(KTSG) - Tháng cuối cùng của năm lẽ ra là thời điểm cực kỳ bận rộn của giới kinh doanh du lịch vì phải chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch Tết Dương lịch và Tết Âm lịch nhưng giờ này rất ít công ty có việc để làm. Du lịch lại đối mặt với một mùa Tết thất bát, thậm chí còn buồn hơn Tết trước.
Doanh nghiệp du lịch có hai mùa làm ăn lớn trong năm, gồm mùa lớn nhất là du lịch hè và kế đó là du lịch Tết. Vào năm ngoái, dù du lịch Tết cũng thất bát nhưng doanh nghiệp vẫn có mùa du lịch hè tương đối do đến cuối tháng 7-2020, đợt dịch lần ba mới bùng lên từ Đà Nẵng nhưng năm nay thì hè không có mà Tết cũng gần như toang hoang.
Không có “Zero Covid”, chỉ có “Zero du lịch”
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cuối năm thường là thời điểm nhộn nhịp của các tour MICE, loại tour cho khách hàng là doanh nghiệp tổ chức các chương trình du lịch kết hợp team building, cảm ơn khách hàng… nhưng năm nay có rất ít khách. Trong khi đó, phân khúc khách gia đình và khách lẻ gần như không đi du lịch.
“Trong tháng 12 này, chúng tôi chỉ có cỡ 8 đoàn với doanh số chừng 8 tỉ đồng, trong khi đó, bình thường là phải từ 400-500 tỉ đồng/tháng”, ông nói.
Doanh nhân này cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm doanh nghiệp lữ hành “không còn gì”. Tại công ty này, doanh số năm 2019 là 5.000 tỉ đồng, đến năm ngoái còn cỡ 1.300-1.500 đồng và năm nay, ước tính sẽ chỉ còn khoảng 7%, tức chừng 350 tỉ đồng vì không có khách quốc tế, còn khách trong nước lại ít.
Nhiều doanh nhân kinh doanh khách sạn, tàu du lịch và khách sạn cũng cho biết thông tin tương tự. Nhiều công ty đã hoạt động trở lại được hơn hai tháng và cũng đã có một ít khách nhưng tình hình chung là kinh doanh chưa tốt.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết công ty vẫn có khách đặt tour Tết nhưng lượng khách rất ít. Do đó, khác với mọi năm, nhà điều hành dịch vụ không đặt cọc vé máy bay, phòng khách sạn cùng các dịch khác để chuẩn bị trước mà chỉ đặt khi có đơn hàng.
“…Thị trường du lịch Việt Nam vẫn luôn là thị trường có mức độ sẵn sàng cao. Đây là điều kiện rất tốt để du lịch trong nước phục hồi nhưng mức độ sẵn sàng của du khách đang có dấu hiệu bị sụt giảm do các chính sách và rào cản từ địa phương làm khách hàng không cảm thấy an toàn. Đó là vấn đề cần phải giải quyết khi tính đến việc phục hồi du lịch”.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting.
“Bình thường, đây thời điểm chốt đoàn, đẩy mạnh bán nhưng từ khi có Covid-19 thì không còn như bình thường nữa. Đặc biệt, năm nay có thể xem như là không có mùa du lịch Tết”, ông nói.
Cũng như một số công ty lữ hành khác tại TPHCM, tại công ty này, du khách chỉ yếu đi một vài điểm du lịch như Phú Quốc, Bình Châu, Đà Lạt, ở TPHCM là Cần Giờ. Vì sức mua thấp cùng với việc nhiều tỉnh, thành vẫn chưa mở cửa hoàn toàn cho du lịch và số lượng đường bay còn ít nên sản phẩm du lịch cũng rất đìu hiu.
Tình hình thị trường phía Bắc cũng không mấy khả quan. Theo một số doanh nhân, hiện người tiêu dùng ở Hà Nội, thị trường nguồn lớn thứ hai sau TPHCM có vẻ tự tin hơn nhưng do mất nguồn khách từ thị trường lớn nhất và việc một số địa phương còn áp dụng chính sách phòng dịch khá ngặt nghèo nên du lịch chưa thể khởi sắc thật sự.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, tập đoàn vừa cho hai tàu du lịch hoạt động trở lại tại Hạ Long, Cát Bà và đã có khách đặt chỗ. Thậm chí, tàu Heritage Bình Chuẩn ở Cát Bà hiện đã kín khách cho đến qua Tết Âm lịch nhưng tính chung, Tết năm nay sẽ không bằng Tết năm ngoái.
Theo đó, mùa đông thường có nhiều khách từ phía Nam ra phía Bắc để tận hưởng không khí lạnh và nhiều gia đình ở TPHCM chọn ăn Tết trên du thuyền nên công ty có một lượng khách khá tốt nhưng hiện nguồn khách này giảm mạnh.
“Năm ngoái, nếu không có đợt bùng dịch sát Tết Nguyên đán thì lượng khách vẫn tiếp tục tốt còn nay, khách từ TPHCM ra ít, hiện giờ kỳ vọng đặt vào vào thị trường Hà Nội, nơi có nhiều người bắt đầu thích du lịch du thuyền”, ông nói và cho rằng hiện vẫn còn những quy định phòng dịch không hợp lý, như việc yêu cầu trẻ em phải xét nghiệm PCR. Đây là những quy định gây khó cho doanh nghiệp thu hút khách.
Chính sách thất thường: Du khách, doanh nghiệp… bất an
Theo nhiều doanh nhân, rào cản khiến thị trường chưa thể ấm lại là do du khách chưa tự tin đi du lịch trở lại do sợ nhiễm bệnh và lo có thể khó trở về nhà vì các chính sách thay đổi đột ngột. Sự thất thường của chính sách cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp e dè, chưa dám đẩy mạnh dịch vụ.
Ông Yên của Lữ hành Saigontourist dẫn chứng, hồi đầu tháng này, công ty đã chuẩn bị xong dịch vụ để tổ chức tour ở Bình Thuận nhưng chỉ mấy giờ trước khi khởi hành, tỉnh này này đột ngột tạm dừng xe du lịch đến thành phố Phan Thiết nên tour phải dừng.
“Nếu có thông tin ngay từ ban đầu thì doanh nghiệp và khách hàng không phải gặp khó khăn như thế”, ông nói .
Qua tìm hiểu du khách, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, nhận thấy với khách lẻ, hầu hết các trường hợp hủy tour là do sợ dịch, dù đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 nhưng khách vẫn lo có thể sẽ nhiễm bệnh. Với khách hàng doanh nghiệp, có nơi lo có người bị nhiễm bệnh trong chuyến đi thì sẽ ảnh hưởng đến gia đình của nhân viên đó và những người xung quanh. Có nơi lại lo sẽ bị điều tiếng vì có nhân viên nhiễm bệnh vì công ty đi chơi trong mùa dịch .
“Có đối tác cho rằng, dù nguy cơ lây nhiễm là như nhau nhưng đi làm mà nhiễm thì đỡ thấy tội lỗi hơn là đi chơi mà “dính”, có khách lại lo ảnh hưởng đến uy tín cho nên khi hỏi tour là yêu cầu phải bảo mật thông tin và cam kết là phải đưa được người nhiễm Covid-19 (nếu lỡ có) về nhà. Tâm lý khách hàng vẫn rất sợ dịch”, ông nói.
Công ty Outbox Consulting và Tổng cục Du lịch phối hợp thực hiện một khảo sát về thị trường du lịch nội địa. Trong đó, có đề cập đến một chỉ số gọi là Visitor Sentiment Index (VSI), chỉ số về độ tự tin đi du lịch của du khách. Chỉ số này được xây dựng dựa trên các yếu tố để đánh giá tác động ngoại cảnh ảnh đến tâm lý của du khách.
Outbox Consulting đã đo VSI hai lần, một lần ngay sau khi TPHCM và nhiều địa phương gỡ bỏ giãn cách toàn xã hội và lần hai sau đó ba tuần. Kết quả thu được là ở lần thứ nhất, dù vẫn hơi e ngại cho việc đi du lịch trở lại nhưng mức độ sẵn sàng của du khách rất cao. Điểm trung bình hơn 50%, thậm chí có những chỉ số đạt tới mức trên 75%, gần như cao hàng đầu, ngang với Hàn Quốc ở khu vực châu Á.
Tuy nhiên, chỉ số này lại giảm trong lần đo thứ hai, thời điểm các dịch vụ đã được mở nhiều hơn và nhiều nơi bắt đầu khuyến khích du lịch. Khi được yêu cầu đánh giá mức độ sẵn sàng đi du lịch trở lại, trong đó có lựa chọn là cần nhiều thời gian trước khi sẵn sàng, phần lớn người được hỏi đã chọn cần thêm thời gian.
Lý do là du khách thấy tình hình dịch phức tạp và các biện pháp chống dịch, cách ly không thống nhất nên không tin lắm là du lịch sẽ phục hồi tốt và quyết định dời việc đi du lịch lại tới giữa năm sau.
Theo ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting, mức độ sẵn sàng và tự tin của du khách quyết định việc khách hàng có đi du lịch trở lại hay không. Điều rút ra được sau các lần bùng phát dịch trước đây là thị trường Việt Nam vẫn luôn có mức độ sẵn sàng cao. Đây là điều kiện rất tốt để du lịch phục hồi từ thị trường trong nước nhưng mức độ sẵn sàng của du khách đang có dấu hiệu bị sụt giảm do các chính sách và rào cản từ địa phương làm khách hàng không cảm thấy an toàn. “Đó là vấn đề cần phải giải quyết khi tính đến việc phục hồi du lịch”, ông nói.