Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dubai trở thành trung tâm giao dịch nhà ở cao cấp lớn nhất thế giới

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành trung tâm giao dịch nhà ở cao cấp lớn nhất thế giới, nhờ nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng vọt từ lớp khách hàng mới, đặc biệt giới nhà giàu Nga.

Thành phố Dubai của UAE dẫn đầu thế giới về giá trị giao dịch bất động sản cao cấp trong quí 1-2023. Ảnh: Getty

Theo dữ liệu của Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, trong quí 1, Dubai lần đầu tiên trở thành thị trường bận rộn nhất đối với các giao dịch mua bán nhà ở có giá trị từ 10 triệu đô Mỹ trở lên, đạt tổng cộng 1,7 tỉ đô la. Hồng Kông xếp thứ hai với 67 giao dịch có tổng giá trị 988 trtiệu đô la. New York và London lần lượt chiếm các vị trí tiếp theo với giá trị giao dịch bất động sản cao cấp đạt 942 triệu và 736 triệu đô la Mỹ.

Tính chung trong nửa đầu năm, giá trị giao dịch của các bất động sản trị giá hơn 10 triệu đô la ở Dubai đã tăng lên 3,1 tỉ đô la so với mức 3,9 tỉ đô la trong trong cả năm 2022. Giao dịch bất động sản nhà ở cao cấp ở Dubai tăng 44% vào năm ngoái, và tăng thêm hơn 11% nửa trong nửa đầu năm 2023.

Knight Frank dự báo, những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao sẽ chi  2,5 tỉ đô la để mua bất động sản ở Dubai trong năm nay.

Nhiều cá nhân giàu nhất thế giới đang chuyển đến sinh sống ở Dubai, nơi được xem là một thiên đường tài chính. Họ đã cạnh tranh để giành mua một lượng bất động sản cao cấp có hạn.

“Thị trường nhà ở cao cấp của Dubai tiếp tục thu hút sự chú ý của những người giàu trên thế giới. Trong khoảng thời gian 5 năm qua, số giao dịch mua bán những ngôi nhà trị giá hơn 10 triệu đô la ở Dubai tăng gấp 17 lần”, Faisal Durrani, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Đông của Knight Frank, nói.

Faraz Ahmed, nhà nghiên cứu của Công ty tư vấn bất động sản ghi nhận, trong suốt cuộc khủng khủng đại dịch Covid-19 và những năm sau đó, nhiều người giàu xem bất động sản ở Dubai là khoản đầu tư an toàn.

Tính trên cơ sở hàng năm, London giành vị trí đầu bảng vào năm ngoái với 246 ngôi nhà có giá hơn 10 triệu đô la được bán với giá trị tổng cộng 4,7 tỉ đô la, so với 3,9 tỉ đô la ở Dubai trong 224 giao dịch.

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga và một số doanh nhân hàng đầu của nước này sau cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi năm ngoái đã thúc đẩy giới người giàu ở các nước hai nước này chuyển đến Dubai sinh sống. UAE, có quan hệ khăng khít với Mỹ và Nga, vẫn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột. UEA tuyên bố hoan nghênh những người Nga không bị trừng phạt đến nước này đầu tư.

Dân số Nga tại UAE đã tăng gấp 5 lần kể từ cuộc xung đột, lên tới 500.000 người, theo ước tính không chính thức lan truyền trong cộng đồng người nước ngoài.

“Nhu cầu của người Nga vẫn mạnh, nhưng hiện chủ yếu ở phân khúc siêu sang. Nhiều người Nga đang chuyển đến Dubai từ những nơi nhưThụy Sĩ và Anh. Họ thường mua những căn penthouse bao trọn tầng, có  trần nhà cao gấp đôi và nhìn ra mặt biển”, Inga Brykulska, nhân viên môi giới bất động sản của Driven Properties, người đã giúp các gia đình Nga chuyển đến Dubai, nói.

Một số người tham gia thị trường lo ngại rằng đợt bùng nổ bất động sản thứ ba của Dubai trong hai thập niên qua sẽ chuyển sang giai đoạn sụp đổ, giống như đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và ở thời kỳ giá dầu lao dốc từ năm 2014. Nhưng Durrani cho biết dữ liệu hiện nay không có dấu hiệu nào chỉ ra rằng bất động sản ở Dubai đang tiến gần đến bờ vực.

Theo Knight Frank, cơn bùng nổ nhà ở cao cấp đã tác động lan tỏa khắp thị trường bất động sản rộng lớn hơn, giúp giá căn hộ và biệt thự ở Dubai tăng lần lượt 15% và 46% vào cuối tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.

Điều này đẩy chi phí nhà ở và tiền thuê nhà đối với những người dân có thu nhập thấp trong bối cảnh có nhiều chuyên gia và công nhân nước ngoài chuyển đến Dubai làm việc.

Cùng với hóa đơn thực phẩm cao hơn và học phí cao hơn, chi phí nhà ở đắt đỏ có nguy cơ làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của Dubai trong nỗ lực thu hút lao động nước ngoài.

Monica Malik, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thương mại Abu Dhabi, nói: “Các chuyên gia vẫn mong muốn chuyển đến sống ở Dubai. Tuy nhiên, chi phí thuê nhà và giáo dục cao hơn ở đây là một sức ép đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp”.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới