Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Du lịch Việt Nam chuyển hướng, lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại thị trường du lịch, phát triển sản phẩm theo hướng lấy trải nghiệm của khách hàng làm trung tâm, tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh, đẩy mạnh quảng bá, thu hút nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp…

Đây là những nội dung có trong Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành vào hôm nay (18-5).

Du khách quốc tế tại đồi cát Mũi Né. Ảnh: Minh Duy

Cơ cấu lại thị trường, làm sản phẩm theo nhu cầu khách hàng

Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Ngành du lịch tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển nhanh thị trường nội địa, tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong ngắn hạn.

Theo yêu cầu của Chính phủ, ngành du lịch sẽ không còn “đo đếm” lượng khách và thu nhập từ du lịch theo kiểu ước tính mà điều tra thông tin khách du lịch theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Thêm vào đó là tiếp tục triển khai việc áp dụng Tài khoản vệ tinh theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới; tính toán đầy đủ, chính xác đóng góp của du lịch vào GDP.

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến và điểm du lịch trong vùng và liên vùng; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có sự tham gia của cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp lớn.

Nhiệm vụ được đặt ra là đa dạng hóa hình thức, sản phẩm du lịch, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững nhưng phải theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

Tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam

Chính phủ giao Bộ Ngoại giao thực hiện các nhiệm vụ về công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước, trong đó có du lịch. Cơ quan này được yêu cầu phát huy vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong cung cấp thông tin, quảng bá, giới thiệu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Bộ Ngoại giao cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương và thúc đẩy đàm phán hiệp định miễn thị thực với các nước.

Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho du khách quốc tế; nghiên cứu và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (e-visa).

Bộ Công an cũng sẽ làm một số công việc khác để thực hiện mục tiêu thống nhất về quy định cấp e-visa, thị thực truyền thống, kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam và cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu đường hàng không.

Bộ Giao thông Vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy và tạo thuận lợi hơn nữa cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam.

Mở văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài

Để tăng cường quảng bá du lịch, Chính phủ yêu cầu tổ chức nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số thị trường du lịch trọng điểm.

Thêm vào đó, ngành du lịch phải xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế; đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội.

Thêm vào đó, du lịch Việt Nam cũng phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến du lịch.

Chính phủ yêu cầu thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các dịch vụ hỗ trợ du lịch như cơ sở lưu trú… Ảnh minh họa: Minh Duy

Thu hút nhà đầu tư chiến lược vào du lịch

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chính phủ… phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm du lịch quốc tế và các dịch vụ hỗ trợ du lịch như cơ sở lưu trú, hàng không, trung tâm thương mại và dịch vụ bán lẻ để du khách chi tiêu nhiều hơn.

Về tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhanh “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; ưu tiên đầu tư cho khu vực động lực, khu vực tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Thêm vào đó là thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không với đường bộ, đường biển và đầu tư nâng cấp các sân bay, bến cảng; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công về hạ tầng; nâng cấp hạ tầng giao thông đảm bảo cho các phương tiện tiếp cận các khu du lịch, vùng du lịch trọng điểm của địa phương.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, điều chỉnh giá trần vé máy bay

Trong Nghị quyết số 82/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện hàng loạt công việc để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện ngang bằng giá bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu; đa dạng hóa các mô hình doanh nghiệp du lịch phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển.

Cơ quan này cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính sách kích cầu, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành phù hợp với tình hình mới.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) theo hướng sử dụng linh hoạt các slot trong hoạt động khai thác hàng không nội địa và quốc tế; hỗ trợ các hãng hàng không trong việc trao đổi nhà chức trách nước ngoài về việc sử dụng slot bay quốc tế trên cơ sở có đi có lại để phục vụ phát triển du lịch.

Cơ quan quản lý vận tải cũng phối hợp với các bộ, ngành xem xét điều chỉnh khung giá trần trong ngắn hạn để đưa giá vé hàng không về đúng cơ chế thị trường, gỡ khó cho các hãng hàng không trong nước.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới