Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đua giành vị trí trái tim dữ liệu châu Á

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Số lượng trung tâm dữ liệu Greater Tokyo (khu vực gồm Tokyo và vùng phụ cận) đang gia tăng nhanh chóng do nhu cầu xử lý dữ liệu trong và ngoài nước tăng mạnh. Tổng công suất của các cơ sở dữ liệu ở Greater Tokyo dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3-5 năm tới, biến nơi đây thành trung tâm dữ liệu lớn thứ hai ở châu Á sau Bắc Kinh.

Nhiều trung tâm dữ liệu đang mở ở Greater Tokyo khi các hãng công nghệ toàn cầu rời xa Trung Quốc để bảo đảm an ninh dữ liệu và tránh vạ bay từ căng thẳng Mỹ – Trung.
Ảnh: Nikkei Asia

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh của Trung Quốc khi các hãng công nghệ toàn cầu và các doanh nghiệp lớn khác lo ngại về chính sách kiểm soát dữ liệu ngày càng chặt của Trung Quốc và đối đầu thương mại Mỹ – Trung.

Lợi thế của Tokyo

Nhiều trung tâm dữ liệu đã mọc lên trong và xung quanh Tokyo, gồm cả quận Tama. Tại Inzai thuộc hạt Chiba ở phía đông Tokyo, nhiều cơ sở mới đã hình thành, đáp ứng nhu cầu của các Big Tech như Google, Amazon và NEC… Tất cả đều mong muốn tận dụng vị trí gần thủ đô và lợi thế của khu vực ít có nguy cơ thiên tai và mất điện.

Nhà điều hành trung tâm dữ liệu AirTrunk của Úc đã mở một cơ sở lớn ở Inzai trong năm 2021. Norihiro Matsushita, người đứng đầu chi nhánh AirTrunk Japan, nói với Nikkei Asia: “Nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng nhanh ở Nhật Bản và Inzai nằm ở một vị trí chiến lược”.

Công suất của các trung tâm dữ liệu ở Greater Tokyo đạt tổng cộng 865 MW vào cuối năm 2022, bằng một nửa so với Bắc Kinh, theo Cushman & Wakefield. Hãng dịch vụ bất động sản Mỹ hy vọng khu vực này có thể đạt 1.970 MW sau 3-5 năm nữa, vượt qua Singapore và bám sát Bắc Kinh với công suất dự đoán có thể lên 2.069 MW.

Sự bùng nổ các trung tâm dữ liệu tại Nhật Bản được hình thành từ lưu lượng dữ liệu cục bộ tăng vọt khi các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số và ngày càng nhiều người làm việc trực tuyến. Nhiều công ty cũng di chuyển máy chủ về gần trụ sở doanh nghiệp để tăng tốc độ truyền dữ liệu và giảm nguy cơ rò rỉ dữ liệu.

Cuộc đối đầu thương mại và công nghệ ngày càng gay gắt giữa hai nền kinh tế khổng lồ Mỹ – Trung cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại việc sử dụng các cơ sở dữ liệu tại Trung Quốc. Nhật Bản được xem là một lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Nằm giữa Bắc Mỹ và lưu thông Âu – Á, Nhật Bản có thể đóng vai trò là trạm chuyển tiếp lý tưởng cho Meta (công ty mẹ của Facebook), Google và các hãng công nghệ khác của Mỹ để lưu chuyển lượng dữ liệu khổng lồ. Giáo sư Hiroshi Esaki tại Đại học Tokyo, đồng thời là chuyên gia về mạng thông tin và viễn thông toàn cầu, nhận định: “Mối lo ngại ngày càng tăng về “rủi ro Trung Quốc” đã làm tăng tầm quan trọng tương đối của Nhật Bản với tư cách là một cửa ngõ đáng tin cậy vào châu Á. Lượng dữ liệu được truyền qua Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lên khi nhiều tuyến cáp ngầm dưới biển được xây dựng ở Thái Bình Dương”.

Trong khi đó, vị trí trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á của Trung Quốc đang suy yếu. Vivek Dahiya của Cushman & Wakefield cho biết nhiều dự án xây dựng ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã thất bại bởi lệnh phong tỏa ngặt nghèo giai đoạn Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Các dự án cáp nối Hồng Kông với Bắc Mỹ cũng đã bị đình chỉ hoặc sửa đổi kể từ năm 2020.

Các trung tâm dữ liệu mới có thể giúp Nhật Bản bắt kịp các đối thủ trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp kỹ thuật số. Giáo sư Esaki nói sự phát triển của cơ sở hạ tầng dữ liệu tốc độ cao sẽ “đẩy nhanh quá trình số hóa trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh và giúp Nhật Bản thu hút thêm nhiều nhân tài nước ngoài”.

Điều quan trọng là giữ cho chi phí vận hành cơ sở dữ liệu thấp. Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ rất nhiều điện năng và với giá điện ở Tokyo đắt gấp 2-3 lần so với ở Trung Quốc đại lục, chi phí cho các trung tâm dữ liệu mới có thể tăng lên nếu giá điện gia tăng. Singapore đã thua Malaysia và Thái Lan trong cuộc đấu thầu cung cấp trung tâm dữ liệu do giá điện và giá thuê đất cao.

Phủ trung tâm dữ liệu khắp ASEAN

Tập đoàn viễn thông NTT của Nhật Bản thông báo đầu tư 90 triệu đô la để xây dựng trung tâm dữ liệu thứ ba ở Thái Lan nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Đầu tháng 3-2023, AWS – đơn vị điện toán đám mây của tập đoàn Amazon – cam kết đầu tư đến 6 tỉ đô la ở Malaysia trong 14 năm tới.

Giới phân tích và chuyên gia trong ngành kỳ vọng Đông Nam Á sẽ trở thành tâm điểm tăng trưởng về trung tâm dữ liệu phục vụ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu khi họ nỗ lực đáp ứng nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng ở một khu vực chứng kiến nền kinh tế Internet phát triển nhanh chóng, được dự báo đạt giá 330 tỉ đô la vào năm 2025, tăng gần gấp ba lần sau năm năm.

Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, doanh thu hạ tầng đám mây của Đông Nam Á tăng lên 2,18 tỉ đô la năm 2022, cao hơn 25% so với năm trước đó. Singapore chiếm khoảng một nửa doanh thu này. Philippines, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hạ tầng đám mây hàng năm trên 30%, cao hơn so với mức tăng trưởng trên thị trường toàn cầu và châu Á nói chung.

Sutas Kongdumrongkiat, Chủ tịch kiêm CEO NTT Thailand, nhận định: “Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực tăng trưởng quan trọng. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng sử dụng trung tâm dữ liệu ở khu vực này khá lớn. Vì vậy, chúng tôi có kế hoạch mở rộng hơn nữa”.

Cách trung tâm Bangkok khoảng một giờ lái xe, dự án Trung tâm dữ liệu Bangkok 3 (BKK3) của NTT sẽ được xây dựng ở khu công nghiệp Amata Nakorn ở tỉnh Chonburi, sát Bangkok. Có diện tích 4.000 mét vuông và có công suất lớn hơn gấp đôi so với trung tâm dữ liệu BKK2, BKK3 dự kiến ​​khai trương vào năm 2024.

Sutas cho rằng ngay cả khi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bỏ tiền để xây dựng trung tâm dữ liệu riêng ở khu vực Đông Nam Á, họ không dễ dàng đáp ứng công suất lưu trữ và xử lý dữ liệu trong thời gian ngắn. “Họ có thể cung cấp dịch vụ đám mây cho khách hàng nhanh chóng hơn nhiều cách sử dụng các trung tâm dữ liệu bên ngoài như của NTT”, Sutas nói với Nikkei Asia.

Khi các nền kinh tế đang phát triển nhanh của Đông Nam Á phải vật lộn ứng phó nguồn cung điện không ổn định, NTT nhận thấy nhu cầu sử dụng trung tâm dữ liệu tăng mạnh ở các công ty có hoạt động quan trọng, bao gồm cả ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ đám mây.

Trung tâm dữ liệu BKK3 sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Uptime Tier 3 với nhiều đường dẫn điện và làm mát, cũng như các hệ thống dự phòng cho phép nhân viên làm việc trên các thiết bị mà không bị ngắt kết nối Internet.

Sutas nói thêm rằng NTT đã chuẩn bị quỹ đất ở một khu vực liền kề để sẵn sàng cho nhu cầu mở rộng trong tương lai, bao gồm kế hoạch xây trung tâm dữ liệu thứ 4 và thứ 5 để đáp ứng nhu cầu từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô.

BKK3 là dấu ấn mới nhất của NTT ở Đông Nam Á. Tháng 4 năm ngoái, tập đoàn viễn thông này đã hoàn tất dự án trung tâm dữ liệu thứ ba ở Indonesia, nằm gần Jakarta. NTT dự kiến hoàn thành trung tâm dữ liệu thứ 6 tại trung tâm công nghệ đa phương tiện Cyberjaya ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) có vốn đầu tư hơn 50 triệu đô la.

Tại Đông Nam Á, theo dữ liệu của IDC, Singapore đã dẫn đầu về trung tâm dữ liệu. Các công ty bản địa như Telemedia Global Data Centers, được quỹ đầu tư nhà nước Temasek hậu thuẫn, đang mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, bao gồm cả ở Thái Lan, khi nhu cầu trong nước bão hòa. Thái Lan là thị trường trung tâm dữ liệu lớn thứ hai trong khu vực, với doanh thu 338 triệu đô la vào năm 2022, tiếp theo là Indonesia (313 triệu đô la) và Malaysia (221 triệu đô la).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới