Thứ Sáu, 29/09/2023, 05:15
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Du lịch hành hương: Những điều nên biết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch hành hương: Những điều nên biết

Giang Phong thực hiện

Du khách Việt trên sông Hằng, Ấn Độ. Ảnh do Công ty TNHH Đạo Phật Ngày Nay cung cấp.

(TBKTSG Online) – Sau nội dung “Du lịch tâm linh nhìn từ góc độ nhà tổ chức tour” được đăng tải tại đây, một số bạn đọc đã có câu hỏi liên quan cụ thể đến lĩnh vực du lịch tâm linh. Kỳ này, TBKTSG Online mời tiến sĩ Phật học, Đại đức Thích Nhật Từ, Giám đốc Công ty TNHH Đạo Phật Ngày Nay (quận 10, TPHCM) trả lời cho bạn đọc.

– Đọc bài “Du lịch tâm linh nhìn từ góc độ nhà tổ chức tour” trong mục Tư vấn du lịch của TBKTSG Online, tôi chợt nhận ra có nhiều giá trị khác từ những chuyến hành hương chứ không chỉ đơn giản là những chuyến đi nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng. Tuy nhiên, nội dung chưa được phân tích rõ lắm, vậy xin vui lòng giải thích thêm về giá trị du lịch tâm linh đối với giới phật tử. (Ngọc Sơn – Đà Lạt)

Đại đức Thích Nhật Từ: Ngoài các giá trị của ngành du lịch xanh, khách du lịch tâm linh còn được cung cấp các giá trị sau: Về phương diện lịch sử, các tour du lịch tâm linh mang đến cho khách hành hương cái nhìn bao quát về bối cảnh lịch sử ra đời và phát triển của đạo Phật, bên cạnh các giá trị thẩm mỹ từ nghệ thuật, kiến trúc của tự viện, bảo tháp và các pháp khí Phật giáo tại các khu Phật tích.

Về phương diện niềm tin, khách hành hương có cơ hội xác định niềm tin của mình đối với Đức Phật như người đưa đường chỉ lối. Niềm tin sẽ giúp cho khách hành hương cảm nhận được các giá trị thiêng liêng trên đất Phật và các danh thắng Phật giáo nói chung.

Về phương diện tâm linh, sau chuyến hành hương nhiều du khách đã có những thay đổi về tư duy và hành xử cuộc sống hướng thiện, hiểu rõ về ý nghĩa nhân sinh và giá trị cuộc sống; nhờ đó, sống sâu sắc hơn cho chính mình, cho người thân và cho xã hội.

Thời gian chiêm bái Phật tích chính là cơ hội trải nghiệm đời sống tâm linh hiệu quả nhất thông qua hành thiền, tụng niệm, lễ bái, kinh hành. Theo đó, tâm thức được chuyển hoá, đạo đức được thăng hoa; an lạc hạnh phúc có mặt.

– Các tour hành hương Phật giáo ra nước ngoài thường đến quốc gia nào? (Văn Công Hoàng, Hồ Huỳnh Phi, Mai Sơn – TPHCM; Nguyễn Ngọc – Vũng Tàu; nguyenhung@….)

Đại đức Thích Nhật Từ

– Xin mạn phép phân thành 3 nhóm gồm: (1) Chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal; (2) Chiêm bái tứ đại danh sơn Phật giáo tại Trung Quốc và thánh tích Phật giáo Tây Tạng; (3) Tham quan thánh tích Phật giáo ở các nước khác. Trong đó, nhóm 1 được xem là quan trọng nhất vì tính thiêng liêng của nó gắn liền với dấu chân hoằng hoá của Đức Phật Thích Ca, người sáng lập đạo Phật, khác với các hình thức đạo Phật tín ngưỡng.

Các tour chiêm bái Phật tích (nhóm 1) hiện chỉ mới dừng lại ở hai bang chính ở Ấn Độ là Bihar (Bồ đề đạo tràng – nơi Phật thành đạo; núi Linh Thứu – nơi Phật giảng kinh điển đại thừa) và bang Utta Pradesh (Sarnath – nơi Phật chuyển pháp luân; Xá Vệ – nơi Phật trải qua 24 mùa an cư; Tỳ Xá Ly – nơi Phật độ 500 nữ tu và Kusinaga – nơi Phật nhập niết bàn vô dư). Tuy nhiên, khai thác hết công năng của chương trình tour hay không vẫn là vấn đề đối với nhà tổ chức tour.

Đối với nhóm tour hành hương 2, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn, cảm nhận khung cảnh trang nghiêm ở tứ đại danh sơn Phật giáo, cũng như cung điện Potala huyền bí của Phật giáo Tây Tạng. Số lượng tour tổ chức đi tứ đại danh sơn Phật giáo ngày càng giảm vì giá tour thường cao hơn các chuyến Phật tích và khách phải mất thời gian từ 2 đến 3 tuần, trong khi các tour Tây Tạng lại tăng trưởng quá ít vì những khắc nghiệt thời tiết tại xứ băng tuyết này.

Các tour danh thắng Phật giáo còn lại chỉ mới khai thác ở Thái Lan và gần đây là Miến Điện và Đài Loan, Nepal, Lào, Campuchia và các nước khác.

– Ngoài hình thức hành hương chiêm bái đến các chùa chiền và thánh địa Phật giáo, các tour hành hương còn có thể đáp ứng nhu cầu thư giãn cho du khách? (Ngọc Sơn – Đà Lạt; Thế Dũng, Hồ Huỳnh Phi – TPHCM)

Đại đức – Tiến sĩ Phật học Thích Nhật Từ từng du học tại Ấn Độ bảy năm. Trong vòng hai năm qua, Đại đức đã hướng dẫn nhiều chuyến hành hương chiêm bái tại các thánh tích Phật giáo.

Năm 2009, Đại đức là nguồn cảm hứng cho đoàn làm phim VTV thực hiện 10 tập ký sự «Những nẻo đường của Đức Phật Thích Ca» phát sóng trên kênh truyền hình VCTV1 và VTV4 cho kiều bào Việt Nam tại nước ngoài.

– Hiện nay, còn nhiều điểm đến hấp dẫn chưa được các nhà tổ chức tour hành hương khai thác như Dharamsala, nơi Đức Dalai Lama đã từng và cư dân Tây Tạng đang cư trú; và Nam Ấn gồm tháp Sanchi, quần thể hang động Phật giáo Allora và Ajanta cũng như một số hang động Phật giáo tại Elephanta, Bombay với các công trình kiến trúc đặc sắc trong lòng núi có một không hai trên hành tinh này.

Tôi cho rằng nếu các nhà tour đầu tư vào các tour hành hương nêu trên thì nội dung chiêm bái Phật tích sẽ toàn diện hơn, phản ánh sức sống Phật giáo thời trung cổ và cận hiện đại bên cạnh các Phật tích thường gắn liền với thời cổ đại. Tuy nhiên, để phát triển các tiềm năng du lịch tâm linh, nhà tổ chức tour phải bảo đảm từ chất lượng đến sự hài lòng của khách hành hương, theo đúng nghĩa của từ này.

– Tôi biết nhiều người tham gia những chuyến hành hương trong nước với chi phí rất thấp, mọi phương tiện, tiện nghi đều kém (thậm chí ăn, nghỉ trong các chùa) nhưng ai nấy đều rất thỏa mãn, hài lòng về các chuyến đi đó. Theo ông Nguyễn Trung Toàn, Giám đốc Công ty Du lịch & Dịch vụ Hoa Thiền (Zenflower) thì du lịch hành hương cũng phải bảo đảm được nhu cầu vật chất và tiện nghi sinh hoạt cho du khách. Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng rõ ràng điều này sẽ làm cho giá tour cao hơn khả năng tiền bạc của nhiều người có nhu cầu hành hương. Làm thế nào hài hòa hai điều trái ngược ấy? (Thế Dũng – TPHCM)

– Điều kỳ lạ là có nhiều người tuổi thuộc loại “cổ lai hy” ngày thường không khoẻ mạnh, nhưng trong suốt hành trình chiêm bái, với niềm tin bất động, không hề bị đau ốm. Nếu khách hành hương không có được sức mạnh đó có lẽ các nhà tour phải đối mặt với rất nhiều sự than phiền.

Khách hành hương chiêm bái các Phật tích thường không bận tâm nhiều về sự khó khăn của phương tiện giao thông, thời tiết khắc nghiệt, nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng ăn xin tràn lan và sự thiếu thốn thông tin tại các điểm hành hương tại Ấn Độ. Đó là thực tế, nhưng tất nhiên các nhà tổ chức tour cần không ngừng hoàn thiện khâu tổ chức ngày càng hoàn hảo nhằm tạo sự thoải mái cho du khách bên cạnh việc tính toán giá tour phù hợp.

Chiêm bái tượng Phật nhập diệt tại Ấn Độ. Ảnh do Công ty TNHH Đạo Phật Ngày Nay cung cấp.

– Một số người đã đi Ấn Độ về nói rằng đường sá và việc khai thác du lịch ở các nước này còn quá kém, xin cho biết thực hư thế nào? (Văn Công Hoàng, Mai Sơn – TPHCM; Lê Trọng – Nha Trang; nguynhung@…..)

– Trên thực tế, quan ngại lớn nhất là hệ thống giao thông tại các khu Phật tích không thuận lợi như các khu du lịch xanh thông thường ở trong và ngoài nước. Trên lộ trình, có những tuyến đường chưa đến 250km mà phải mất đến 9 giờ lái xe, mà lẽ ra nó không nên quá 4 giờ. Phần lớn các con đường dẫn đến Phật tích còn nhỏ hẹp, nhiều ổ gà, bụi bặm, lại không có các phương tiện vệ sinh công cộng. Đây là những khó khăn không nhỏ đối với du khách quốc tế.

Mặt khác, tại phần lớn các khu Phật tích, khách du lịch phải mua vé vào cổng để tham quan. Văn phòng bán vé tại các khu này lại không cung cấp cho khách hành hương bất kỳ một thông tin hữu ích nào về Phật tích tại đây. Lại cũng không có các phương tiện nghe nhìn nhằm giúp họ có thể hiểu sâu và chi tiết nội dung khu Phật tích mà họ đang chiêm bái, bao gồm các phương diện lịch sử, văn hoá, kiến trúc và các minh triết Phật dạy gắn liền với chúng. Điều đó đã làm cho các tour hành hương lệ thuộc hoàn toàn vào người hướng dẫn, trong khi không phải người hướng dẫn nào cũng làm tốt điều đó.

Vào tháng 11-2004, Chính phủ Ấn Độ tổ chức hội thảo du lịch tâm linh toàn cầu tại Bồ đề Đạo tràng và thủ đô New Delhi nhằm mời gọi giới lãnh đạo Phật giáo thế giới quan tâm nhiều hơn các Phật tích, thông qua đó khích lệ tín đồ phật tử thực hiện các cuộc chiêm bái về nguồn. Nhưng cho đến nay, sau sáu năm thực hiện chính sách, dường như mọi chuyện vẫn chưa quan tâm đúng mức, nhất là về sự cải thiện các lộ trình hành hương.

Hành hương Phật tích tại Ấn Độ. Ảnh do Công ty TNHH Đạo Phật Ngày Nay cung cấp.

– Tham quan các Phật tích, du khách thường không nhớ được những thông tin do hướng dẫn viên thuyết minh tại chỗ vì quá dài, nhất là địa danh cũng như tên nhân vật rất khó nhớ. Chẳng có ai đem giấy bút theo để ghi chép, nên khi trở về chúng tôi quên sạch, hỏi mấy người cùng đi chung chuyến cũng chẳng ai nhớ được gì, còn may là đã chụp khá nhiều hình. Các hãng lữ hành có cách nào giúp thuyết minh ngắn gọn cho du khách dễ nhớ hơn? (Hoàng Ngọc Minh – TPHCM)

– Theo tôi, có hai cách khắc phục các khó khăn và giới hạn nêu trên. Một là nhà tour nên tặng cẩm nang du lịch Phật tích cho du khách; hai là nhờ các chuyên gia hướng dẫn. Hiện nay, Việt Nam đã xuất bản gần 10 tác phẩm về Phật tích bao gồm sách, đĩa hình… Nhà tour chỉ cần mua tặng du khách một quyển cẩm nang, để du khách có thể tham khảo trước khi đến địa điểm hành hương.

Đối với cách thứ hai, nếu đoàn hành hương nào có nhiều tăng ni tham gia thì các nhà tour có thể mời một vị tăng hoặc ni đã tốt nghiệp hoặc đang học tại Ấn Độ làm hướng dẫn hoặc thuyết minh cho đoàn. Trong thời gian qua, tôi đã nghe nhiều phật tử trong các đoàn chiêm bái do các công ty tổ chức cho biết thường họ không đáp ứng được các yêu cầu thuyết minh và thuyết pháp tại các khu Phật tích dẫn đến tình trạng làm cho người chiêm bái nhàm chán với các phế tích tại các Phật tích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới