Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch y tế ASEAN rộn ràng trước làn sóng mở cửa

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các kế hoạch mở cửa đang mang lại cơ hội hồi sinh và phát triển cho ngành du lịch y tế Đông Nam Á, và Thái Lan đang dẫn đầu trong nỗ lực này. Với kế hoạch mở cửa đất nước từ đầu tháng 11 tới, các doanh nghiệp Thái Lan đã sẵn sàng để cung cấp các dịch vụ y tế có liên quan đến Covid. Người Thái đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ngành là 5% trong năm 2022 so với con số trước dịch.

Du lịch y tế Thái Lan săn đón khách siêu giàu từ Trung Quốc

Du lịch y tế, “miền đất hứa” của các công ty khởi nghiệp

Suy giảm hơn 50% lợi nhuận do Covid-19

Lợi nhuận của các chuỗi bệnh viện lớn ở Đông Nam Á bị suy giảm mạnh trong năm vừa rồi khi nguồn du khách chữa bệnh hầu như biến mất khi biên giới các nước bị phong tỏa.

Trên toàn cầu, doanh thu của thị trường du lịch để chữa bệnh giảm 48% xuống còn 19,8 tỉ đô la trong năm 2020, theo số liệu của hãng nghiên cứu The Business Research Company đặt tại Anh. Các chuỗi bệnh viện châu Á chịu thiệt hại tài chính nặng nề như vậy là do ảnh hưởng của dịch Covid, hãng này cho biết.

Chuỗi bệnh viện Bangkok Dusit Medical Services mất gần 50% nguồn khách từ các thị trường Trung Đông, Úc và Myanmar do các lệnh đóng cửa biên giới. Ảnh: Nikkei Asia

Điều hành gần 50 bệnh viện phần lớn ở Thái Lan, chuỗi Bangkok Dusit Medical Services (BDMS) có tổng doanh số giảm 22%, lợi nhuận ròng giảm đến 54%.

Là một trong những chuỗi bệnh viện lớn nhất ở Đông Nam Á, thông thường mỗi năm BDMS thu được 30% tổng doanh số từ những bệnh nhân nước ngoài đến chữa trị tại các cơ sở của họ ở Thái Lan. Nhưng chuỗi này nói số bệnh nhân đã giảm 43% trong năm ngoái, chủ yếu từ các thị trường Trung Đông, Úc và Myanmar do hạn chế đi lại.

Chuỗi IHH Healthcare của Malaysia cũng bị giảm 10% doanh số, 48% lợi nhuận ròng. Chuỗi này điều hành 80 bệnh viện ở 10 quốc gia, bao gồm Malaysia và Singapore.

Theo Hội đồng Du lịch Y tế Malaysia, hạn chế đi lại là tác nhân chính khiến doanh số du lịch chữa trị y tế ở Malaysia giảm 75% trong năm rồi.

Các bệnh viện ở châu Á và các khu vực mới nổi khác đã thu hút bệnh nhân nước ngoài bằng chất lượng y tế tốt tương đương các nước phát triển, nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều. Cả khu vực công lẫn tư đã cùng làm việc để cung cấp thêm các tiện nghi cho người bệnh, như dịch vụ lưu trú ở các khách sạn 5 sao (nhưng giá phải chăng) và thủ tục xin visa nhanh dành cho người bệnh và người nhà của họ.

Là miền đất hứa với các chuỗi bệnh viện lớn và có uy tín, Thái Lan và Malaysia đã lọt vào top 5 toàn cầu về số du khách nước ngoài đến chữa trị y tế – theo số liệu của tổ chức Thầy thuốc không biên giới. Nhưng du lịch y tế đang gặp thách thức của dịch bệnh bởi các bệnh viện này phải chia sẻ nguồn lực trong cuộc chiến chống lại virus viêm phổi và cả sụt giảm lượng khách nước ngoài sẵn sàng chi trả.

BDMS và IHH đang triển khai các dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến. Nhưng các chuyên gia kinh tế nói hiện chưa rõ các nỗ lực như vậy có đủ bù đắp suy giảm lợi nhuận mà dịch đang gây ra hay không.

Thái Lan tham vọng trở thành “trung tâm y tế của ASEAN”

Tuần trước, chuỗi bệnh viện cao cấp Bumrungrad International Hospital đã khai trương khoa hồi sức Covid đầu tiên nhắm đến nhóm khách hàng là người Thái giàu có và người nước ngoài. Bệnh viện cung cấp các dịch vụ điều trị nội trú và ngoại trú, bao gồm cách ly, chăm sóc đặc biệt và tư vấn trực tuyến cho các bệnh nhân đang cách ly tại nhà. Cơ sở này sẽ chăm sóc và điều trị người nhiễm Covid, kể cả những bệnh nhân đã hồi phục nhưng có những di chứng lâu dài mà Covid để lại, chẳng hạn các vấn đề về phổi và hô hấp.

BumrungradClinic, phòng khám chuyên khoa chăm sóc và điều trị Covid của chuỗi bệnh viện Bumrungrad khai trương tuần rồi. Ảnh: Bumrungrad International Hospital

Trong khi đó, chuỗi BDMS cũng có dịch vụ cách ly cao cấp ở một resort ngay thủ đô Bangkok. Từ ngày 1-10, chuỗi này có các gói cách ly 7,10 và 14 ngày tùy thuộc vào du khách đã tiêm hay chưa tiêm.

Các bệnh viện hàng đầu tại Bangkok và các thành phố khác trên toàn quốc cũng tung ra các dịch vụ tương tự để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi xứ chùa vàng mở cửa đón du khách và nhà đầu tư nước ngoài. Các dấu hiệu này song song với các mục tiêu của chính phủ trong chính sách quảng bá du lịch y tế của Thái Lan nhằm đưa nước này trở thành trung tâm y tế của khu vực. Chất lượng cao, nhưng chi phí vừa phải là trọng tâm của sách lược này.

“Chúng tôi có tiềm năng lớn, với đội ngũ chuyên môn cao và cả sự niềm nở, chu đáo, để sẵn sàng trở thành trung tâm y khoa khu vực”, một quan chức cấp cao của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) nói với Nikkei Asia.

Hiện Thái Lan có 64 bệnh viện đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên ủy ban quốc tế (JCI), là con số cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ tư trên thế giới, giúp Thái Lan sẵn sàng khai thác các lợi ích của du lịch y tế.

Thị trường ngách này đạt doanh số 59,8 tỉ baht (khoảng 1,8 tỉ đô la) trong năm 2019. Con số này chiếm 3% doanh thu của ngành du lịch Thái Lan và tăng trưởng 3,5% mỗi năm, với phần lớn khách đến từ Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Muôn vàn cơ hội phát triển

Tại Thái Lan, Indonesia hay Singapore, tần suất sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe từ xa – telehealth hay telemedicine – gia tăng mạnh khi người dân e ngại việc đến khám trực tiếp tại các phòng khám hay bệnh viện có thể tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Các dịch vụ mới này giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế ở các nước ASEAN khi đang đương đầu với các ca lây nhiễm mới.

Các nhà đầu tư cũng chú ý đến startup telehealth. Các bệnh viện trong khu vực cũng gia tăng đầu tư cho nền tảng công nghệ số. Fortune Business Insights dự báo thị trường dịch vụ telehealth toàn cầu sẽ đạt quy mô 185,7 tỉ đô la trong năm 2026 so với con số 34,3 tỉ đô la của năm 2018, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình là 23,5%.

Không có các thống kê về du lịch y tế trong năm 2020-2021 bởi thị trường hầu như đóng băng do phong tỏa. Tuy vậy, TAT vẫn tự tin về tiềm năng du lịch của Thái Lan, đặt ra các chương trình quảng bá rất tích cực và chủ động. TAT đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu của năm 2022 là 5% so với con số của năm 2019.

Sự hồi phục kinh tế và mở cửa của toàn cầu sau đại dịch là dư địa phát triển của ngành du lịch y tế. Cơ hội tại Thái Lan còn mênh mông, đặc biệt là vào thời điểm dịch bệnh cũng tạo ra những cơ hội kinh doanh mới.

Với 27,7% dân số đã tiêm đầy đủ hai mũi, chính phủ Thái đặt mục tiêu mở cửa biên giới và áp dụng chính sách sống chung với Covid. Không chỉ các bệnh viện và các cơ sở y tế, mà ngay cả các hãng viễn thông và nhiều doanh nghiệp khác nữa có thể hưởng lợi từ chính sách này khi đất nước mở cửa biên giới.

Các doanh nghiệp y tế khác hiện đang tập trung cho các dịch vụ điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid ở phân khúc thị trường thấp hơn. Các dịch vụ cung cấp thuốc và giải pháp điều trị cho những bệnh nhân muốn tự cách ly và điều trị tại nhà cùng phát triển nhằm giúp giảm áp lực tại bệnh viện công khi dịch có thể bùng phát trở lại trong tương lai. Điều này càng có ý nghĩa khi nhu cầu điều trị Covid có thể tăng lên sau khi biên giới đã mở.

Hãng viễn thông lớn nhất Thái Lan là AIS đã cùng bắt tay với các chuỗi bệnh viện và các startup dịch vụ y khoa cung cấp dịch vụ khám bệnh trực tuyến miễn phí. AIS cũng cho phép khách hàng sử dụng các điểm thưởng của chương trình khách hàng trung thành với AIS đổi lấy các voucher giảm giá khi mua thuốc và mua bảo hiểm Covid-19.

“Sau khi chung sống với Covid được gần hai năm, chúng tôi nhận ra rằng người Thái quan tâm hơn đến sức khỏe và muốn tăng cường hàng rào bảo vệ họ trước Covid”, Giám đốc dịch vụ khách hàng Bussaya Satirapipatkul của AIS nhận xét.

Và không chỉ là chăm sóc và điều trị Covid, ngành y tế Thái Lan còn có các dịch vụ chữa trị cho người nghiện, bao gồm từ nghiện game hay nghiện rượu đến nghiện tình dục và cả ma túy. Giá điều trị tại các resort hạng sang lên đến 16.000 đô la mỗi tháng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới