Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dự thảo thí điểm đấu giá quyền sử dụng biển số ô tô liệu có phù hợp với quy định hiện hành?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Bộ Công an lại một lần nữa đưa ra lý do cần thiết để thực hiện việc đấu giá biển số xe. Vậy dự thảo Nghị quyết này có phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình hiện nay hay không?

Ảnh minh họa: Báo Dân Việt

Hiện nay, theo quy định của khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, cá nhân, tổ chức đang bị cấm mua bán biển số xe cơ giới. Bên cạnh đó theo quy định khoản 2 Điều 105 và khoản 2 Điều 107 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, việc thu tiền cấp quyền sử dụng biển số xe là tài sản công được thực hiện thông qua đấu giá hoặc niêm yết giá. Chính phủ đã 2 lần cho phép Bộ Công an thực hiện đấu giá biển số đẹp (biển số tự chọn) vào năm 1993 và năm 2008 nhưng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nên hiện việc thu phí cấp và đấu giá biển số đã tạm ngừng.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc, Công ty luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay, rất nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích. Thực tế, dự thảo về việc đấu giá biển số đẹp không phải là vấn đề mới mà đã nhen nhóm ý tưởng thực hiện từ những năm 1993 tới nay. Mới đây nhất, vào năm 2020, Bộ Công an tiếp tục đưa đề xuất trên vào dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (tách từ Luật Giao thông đường bộ) để trình Quốc hội xem xét nhưng chưa được thông qua.

“Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì để trôi nổi như hiện nay thì việc đấu giá biển số xe đẹp là cần thiết mà nếu quản lý, tổ chức thực hiện tốt sẽ vừa giúp người dân dễ tiếp cận hơn với biển số mình yêu thích, lại tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước,” ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, với nhu cầu sở hữu biển số đẹp vốn rất lớn mà việc cấp biển lại thực hiện qua hình thức bấm ngẫu nhiên như hiện nay sẽ không tránh khỏi những trường hợp “ém” biển đẹp để cấp riêng cho "người quen” hoặc những người chấp nhận chi trả thêm tiền ngoài quy định. Nếu đem biển số ra đấu giá, những tiêu cực này sẽ chấm dứt.

Trong một diễn biến khác, mới đây dự thảo “Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá” do Cục Cảnh sát Giao thông trình Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra hai phương án sau: với phương án 1 là người trúng đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi biển số. Phương án này tương tự với cách quản lý biển số hiện nay.

Phương án 2 là người trúng đấu giá sẽ được sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp biển số trúng đấu giá; người sở hữu biển số khi bán phương tiện vẫn có thể giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện khác của mình. Việc quản lý biển số khi đó sẽ khác với hiện nay.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định phương án 1 giúp bảo đảm công tác quản lý nhà nước đối với biển số xe trúng đấu giá nhưng hiệu quả đấu giá không cao, tài sản công sẽ không được khai thác tối ưu. Phương án 2 khắc phục được nhược điểm của phương án 1 nhưng việc cho phép chuyển nhượng sẽ tạo ra thị trường mua bán hoặc đầu cơ biển số.

“Về cơ bản, việc cho phép mua bán biển số sẽ tạo rối ren, phức tạp cho công tác quản lý, trong việc truy xét chủ xe thông qua biển số khi xe có vi phạm giao thông và các vấn đề khác, kể cả liên quan đến hình sự. Việc quan niệm biển số xe là tài sản có thể mang đi thế chấp ngân hàng cũng không nên làm. Bởi vì khi đấu giá biển số có thể lên đến hàng tỉ đồng nhưng khi người vay không trả được nợ thì ngân hàng bán biển số đó chắc gì đã thu về đủ số tiền cho vay,” ông Hùng nói.

Về nội dung “người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình”. Điều đó đồng nghĩa với việc, biển số trúng đấu giá sẽ đi theo người trúng đấu giá mà không phải theo xe như quy định hiện nay. Đánh giá về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Bộ Công an đề xuất khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (còn gọi là “biển số đi theo người”).

Theo đó, ông Hùng cho rằng người trúng đấu giá có quyền ký hợp đồng với cơ quan đấu giá nhằm xác lập quyền với biển số trúng đấu giá để sử dụng. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, hay còn gọi là "biển số đi theo người". Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.

Như vậy, biển số này sẽ "đi theo người" chứ không phải "đi theo xe" như kiểu quản lý biển kiểm soát hiện tại. Theo ông Hùng, đề xuất này có mang lại nhiều ưu điểm nhưng cũng kéo theo nhiều bất cập. Cụ thể, ông Hùng cho rằng việc “biển đi theo người” còn đặt ra nhiều băn khoăn về quyền tài sản đối với biển số đó. Liệu chủ sở hữu có được chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế đối với biển số xe đó hay không bởi lẽ, biển số xe là dấu hiệu nhận diện xe do cơ quan có thẩm quyền cấp với mục đích chủ yếu là quản lý và lưu hành xe…

Dự thảo cũng quy định, đối tượng được tham gia đấu giá là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân). Nhưng trong dự thảo lại chưa nói rõ quy định về việc sử dụng biển số đấu giá sau khi đấu giá thành công.

Nói về vấn đề này, ông Hùng cho rằng hiện nay có thể áp dụng các quy định tại Luật Đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá biển số và phối hợp cơ quan công an, Sở Tư pháp và Sở Tài chính tại địa phương để kiểm soát hoạt động đấu giá. Theo đó, một số biển số đẹp sẽ được đưa ra đấu giá trực tuyến công khai. Khi đã đấu giá thành công, chủ phương tiện được quyền giữ lại biển số ngay cả khi bán xe và dùng để đăng ký cho một xe khác mang tên mình.

“Để tránh tình trạng trục lợi từ các tổ chức, doanh nghiệp đứng ra đấu giá, sau đó bán lại với giá cao hơn từ các biển số đẹp đấu giá thành công. Hình thức đấu giá phải công khai, minh bạch về đặt cọc, giá khởi điểm, bước giá. Phải xây dựng cơ chế xác định biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng và phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của các quy định pháp luật", ông Hùng kiến nghị.

1 BÌNH LUẬN

  1. Biển số đẹp chỉ có giá trị cá biệt với một/ hoặc một số người, chứ không có giá trị phổ biến như các loại hàng hóa dịch vụ khác. Việc mang đi thế chấp biển số cũng là điều không khả thi, bởi việc thẩm định giá cũng như thanh khoản của nó là rất rủi ro. Lâu nay biển số đẹp hầu như phải “chạy” thì mới có được. Đấu giá biển số dù sao cũng là việc nên làm để đáp ứng những nhu cầu khác biệt, một cách công khai minh bạch, đàng hoàng, tăng thu cho ngân sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới