Thứ Tư, 14/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đua bò Bảy Núi – một lễ hội độc đáo ở An Giang

Hoài Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Xuân) – Bà con dân tộc người Khmer ở vùng Bảy Núi – An Giang cũng như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang… hàng năm đều có ba ngày lễ lớn, đó là lễ Chôl Chnam, lễ Đôn ta và lễ Ok Ang Bok(*). Vào dịp lễ Đôn ta, tại Vùng Bảy Núi (Thất Sơn, gồm hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn) bà con tổ chức nhiều cuộc vui chơi giải trí, trong đó hoành tráng và hấp dẫn nhất là lễ hội đua bò.

Hàng năm, lễ hội Đôn ta trùng vào dịp xuống giống nên bà con thi nhau mang bò đến bừa cho thửa ruộng của ngôi chùa trong phạm vi phum sóc của mình, gọi là “Bừa công quả”. Nhằm động viên, cổ vũ những đôi bò mạnh khỏe, bừa hay, thắng cuộc, sãi Cả tưởng thưởng cho đôi bò “dây cà tha” để đeo ở cổ cùng với những quả lục lạc kêu leng keng nghe thật êm tai.

Lâu dần, hình thức đua bò trên ruộng được lan truyền rộng rãi nên bà con đã bắt đầu tổ chức thành những cuộc đua hào hứng giữa phum sóc này với phum sóc kia.

Nhà nghiên cứu Liêm Châu đã mô tả cuộc đua bò trước năm 1945 giống như một cuộc “quyết chiến” và đượm màu sắc huyền bí. Gần tới kỳ so tài, các chủ bò bí mật rước thầy về xên bùa, luyện ngãi, cúng ông Tà, cầu kinh để giành vị thế thượng phong khiến cho đối phương phải “gờm”.

Kể từ năm 1992, chính quyền địa phương đã đưa Hội đua bò thành lễ hội truyền thống, lấy tên là “Lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi”. Hàng năm cứ vào đầu tháng Tám Âm lịch, dưới sự điều khiển của các già Phum, sư Sãi, lục Cả, các chủ bò đều tích cực tuyển các đôi bò khỏe mạnh và chọn các chàng trai lực lưỡng để tập dượt.

Ông Trần Văn Tượng, một kiện tướng đua bò ở xã Vĩnh Trung, cho biết muốn đạt thành tích cao, chủ bò phải có lòng say mê, dạn dày kinh nghiệm và yêu bò như yêu con. Điều cốt yếu là phải biết thuần dưỡng, chăm sóc, thường xuyên tập luyện.

Theo quy định, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn sẽ thay phiên đăng cai tổ chức. Bên cạnh các đôi bò chủ lực đến từ hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn còn có sự tham gia của các huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn (An Giang); Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang).

Mỗi đôi bò khi đua phải kéo theo một cái bừa. Thể thức đua cũng giống như các loại hình thể thao khác, các đôi bò bắt thăm từng cặp, từ vòng loại đến tứ kết, bán kết rồi chung kết. Theo điều lệ, người tham gia cuộc chơi phải trải qua hai vòng hô và một vòng thả.

Người điều khiển “tài xế bò” (tiếng dân tộc gọi là Xầm – nít chí – cơ). Tài xế bò phải tuân thủ ý kiến của các trọng tài một cách nghiêm ngặt, như trong lúc bò đang chạy mà tài xế lỡ rớt chân hoặc té sẽ bị loại ngay. Còn như đương chạy ngon lành, cặp bò lại “sanh chứng” phóng ra khỏi biên, tiếng nhà nghề gọi là “tạt” cũng bị thua.

Cuộc thi đấu càng vào sâu vòng trong càng quyết liệt. Ở cự ly 120 mét bò và tài xế lao về đích với tốc độ khủng khiếp mà dân làng thường gọi là “chạy cong đuôi”. Vào lúc này, tiếng phèng la, chiêng, trống cùng với tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của khán giả khiến cho đấu trường trở nên tưng bừng, náo nhiệt.

Trước kia, nhiều bà con nông dân đi xem đua bò thường mang theo một cái hũ để đựng chút ít đất lấy từ sân đua đem về rải lên đất ruộng của mình nhằm cầu mong cho mùa màng luôn tươi tốt.

Ai đã từng đến dự đua bò Bảy Núi một lần mới có thể hình dung hết tính chất hoành tráng và ý nghĩa thâm thúy của lễ hội. Nó vừa mang tính văn hóa truyền thống vừa phát huy tinh thần đoàn kết của hai dân tộc anh em.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới