượng hàng đạt chuẩn phục vụ sàn kỳ hạn, cấu trúc giá của hàng được quyền đấu giá quá lạc hậu vì không theo kịp mạch thị trường bên ngoài.

Đơn cử như giá cà phê nguyên liệu robusta của Việt Nam tại thời điểm thượng tuần tháng 9-2023 đạt mức 65 triệu đồng/tấn tương đương với 2.703 đô la Mỹ/tấn (tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng: 24.050). So với giá đóng cửa vào ngày 8-9-2023 sàn robusta London kỳ hạn tháng 11-2023 là 2.407 và tháng 1-2024 là 2.311 đô la/tấn, giá cà phê nguyên liệu trong nước cao hơn giá kỳ hạn xấp xỉ 300 đô la và 400 đô la/tấn (tương ứng).

Thế mà hàng cà phê chất lượng Liffe loại 2 (do sàn robusta London quy định - nghiêm ngặt hơn nhiều so với hàng nguyên liệu) chỉ bán được trên sàn với giá trừ 30 đô la/tấn so với giá niêm yết giao hàng tại kho được chỉ định tại châu Âu. Cách nhau một trời một vực!

Chính vì vậy, giới kinh doanh cà phê không bất ngờ khi tồn kho đạt chuẩn cả hai sàn cà phê kỳ hạn robusta và arabica giảm cùng cực.

Nếu như cuối niên vụ 2017-2018, tổng khối lượng tồn kho đạt chuẩn (certs) của cả 2 sàn chừng 300.000 tấn, trong đó robusta chừng 180.000 tấn, thì đến nay giới kinh doanh rút tồn kho này ra rất nhiều. Tính đến ngày 7-9-2023, tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn robusta London còn 35.280 tấn và arabica New York 27.505 tấn. Con số ở mức thấp nhất tính từ nhiều năm nay.

Chất lượng đã ngặt nghèo, giá thì cực thấp, chi phí chuyên chở đến tận kho châu Âu và tiền trả lưu kho lớn thì không ai dại để nhắm chuyện đưa hàng lên sàn kỳ hạn để bán cả.

Cũng dễ hiểu vì giới kinh doanh các kiểu trên hai sàn cà phê (hàng thực và hàng giấy) chịu không siết với lãi vay cao, tín dụng giảm, trong khi người mua hàng đạt chuẩn mù mờ bất định.

Bỏ suy nghĩ cũ, tìm cách làm dự báo mới

Như vậy, có thể nói trong cuộc tranh nhau làm giá, giới kinh doanh hàng thực và các nước sản xuất “bất chiến tự nhiên thành”. Vì không cần kêu gọi lòng thương xót từ giới kinh doanh tài chính (đầu cơ) trên sàn, nhà xuất khẩu thấy ở đâu chấp nhận mua giá cao hơn là bán. Nhiều nhà kinh doanh có tiếng quốc tế đã tháo chạy khỏi sàn vì các lý do trên. Nghe rằng có nhiều người rút hàng tồn kho đạt chuẩn để đem về lại các nước sản xuất hay nơi nào cần, để chủ động bán nếu như chênh lệch giá đạt lợi nhuận dương.

Nên chăng, để khỏi lầm đường, thông tin và dự báo giá từ sàn hàng hóa thương phẩm của các sàn kỳ hạn từ nay nên chỉ nghe một nửa lỗ tai vì hầu hết đều nhuốm màu đầu cơ tài chính. Người kinh doanh hàng xuất khẩu và các hiệp hội ngành hàng giờ đây cần phân biệt đâu là thông tin chuyên nghiệp phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình, đâu là để phục vụ cho giới đầu cơ tài chính.

Hiệu lực, độ bền của các dự báo về giá ngành hàng nông sản vì thế mà rất chóng vánh, thiếu bền vững. Vì thế, việc đoán giá thị trường từ nay nên làm cách khác, chuyên nghiệp hơn, có cập nhật đủ các thay đổi không chỉ cho ngành hàng của riêng mình mà các yếu tố quan trọng từ bên ngoài có thể làm trục giá thay đổi trong vòng một đêm.

Thay đổi cách suy nghĩ và làm công tác dự báo thị trường nông sản nói chung, ngành cà phê nói riêng, từ nay xem ra là rất cần thiết nếu muốn hoạt động kinh doanh này tồn tại lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới