(KTSG Online) - Ngành du lịch Đà Nẵng hiện nay đang chứng kiến sự khởi sắc khi đang đón một lượng lớn khách du lịch, thậm chí có thời điểm cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019 – lúc chưa có dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc vẫn còn những trở ngại phải giải quyết ngay từ lúc này để ngành du lịch có thể phục hồi bền vững.
Theo nhận định của ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thành phố biển miền Trung này đang là một trong những điểm đến có sự phục hồi khách ấn tượng nhất so với cả nước.
“Có những thời điểm Đà Nẵng đón 120 chuyến bay/ngày, cao hơn 20% so với cùng kỳ dịp hè năm 2019, chưa kể đường bộ và tàu hỏa, nằm ngoài mong đợi của ngành du lịch”, ông Dũng nói.
Có cùng quan điểm với ông Dũng, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho hay các doanh nghiệp lưu trú thực sự ấn tượng về sự hồi phục nhanh chóng của du lịch Đà Nẵng trong tình hình chỉ dựa vào thị trường nội địa.
“Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hầu như kín phòng dịp cuối tuần, lên tới 80-100%. Ngoài khách lẻ, khách đoàn thì còn có nhiều đoàn khách MICE lên tới hàng ngàn người”, ông Quỳnh nói.
Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, với gần 80% các khách sạn nghỉ dưỡng mở cửa và hầu như kín phòng thì chúng ta cũng không thể lạc quan quá sớm khi mùa hè vẫn chưa kết thúc. Nếu chỉ dựa vào thị trường nội địa thì từ cuối tháng 8 trở đi Du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ bước vào mùa thấp điểm ảm đạm.
“Mặc dù các tín hiệu rất tốt từ thị trường Hàn Quốc và Thái Lan đang tăng trưởng nhanh thì chúng ta vẫn chưa có nhiều thông tin khi nào các chuyến bay từ thị trường vốn lớn nhất Đà Nẵng là Trung Quốc sẽ được khởi động lại”, ông Quỳnh nói.
Chia sẻ thêm về những vấn đề của du lịch Đà Nẵng, theo ông Cao Trí Dũng, thách thức lớn nhất nằm ở thời điểm sau 15-8 khi khách nội địa giảm nhiều. “Lúc này câu hỏi là làm sao để doanh nghiệp duy trì hoạt động khi mùa cao điểm khách nội địa đi qua và khách du lịch quốc tế vẫn chưa quay lại ổn định”, ông Dũng chia sẻ. “Hơn nữa là khi doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm cách trả nợ tài chính cho các khoảng vay cũ và mới để hoạt động”.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng hiện nay đang phải tìm cách “giải bài toán khó”. Đó là đối tác đã đưa khách trở lại Đà Nẵng nhưng họ lại chưa có tiền trả nợ cũ. Các công ty và ngân hàng mà doanh nghiệp vay lâu nay lại đang đòi nợ gắt gao, trong khi ngân hàng thì tăng lãi suất và hạn chế cho vay với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và vận chuyển.
Để giải quyết phần nào vấn đề này, cả hai doanh nhân trong ngành du lịch đã chia sẻ quan điểm tương đồng rằng nên phục hồi các thị trường quốc tế có tiềm năng trước mắt càng sớm càng tốt như Thái Lan, Ấn Độ, Châu Âu, Úc, Mỹ, kể cả hội chợ cuối năm để có nguồn khách ổn định sau khi khách nội địa giảm.
Ông Quỳnh gợi ý thêm: “Đà Nẵng cần có nhiều chủ đề quảng bá mới cho các thị trường đã thành truyền thống tại Đà Nẵng như Hàn Quốc, Nhật Bản chẳng hạn như đám cưới, tour chụp hình “ảo”, sự kiện MICE độc đáo…”
Về phía quản lý nhà nước, trao đổi với KTSG Online, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, thừa nhận hiện nay Đà Nẵng đang gặp một vài thách thức trong khôi phục du lịch. Đó là sự canh tranh sản phẩm mới và chính sách thu hút khách linh hoạt của các điểm đến trên thế giới và trong nước, giá thành dịch vụ tăng cao khi giá nhiên liệu tăng cao, thiếu nhân lực du lịch đặc biệt là nhân sự cấp cao, có tay nghề, thị trường du lịch quốc tế phục hồi chậm do các chính sách mở cửa khác nhau của các nước...
“Chúng tôi sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thị trường, xúc tiến khôi phục trở lại các đường bay quốc tế, khai thác thêm đường bay mới bao gồm Ấn độ, Philippines, tổ chức đón đoàn Famtrip Đông Nam Á, Nhật Bản…”, bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cũng cho biết thêm rằng Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hình thành các liên minh kích cầu, liên minh khai thác chuyên từng nhóm thị trường...
Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ định hướng, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, nghiên cứu phát triển các dịch vụ/sản phẩm du lịch gắn với tư duy sáng tạo đột phá, ứng dụng công nghệ, gắn với thiên nhiên, văn hóa lịch sử truyền thống, cộng đồng người dân.