Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự phòng cho lạc quan

Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 6,5%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo khá ảm đạm, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU, thì chuẩn bị cho các tình huống xấu là điều mà các doanh nghiệp và người dân cần ưu tiên hơn trong năm 2023 này. Bởi lẽ, những thay đổi đột ngột từ thuận lợi sang khó khăn nếu không có những kế hoạch dự phòng sẽ tạo ra những cú sốc lớn.

Dệt may là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam nhưng sản phẩm ngành này có độ nhạy khá cao với thu nhập. Ảnh: THÀNH HOA

Hụt doanh thu

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn khi tổng giá trị xuất, nhập khẩu vào khoảng 700 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, gấp gần hai lần GDP. Tuy vậy nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và một số thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN. Tính đến tháng 11-2022, giá trị xuất khẩu trượt 12 tháng (TTM) sang Mỹ là 104,3 tỉ đô la, Trung Quốc là 54,5 tỉ đô la, EU là 45,7 tỉ đô la và ASEAN là 32,4 tỉ đô la.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của các nền kinh tế là đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Ước tính tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển trong năm 2023 chỉ có 1,1%, trong đó Mỹ và EU là dưới 1%; Trung Quốc và ASEAN có hy vọng khá hơn với mức tăng trưởng 4-5%.

Ngoại trừ Trung Quốc có mức tăng trưởng của năm 2023 được dự báo tốt hơn năm 2022 thì tăng trưởng của các nước còn lại đều sụt giảm mạnh, và suy thoái kinh tế ở Mỹ, EU là một điều gần như chắc chắn.

Khi kinh tế bị chậm lại thì nhu cầu chi tiêu của người dân sẽ giảm, từ du lịch nghỉ dưỡng đến hàng hóa tiêu dùng, trong đó có nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam.

Chẳng hạn thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam là hàng dệt may, giày dép, điện thoại, đồ gỗ thì những sản phẩm này có độ nhạy khá cao với thu nhập: khi kinh tế khó khăn hơn và thu nhập giảm sút thì đây là các khoản chi thường được ưu tiên cắt giảm. Ví dụ người dân Mỹ hay EU sẽ kéo dài thêm thời gian sử dụng điện thoại hay các đồ dùng bằng gỗ trong gia đình.

“Hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều xấu nhất” có lẽ là kim chỉ nam mà các doanh nghiệp, người lao động, và các hộ gia đình cần bám sát trong năm nay.

Trong một chuỗi kinh tế, khi các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp gặp khó khăn thì sẽ kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp có liên quan.

Rõ ràng nhất là khi các đơn hàng giảm thì thu nhập của người lao động giảm, dẫn đến chi tiêu giảm, và doanh thu của doanh nghiệp này giảm sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp giảm doanh thu của doanh nghiệp khác.

Việt Nam hiện nay còn được biết đến là một quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp ngày càng lớn. Tuy nhiên khi kinh tế thế giới khó khăn hơn thì các doanh nghiệp cũng sẽ phải cắt giảm ngân sách, giảm đầu tư, từ đó giảm các hợp đồng với đối tác bên ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Một số ngành đã bắt đầu cảm nhận được khó khăn như công nghệ phần mềm, quảng cáo.

Doanh thu bị sụt giảm với nhiều doanh nghiệp không có sự chuẩn bị là một cú sốc lớn bởi vì dòng tiền ra phụ thuộc vào doanh thu. Trong giai đoạn thuận lợi thì gia tăng nhân sự, mở rộng hoặc thêm dự án, các chi tiêu không cần phải dè dặt nhiều. Đến lúc khó khăn về doanh thu thì các chi phí trở thành một áp lực lớn, chưa kể giai đoạn kinh tế khó khăn thì lãi suất cũng thường ở mức cao.

Kinh tế thế giới đã trải qua nhiều lần suy thoái, thậm chí khủng hoảng, và bài học rút ra từ những doanh nghiệp vượt qua được khó khăn là phải ráng tồn tại được. Mà muốn vậy thì chỉ có cách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi phí, ưu tiên những dự án đang tạo ra dòng tiền và chỉ giữ lại những dự án thực sự tiềm năng. Có những doanh nghiệp còn đành phải chấp nhận cắt giảm nhân sự, duy trì hoạt động ở mức tối thiểu để chờ giai đoạn khó khăn chung trôi qua.

Đầu tư trú ẩn

Khi kinh tế khó khăn và suy thoái thì các kênh đầu tư cũng sẽ trở nên rủi ro hơn. Lúc này các nhà đầu tư thường tìm đến các lớp tài sản an toàn hơn như các công cụ nợ trên thị trường tài chính, cổ phiếu của các doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt tốt. Ưu tiên của các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong giai đoạn suy thoái là bảo vệ giá trị tài sản của mình, và do đó chỉ cần những tài sản đầu tư có tỷ suất sinh lời đủ bù đắp được lạm phát.

Trong số các kênh đầu tư phù hợp thì có thể kể đến trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng có thể đầu tư, các công cụ nợ ngắn hạn hay thậm chí tiền gửi ngân hàng. Không chỉ các loại hình đầu tư này mang lại khoản thu nhập ổn định mà nó còn không phụ thuộc nhiều vào kết quả kinh doanh của bên đi vay hay phát hành.

Đối với các nhà đầu tư dài hạn và tích lũy định kỳ thì giai đoạn kinh tế suy thoái thường là cơ hội tốt vì phần lớn các tài sản được định giá thấp hơn trong môi trường lãi suất cao. Áp lực lãi suất cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng kiệt quệ tài chính xảy ra nhiều hơn, sẽ có những nhà đầu tư phải cắt lỗ, chấp nhận bán tài sản với mức chiết khấu cao hơn bình thường. Lúc này, những ai có dòng tiền và tiền mặt nhiều sẽ có những lợi thế vượt trội.

Tính chu kỳ của nền kinh tế luôn tồn tại nhưng thời gian kéo dài của từng giai đoạn rất khó để dự đoán, điều này có nghĩa suy thoái hay khó khăn có thể kéo dài một năm hoặc lâu hơn. Vì lẽ đó, đầu tư trong giai đoạn kinh tế suy thoái cần có tầm nhìn dài hạn, đặt ưu tiên là tích tụ hơn là tỷ suất sinh lợi.

Sức ép chi tiêu

Với người lao động và các hộ gia đình, giai đoạn suy thoái là một mối đe dọa lớn về việc làm và thu nhập. Nhiều doanh nghiệp có thể giảm nhân sự hay luân chuyển nhân sự để tiết kiệm chi phí. Giai đoạn này có thể phải sử dụng đến quỹ dự phòng khẩn cấp. Do đó, ưu tiên hàng đầu là kiểm soát chi tiêu, cắt giảm những khoản chi không cần thiết hoặc tìm các sản phẩm dịch vụ thay thế có chi phí thấp hơn.

Một ví dụ phổ biến là nhiều người giảm tần suất đi ăn ở bên ngoài, thay vào đó tự chuẩn bị cơm trưa để mang đến nơi làm việc. Thay vì sử dụng các sản phẩm nhập khẩu thì dùng các sản phẩm nội địa, kéo dài thời gian sử dụng của những đồ dùng lâu bền. Các hoạt động giải trí, du lịch nghỉ dưỡng cũng được hạn chế tối đa hoặc tạm dừng trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Khả năng thích ứng là một giải pháp hữu hiệu để giúp người lao động và gia đình vượt qua khó khăn, cân đối chi tiêu để đảm bảo tổng chi tiêu không vượt quá thu nhập bình quân hàng tháng. Hơn bao giờ hết, giai đoạn kinh tế khó khăn thì việc lập kế hoạch và theo dõi tài chính cá nhân là rất cần thiết. Nếu không có thì rất có thể lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ tài chính.

Mặc dù kinh tế Việt Nam trong năm 2023 được hy vọng là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, tuy nhiên những tác động lan truyền là không thể tránh được, thậm chí độ trễ sẽ được rút ngắn lại. “Hy vọng điều tốt nhất và chuẩn bị cho điều xấu nhất” có lẽ là kim chỉ nam mà các doanh nghiệp, người lao động, và các hộ gia đình cần bám sát trong năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới