(KTSG Online) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đề xuất với Thủ tướng Chính phủ thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 31-3 tới. Kèm theo đó là các giải pháp giúp việc đón du khách quay lại thuận lợi hơn.
Trong ngày đầu tiên của năm mới Nhâm Dần 2022, KTSG Online lược lại những đề xuất mà cơ quan quản lý du lịch đã "đặt lên bàn" người đứng đầu chính phủ.
- Doanh nghiệp lữ hành bắt đầu chào tour du lịch nước ngoài định kỳ
- Khẩn trương cấp phép hãng hàng không nước ngoài đưa người Việt về nước
Tiện lợi hơn với du khách, doanh nghiệp
Trong đề xuất của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, những quy định với du khách quốc tế nên là tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19, ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh.
Trẻ em và người chưa tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 sẽ có quy định riêng. Du khách cũng cần có chứng nhận xét nghiệm RT-PCR âm tính với Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Quy định hiện tại là khách phải có giấy xét nghiệm có kết quả tính 72 giờ trước khi nhập cảnh nhưng doanh nghiệp cho rằng không hợp lý, đặc biệt với những người đến từ các thị trường xa, cần nhiều thời gian mới có thể đến Việt Nam.
Thêm vào đó, khách du lịch phải mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 đô la Mỹ.
Hiện nay, do quy định chỉ có những doanh nghiệp được phép mới có thể đón khách cho nên trong giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, chỉ mới có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 82 cơ sở lưu trú du lịch, 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ, 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển được tham gia.
Trong đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ đề xuất cho tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được đón du khách quốc tế nhằm tạo cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp và tăng cường khả năng thu hút khách cùa điểm đến.
Bộ cũng kiến nghị nhiều đầu việc với các bộ, trong đó có ban hành hướng dẫn thủ tục nhập xuất cảnh, đảm bảo an toàn y tế tại các cửa khẩu quốc tế và triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Thống nhất áp dụng công nghệ chung (app điện thoại) trong việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch từ lúc nhập cảnh, xuất cảnh và trong quá trình tham gia các chương trình du lịch.
Thêm vào đó là tăng cường đàm phán nhằm tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng, hay còn gọi là "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới.
Tháo gỡ rào cản về thị thực
Trong phần kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không đề cập đến việc nối lại chính sách thị thực như hồi trước dịch.
Tuy nhiên, nội dung này lại được đề cập đến trong phần tổng kết nội dung của hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa du lịch. Hội thảo được tổ chức vào ngày 24-1, với sự tham gia của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý du lịch cùng đại diện nhiều bộ, ngành.
Theo đó, để chuẩn bị mở cửa du lịch hoàn toàn, đề nghị áp dụng trở lại chính sách miễn, giảm thị thực nhập cảnh như trước khi có dịch bệnh Covid-19 để tăng cường khả năng cạnh tranh điểm đến của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, với thị trường Nga, hiện các doanh nghiệp đón khách du lịch quốc tịch Nga phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét và nhận kết quả trong hai ngày làm việc.
Chính sách này gây khó khăn cho du khách thị trường Nga, vốn có nhiều du khách đặt tour 2-3 ngày trước khi khởi hành và thường chọn những điểm đến được miễn thị thực.
Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với khách quốc tịch Nga.
Việc nối lại chính sách này sẽ tạo nhu cầu cho khách du lịch và tăng tính cạnh tranh điểm đến với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Campuchia...