Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đưa sơn mài vượt khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đưa sơn mài vượt khó

Uyên Viễn

Ông Bùi Văn Thanh tại cơ sở sản xuất sơn mài ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) – 55 tuổi, với 42 năm tuổi nghề sản xuất sản phẩm sơn mài, ông Bùi Văn Thanh, Giám đốc cơ sở sản xuất sơn mài xuất khẩu Thanh Long (tỉnh Bình Dương), cho rằng đối với dòng sản phẩm từng “ba chìm bảy nổi” trên thị trường trong và ngoài nước từ thập niên 1980 đến nay, chỉ có cách không ngừng nghiên cứu, đổi mới mẫu mã mới có thể trụ được trong những lúc khó khăn, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu.

Lận đận yêu nghề

Trước cửa hàng giới thiệu sản phẩm sơn mài Thanh Long ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trưng bày cặp bình cao 2,8 mét, đường kính 1 mét, được trang trí bằng vỏ cây tràm, nan tre và mây. Thoạt nhìn nhiều người sẽ cảm thấy lạ lẫm về “chiếc áo khoác” trên cặp bình và vóc dáng đồ sộ của nó so với hàng chục chiếc bình đủ kiểu dáng được đặt trên dãy kệ bên trong.

Cặp bình “khổng lồ” này đã được gần 30 năm tuổi. Cốt bình được làm bằng vải và bồi lên sơn ta Phú Thọ theo kỹ thuật truyền thống của nghề sơn mài thủ công mà nay đã bị mai một vì những nghệ nhân bậc thầy không còn, hoặc sản phẩm làm ra tốn rất nhiều thời gian, giá thành cao nên khó bán.

Tại nhà máy sản xuất sơn mài của Thanh Long cũng còn hơn 20 chiếc bình “khổng lồ” chưa được trang trí. Ông Thanh, người làm ra những chiếc bình đó, cho biết mỗi khi nhìn chúng, ông lại nhớ về một thuở “vàng son” và “bầm dập” với nghề.

Sinh trưởng ở xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, năm lên 11 tuổi, ông Thanh cùng bốn anh trai vào xưởng sơn mài của một người trong làng học việc. “Cha mẹ tôi có bảy người con. Ông bà nói nhà không có nhiều ruộng nương nên con đường vào đời duy nhất của mấy anh em tụi tui là phải học nghề để nuôi thân”, ông kể.

Tân An là một trong những làng nghề sơn mài truyền thống của tỉnh Sông Bé trước đây, chính vì thế ông Thanh có nhiều cơ hội học hỏi từ những nghệ nhân các kỹ thuật chế tác sơn mài.

Giai đoạn 1972-1975, nghề sơn mài nở rộ ở Sài Gòn. Với mong muốn học hỏi nhiều hơn, ông Thanh đã khăn gói tìm lên khu “trại gà” Thanh Tâm, Bình Thạnh, Sài Gòn để xin học nghề với các nghệ nhân đang làm việc tại xưởng sơn mài Thành Lễ nổi tiếng nhất vùng Nam bộ.

Ra nghề năm 1980, ông thành lập cơ sở sản xuất sơn mài ở quận 3, TPHCM. Thời điểm này, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu hàng mây tre lá, mành trúc, sơn mài, may mặc… sang các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. “Thời đó, hàng sơn mài sản xuất ra bao nhiêu các công ty nhà nước bao tiêu xuất khẩu hết”, ông kể.

Đã làm thợ sơn mài thì phải có niềm đam mê, biết nuôi dưỡng sự hứng thú, tìm tòi sáng tạo trong môi trường nghệ thuật và phải nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường để đáp ứng một cách tốt nhất.

Công việc sản xuất, kinh doanh thuận buồm xuôi gió, ba năm sau, ở tuổi 28, ông Thanh thành lập tổ hợp sản xuất sơn mài Thanh Liêm, hoạt động ở phường 8, quận 3, với khoảng 150 nhân viên. Tuy làm chủ nhưng ông Thanh vẫn tham gia vẽ tranh sơn mài theo phong cách riêng với các đề tài như đàn cá vàng, chim đại bàng, mai điểu…

“Trong cuộc đời tôi, có lẽ thập niên 1980 là giai đoạn làm ra tiền dễ nhất. Hồi đó đơn đặt hàng rất dồi dào. Một bộ tranh sơn mài gồm bốn tấm được làm trong sáu tháng, chiều cao 1,2 mét, dài 2,4 mét, tiền vốn khoảng 5 chỉ vàng, giá bán là 1,3 lượng vàng. Cơ sở Thanh Liêm còn sản xuất theo đơn đặt hàng của các Việt kiều”, ông nhớ lại.

Tiền của làm ra được bao nhiêu vợ chồng ông lại đầu tư hết vào ba gian nhà xưởng, nguyên vật liệu sản xuất. Năm 1989, khối các nước Đông Âu tan rã khiến hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn thuận lợi bỗng chốc phá sản, hàng hóa ứ đọng do không có thị trường tiêu thụ.

Cơ sở Thanh Liêm cũng cùng chung số phận, phải tự tìm cách xoay xở. Ông Thanh cho biết hàng hóa đang có giá trị 100 đồng, giờ không xuất khẩu được mang ra bán đại hạ giá chưa tới 5 đồng những vẫn rất khó bán vì “người dân trong nước miếng ăn còn thiếu, tiền đâu có dư mà mua đồ sơn mài về trang trí”.

Thành quả sau gần 10 năm lao động cực nhọc của vợ chồng ông Thanh là 200 lượng vàng đã tan theo mây khói chỉ trong một năm! “Mặc dù tiền của đội nón ra đi nhưng tôi vẫn giữ lại hơn 20 chiếc bình sơn mài cao 2,8 mét, đường kính 1 mét làm kỷ niệm”, ông Thanh kể.

Suốt thập niên 1990 ông Thanh sống bằng nghề vẽ, thiết kế cho các công ty sơn mài khác còn trụ lại được sau “biến cố Đông Âu”. Theo ông, đã làm thợ sơn mài thì phải có niềm đam mê, biết nuôi dưỡng sự hứng thú, tìm tòi sáng tạo trong môi trường nghệ thuật và phải nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường để đáp ứng một cách tốt nhất.

Niềm vui trở lại

Trở lại Bình Dương năm 2002, ông Thanh mang theo trong người muôn vàn tâm trạng, với ước vọng sẽ gầy dựng lại sự nghiệp từ vùng đất đã khởi nghiệp. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, ông lao vào nghiên cứu sản phẩm sơn mài, nâng cao kỹ thuật chế tác, làm thêm mẫu…

Qua tìm hiểu thực tế, ông phát hiện ra sự đơn điệu về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu của dòng sản phẩm sơn mài công nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập cao am hiểu mỹ thuật, ưa chuộng sự tinh tế.

Theo ông Thanh, thời điểm năm 1985 để làm bức tranh sơn mài (cao 1,2 mét, ngang 2,4 mét) hội đủ tiêu chuẩn mỹ thuật phải mất tới sáu tháng làm thủ công, giá bán 1,3 lượng vàng; nay vì nhu cầu dễ dãi của thị trường nên tranh hoặc những vật dụng trang trí sơn mài đa phần được làm công nghiệp hàng loạt bằng cốt nhựa phủ lên lớp sơn phun, ép keo… thời gian làm chưa tới 15 ngày, giá chỉ 3-4 triệu đồng/bức tranh.

Chính vì thế trên thị trường dần vắng bóng những tác phẩm sơn mài giàu tính nghệ thuật, ẩn chứa những cảm xúc bay bổng mà nghệ nhân muốn gửi gắm hoặc tác phẩm độc bản.

Trong hai năm lao vào thử nghiệm, phân tích những đặc tính của các loại nguyên liệu mới để làm sơn mài như gáo dừa, vỏ cây, tre, mây… ông toàn nghe những lời “bàn ra” của người thân vì “đồ sơn mài làm ra bóng bẩy còn không tiêu thụ được, huống hồ nay lại đâm đầu làm điều trái ngược với những thứ gần như bỏ đi”. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và xử lý tận gốc các khuyết điểm cong vênh, ẩm mốc, nứt bể… của các loại nguyên liệu mới kết hợp vỏ cây tràm cẩn lên bề mặt cả trăm loại sản phẩm bàn ghế, tô chén dĩa, tranh, chậu, bình hoa…

“Chi phí đầu tư vào việc thử nghiệm chất liệu mới trên sơn mài thật khó có thể tính ra con số cụ thể nhưng tôi vẫn không nản, vì biết rằng con đường duy nhất để tồn tại là phải tạo sự khác biệt”, ông nói.

Năm 2005, ông Thanh thành lập cơ sở sản xuất sơn mài xuất khẩu Thanh Long và từng bước đưa dòng sản phẩm sơn mài làm từ những chất liệu mới sang thị trường các nước châu Âu, hệ thống siêu thị của Mỹ và được đón nhận vì sự độc đáo của sản phẩm. Ông cho biết niềm vui lớn nhất của mình là thành quả nghiên cứu được nhiều người ưa chuộng vì phù hợp với những dòng sản phẩm trang trí nội thất, đồng thời vẫn có thể sử dụng để cắm hoa, trồng hoa, đựng thức ăn như đồ gốm sứ.

Năm 2008, trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cơ sở Thanh Long lại đứng trên bờ vực phá sản vì đối tác chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, hàng hóa ứ đọng trong kho. “Một số doanh nghiệp nước ngoài thấy cơ sở lâm vào hoàn cảnh khó khăn đã gợi ý mua “mão” toàn bộ sản phẩm với mức giá rất thấp. Tôi đã không đồng ý, vì nếu làm như vậy sẽ tạo điều kiện để đối tác ép giá về sau”, ông Thanh cho biết.

Thay vì phụ thuộc vào nguồn khách hàng trước đây, cơ sở Thanh Long đã nhanh chóng tìm thêm các nhà phân phối mới để quảng bá dòng sơn mài mới lạ, giải tỏa hàng tồn kho, đồng thời duy trì việc làm cho 50 lao động. “Khó khăn thì phải tìm cách vượt qua nhưng điều quan trọng là vẫn giữ được niềm tin vào điều mình đang thực hiện và truyền ngọn lửa yêu nghề cho những cộng sự đã gắn bó với mình suốt gần 30 năm nay. Kết quả là trong năm 2009, Thanh Long đã ký được những đơn hàng lớn, sản xuất bình ổn trở lại”, ông Thanh nói.

Ông cho biết, kể từ năm 2010, cơ sở Thanh Long sẽ thường xuyên tham gia các hội chợ triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ trong nước và quốc tế nhằm mở rộng việc quảng bá sản phẩm. Cơ sở cũng sẽ đưa trang web vào hoạt động để đối tác, khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.

“Còn đối với những chiếc bình “khổng lồ”, tôi sẽ tặng chúng cho các chương trình đấu giá từ thiện trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật…”, ông Thanh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới