Đủ kiểu mua sắm thời di động
Minh Phương
(TBVTSG) - Các nhà bán lẻ thời trang đang tìm cách thích ứng với một thế giới đang chịu sự “thống trị” của điện thoại thông minh và truyền thông xã hội.
Với những gì đang diễn ra trong ngành bán lẻ, thời trang và điện thoại thông minh dường như là một cặp trời sinh.
Đơn giản, lôi cuốn hơn
Sử dụng công nghệ quẹt màn hình điện thoại thông minh, công ty công nghệ Bijou Commerce (Anh) đang giúp người tiêu dùng tìm kiếm trang phục ưng ý nhất. Nền tảng của công ty này cho phép các ứng dụng thời trang, làm đẹp cung cấp tính năng duyệt hình ảnh đơn lẻ trên màn hình. Khách hàng có thể quẹt về bên phải nếu họ thích một sản phẩm nào đó và về bên trái nếu không thích. Làm việc với những nhà bán lẻ như Nobody’s Child, Bijou đang thực hiện sứ mệnh giúp việc mua sắm sản phẩm thời trang trở nên đơn giản và lôi cuốn hơn. “Hầu hết ứng dụng và trang web di động của nhà bán lẻ hiển thị 4-12 kiểu trang phục trên một màn hình. Những hình ảnh này trông nhỏ trên hầu hết màn hình điện thoại thông minh, khiến cho từng sản phẩm một khó có thể trở nên nổi bật trong mắt người mua sắm. Đối với các thương hiệu thời trang, tài sản lớn nhất là hình ảnh, nên kiểu duyệt hình ảnh đơn lẻ này đóng vai trò quan trọng”, bà Beth Wond, Giám đốc điều hành công ty Bijou, giải thích.
Những gì Bijou theo đuổi chỉ là một ví dụ cho thấy các nhà bán lẻ thời trang đang thích ứng ra sao với một thế giới đang chịu sự “thống trị” của điện thoại thông minh và truyền thông xã hội. Một ví dụ khác là dịch vụ tìm kiếm Fynd – có phiên bản web (Fynd.me) cùng với phần mềm ứng dụng – cho phép người mua sắm tìm được trang phục ưng ý dựa trên sở thích của họ. Chẳng hạn như những ai muốn tìm trang phục đi dự tiệc có thể tham khảo một danh sách có sẵn của dịch vụ. Sau đó, họ nhấp chuột (chạm) vào biểu tượng trái tim trên những trang phục ưa thích. Một thuật toán sẽ giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm dựa trên sở thích của người sử dụng (kiểu dáng, màu sắc…). Bà Charese Embree, nhà đồng sáng lập Fynd, cho biết dịch vụ này ra đời nhằm giúp người mua sắm tìm bộ trang phục hoàn hảo như ý. Công ty đang hợp tác với các chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp, như Bloomingdales, để đưa sản phẩm của họ lên công cụ tìm kiếm này.
Một xu hướng mới khác là những người chuyên viết về thời trang trên mạng xã hội cho người theo đọc (follower) cơ hội mua sản phẩm tức thì. Những nền tảng như Like To Know It kết nối trực tiếp tài khoản Instagram của chuyên gia thời trang với nhà bán lẻ. Điều này giúp người theo đọc có thể mua sắm ngay tại bài viết về những trang phục, phụ kiện họ yêu thích. Nhà bán lẻ thời trang cao cấp Yoox Net-a-Porter (Ý) thậm chí còn đi xa hơn khi phát triển ứng dụng truyền thông xã hội của riêng mình, gọi là The Net Set. “Sự trỗi dậy của truyền thông xã hội và blog thời trang cho thấy người ta có thể được truyền cảm hứng bởi phong cách của người khác. Vì thế, The Net Set đã được chào đời để kết nối người tiêu dùng, nhà thiết kế và các thương hiệu thời trang theo thời gian thực”, ông Alex Alexander, Giám đốc thông tin của Yoox Net-a-Porter, giới thiệu.
Tương tác theo thời gian thực
Các nhà bán lẻ thời trang cũng không bỏ qua những nội dung xã hội có thể xem được, như video trên trang YouTube. Thương hiệu thời trang Very (Anh) đã bắt tay với một số ca sĩ để cho ra mắt video âm nhạc “có thể mua sắm được” đầu tiên trên thế giới. Người xem có thể nhấp chuột vào bất kỳ sản phẩm thời trang nào ưa thích xuất hiện trong video và mua nó tức thì thông qua tính năng TrueView của Google (cho phép mua sắm tương tác với nội dung quảng cáo trong video). Bà Jodie Butt, người phụ trách quan hệ công chúng của Công ty Cake Group (Mỹ) và cũng là người giúp tạo ra video nói trên, nhận định nội dung được nêu là một phần quan trọng trong cuộc sống của đối tượng người tiêu dùng rành công nghệ số và mạng xã hội nên các thương hiệu cần nỗ lực nhiều hơn để gây ấn tượng mạnh với họ. Theo bà Butt, đoạn video đã mang lại cho Very 1,4 triệu bảng Anh khi người tiêu dùng chuyển từ xem video sang mua sắm.
Bà Tammy Smulders, Giám đốc quản lý nền tảng thời trang trực tuyến Luxhub, tin rằng phương thức mua sắm hàng hóa tương tác hơn theo thời gian thực, như những gì Very đã làm, đang ngày một phổ biến và là hướng đi tất yếu của ngành công nghiệp bán lẻ trong thời gian tới. Tại Hồng Kông, ứng dụng mua sắm thời trang Goxip cho phép người sử dụng hướng điện thoại về phía người nổi tiếng và mua trang phục, phụ kiện thời trang họ đang khoác trên người. Còn ứng dụng Snap Fashion (Anh) sử dụng công nghệ nhận biết hình ảnh để đối chiếu hình ảnh người sử dụng chụp với những trang phục cùng loại hoặc tương tự có trên mạng hoặc tại cửa hàng gần đó để họ có thể mua. Không dừng lại ở đó, công ty thực tế ảo tăng cường Blippar (Anh) bắt tay với hãng thẻ thanh toán Visa và nhà thiết kế Henry Holland để cho ra mắt mô hình trình diễn thời trang, nơi khán giả có thể có thể chọn mua ngay lập tức những trang phục ưa thích thông qua thiết bị di động.
Không chỉ mua sắm trên mạng, nhiều người trẻ tuổi khi vào cửa hàng thời trang truyền thống cũng sử dụng điện thoại thông minh để tìm hiểu thông tin về sản phẩm và so sánh giá trên mạng trước khi ra quyết định mua. Vì thế ông Simon Richards, Giám đốc đối tác của Blippar, cho biết công ty của ông đang bắt tay với một số chuỗi cửa hàng để thu hẹp khoảng cách giữa thế giới số và thế giới thật, từ đó mang đến cho người mua sắm nhiều thông tin trực quan hơn về mặt hàng đang xem, như thông tin về thương hiệu hoặc tìm hiểu về nguồn cảm hứng của nhà thiết kế đằng sau bộ sưu tập. Phía nhà bán lẻ cũng tiếp cận được những dữ liệu hữu ích, như khách hàng chú ý đến trang phục nào bên trong cửa hàng, để có sự điều chỉnh cần thiết.
Theo BBC