(KTSG) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 vừa công bố đã nêu bật nguy cơ lạm phát tại Mỹ có thể duy trì dai dẳng ở mức 3%, cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này cũng khiến khả năng chiến thắng lạm phát trở nên xa vời hơn.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao nhất trong 5 năm qua
- TPHCM: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4-2023 sụt giảm sau ba tháng tăng liên tục
Theo Wall Street Journal, những tiến bộ gần đây của Fed trong việc đưa lạm phát giảm xuống, đã bị đình trệ trong tháng 9.
Sau khi lạm phát cốt lõi giảm mạnh vào đầu mùa hè, giá cả đã bắt đầu tăng trở lại với tốc độ nhanh hơn, dù vẫn ở mức nhẹ trong tháng trước.
Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm cho biết chỉ số CPI tháng 9 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng trong tháng 8 nhưng thấp hơn nhiều so với mức 9,1% được ghi nhận vào tháng 6-2022.
Chỉ số CPI cốt lõi tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 4,3% trong tháng 8. Xét theo mức tăng hàng tháng, chỉ số CPI cốt lõi ghi nhận mức tăng 0,3% tháng thứ hai liên tiếp, cao hơn so với mức của tháng 6 và tháng 7.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 9 - dữ liệu đo lường lạm phát ở cấp độ bán buôn của Mỹ - cũng tăng 0,5% so với tháng 8. So với cùng kỳ năm ngoái chỉ số PPI tháng 9 đã tăng 2,2% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4 và vượt mục tiêu 2% của Fed.
Fed chưa thể tuyên bố chiến thắng
Trong những ngày gần đây, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phát tín hiệu rằng họ đang nghiêng về khả năng giữ lãi suất ngắn hạn ổn định tại cuộc họp chính sách diễn ra từ ngày 31-10 đến 1-11, trong bối cảnh sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn trong tháng qua có thể khiến nền kinh tế chậm lại.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,71% trong hôm thứ Năm tuần trước, thấp hơn đôi chút so với mức đỉnh 16 năm được thiết lập trong tuần trước đó. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục gia tăng, điều này có thể thay thế cho việc Fed tăng lãi suất.
Với việc các dữ liệu về thị trường lao động và lạm phát cho thấy nền kinh tế vẫn chưa hạ nhiệt đáng kể, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - khó có thể tạm dừng tăng lãi suất vô thời hạn hoặc loại trừ việc tăng lãi suất vào tháng 12.
“Còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng”, Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari cho biết trong một sự kiện tại North Dakota hôm thứ Ba tuần trước.
Sau quyết định giữ nguyên lãi suất hồi tháng 9, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng các quan chức sẽ đưa ra chính sách tiền tệ dựa trên các dữ liệu mới. Mặc dù Fed sử dụng thước đo lạm phát riêng biệt nhưng báo cáo CPI vẫn nhận được nhiều sự chú ý, bởi được công bố trước.
Tiếp sau đó, các quan chức sẽ đón nhận thêm dữ liệu bổ sung về lương của người lao động, cùng với thước đo lạm phát ưa thích của họ - chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) từ Bộ Thương mại Mỹ, trước cuộc họp chính sách vào cuối tháng. Các quan chức Fed muốn thấy lạm phát cốt lõi tiếp tục hạ nhiệt, đặc biệt là dịch vụ, lĩnh vực vốn có xu hướng gắn chặt với chi phí lao động hơn là giá hàng hóa.
Tiền lương tăng tiếp tục gây áp lực lên lạm phát
Nhiều người Mỹ tỏ ra không mấy an tâm về khả năng kiềm chế lạm phát vì mức tăng giá của mọi sản phẩm, từ ô tô, bữa ăn tại nhà hàng cho đến nhà ở đều đã tăng một cách bất thường kể từ năm 2021 đến nay.
Mức giá cao hơn cho các dịch vụ sử dụng nhiều lao động hồi tháng trước có thể làm dấy lên lo ngại rằng thị trường lao động tiếp tục nóng sẽ duy trì lạm phát ở mức cao hơn.
Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% và tỷ lệ sa thải tăng lên không đáng kể, người lao động Mỹ vẫn chưa mất hết những lợi thế mà họ có được trong suốt thời kỳ phục hồi sau đại dịch. Các cuộc đình công của các công nhân sản xuất ô tô thuộc nghiệp đoàn United Auto Workers và nhân viên chăm sóc sức khỏe của Kaiser-Permanente, cũng như mức tăng lương đáng kể gần đây trong các thỏa thuận khác giữa giới chủ và các nghiệp đoàn, có thể đẩy lương công nhân lên cao hơn trong toàn bộ nền kinh tế.
Fed có thể áp dụng cách tiếp cận thận trọng
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá xăng đã tăng chậm lại trong tháng 9 và giảm trong những tuần gần đây, nhưng hoàn toàn có thể tăng trở lại do cuộc xung đột ở Trung Đông đã đẩy giá dầu tăng cao trong tuần trước.
Fed hiện không đặt ưu tiên hàng đầu vào giá hàng hóa vốn ít nhạy cảm hơn với thay đổi lãi suất, nhưng giá xăng cao hơn dù sao cũng có thể làm giảm niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến chi phí của các sản phẩm khác như vé máy bay và vận chuyển.
Giá hàng tạp hóa tiếp tục xu hướng giảm trong vài tháng qua và dần theo kịp mức lạm phát chung trong năm. Trong khi đó, chi phí nhà ở dù vẫn đang tăng, nhưng được dự báo có thể dần hạ nhiệt, giúp giảm lạm phát toàn phần trong những tháng tới khi độ trễ trong tác động từ việc tăng lãi suất của Fed dần biến mất. Giá ô tô đã qua sử dụng, từ chỗ tăng vọt lúc nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch cũng đã giảm mạnh 8% trong năm qua.
Giới chức Fed sẽ tiếp tục theo dõi các dữ liệu sắp tới trước khi quyết định bước hành động tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Forbes, một thông điệp rõ ràng khó có thể được ủy ban chính sách của Fed đưa ra. Lý do là bởi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc có nguy cơ dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng nhiều hơn ngay khi các quan chức Fed đang cố gắng điều tiết nhu cầu.
Lou Crandall, nhà kinh tế trưởng tại Wrightson ICAP LLC, cho biết: “Họ không thể báo hiệu rằng họ đã hoàn tất quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, bởi vì điều này ngay lập tức sẽ đặt ra kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất”.
Bên cạnh đó, các quan chức Fed cũng coi việc kiểm soát kỳ vọng lạm phát là điều cần thiết và đã nhiều lần nhấn mạnh cam kết khôi phục sự ổn định giá cả, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc tăng lãi suất cao hơn mức họ mong đợi hiện tại.
Do vậy, việc dỡ bỏ hoàn toàn khả năng tiếp tục tăng lãi suất khi lạm phát vẫn chưa quay trở về mức mục tiêu, có thể làm suy yếu uy tín của Fed với công chúng, làm tăng nguy cơ lạm phát sẽ trở nên dai dẳng.
Nguồn: WSJ, Forbes, New York Times