Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đức tìm cách giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính phủ Đức đang xem xét một loạt các biện pháp để làm cho hoạt động kinh doanh với Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn khi Berlin tìm cách giảm sự phụ thuộc vào siêu cường kinh tế châu Á, nguồn tin độc quyền của Reuters cho biết.

Theo các nguồn tin, các biện pháp này, do Bộ Kinh tế Đức đề xuất, bao gồm giảm hoặc thậm chí hủy bỏ bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời dừng tổ chức các hội chợ thương mại và đào tạo quản lý ở Trung Quốc. Các khoản vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức ( KfW) có thể được chuyển hướng sang những dự án ở các nước châu Á khác, chẳng hạn như Indonesia.

Động thái này phù hợp với nỗ lực của Đức nhằm đa dạng hóa thương mại và tăng cường kinh doanh với các nền kinh tế dân chủ hơn.

Bộ Kinh tế Đức cũng đang xem xét sàng lọc không chỉ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Đức mà còn cả các khoản đầu tư của Đức vào Trung Quốc, một trong những nguồn tin nói với Reuters.

Ngoài ra, một nguồn tin khác cho biết chính phủ Đức, cùng với các nước trong nhóm G7 đang cân nhắc gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về những gì họ xem hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Nguồn tin này nói: “Chúng tôi nên cho Bắc Kinh thấy rằng chúng tôi sẵn sàng đấu tranh cho các nguyên
tắc công bằng”.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức từ chối bình luận về các biện pháp cụ thể trên nhưng cho biết bộ đang đánh giá các phương án có trọng điểm “để hỗ trợ đa dạng hóa thương mại và chuỗi cung ứng cũng như củng cố khả năng phục hồi”.

Trước đó, Bộ Kinh tế Đức đã quyết định dừng bảo lãnh đầu tư dành cho các dự án ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc hoặc các công ty có quan hệ kinh doanh ở đó vì lo ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền cũng như các thông tin thiếu tin cậy ở Tân Cương.

Hồi tháng 5, Bộ Kinh tế Đức cũng từ chối bảo lãnh cho các khoản đầu tư mới của hãng xe Volkswagen ở Trung Quốc vì lo ngại các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Thông qua liên doanh với hãng xe nhà nước Trung Quốc SAIC Motor, Volkswagen đang có một nhà máy ở thành phố Ô Lỗ Mộc Tề thuộc vùng Tân Cương.

Công nhân làm việc trên một dây chuyền ở nhà máy lắp ráp xe điện của Công ty SAIC Volkswagen, một liên doanh giữa hãng xe nhà nước SAIC Motor của Trung Quốc với hãng xe Volkswagen của Đức ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức kể từ năm 2016, với kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 245 tỉ euro hồi năm ngoái, giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Các nhà sản xuất ô tô Đức đặc biệt tiếp xúc nhiều với thị trường Trung Quốc, với Volkswagen kiếm được khoảng một nửa lợi nhuận ở thị trường đông dân nhất thế giới. Đức và châu Âu cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về một số nguyên liệu thô nhất định, chẳng hạn như đất hiếm.

Trong những năm gần đây, các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp Đức ủng hộ đa dạng hóa hơn nữa thương mại với châu Á.

Một thời gian ngắn trước khi rời nhiệm sở vào năm ngoái, bà Merkel thừa nhận với Reuters rằng ban đầu, bà có thể đã "ngây thơ" trong cách tiếp cận đối với một số lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc.

Chính phủ mới của Đức đã theo đuổi một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, cam kết giảm sự phụ thuộc chiến lược vào "đối thủ truyền thống" và lần đầu tiên đề cập đến các vấn đề nhạy cảm đối với Bắc Kinh, chẳng hạn như Đài Loan và Hồng Kông.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz đã có chuyến thăm châu Á đầu tiên tới Nhật Bản, chứ không giống như Thủ tướng Merkel, người đã đến thăm Trung Quốc trước các nước châu Á sau khi nhậm chức.

Các nguồn tin cho biết Berlin đang thực hiện một chiến lược an ninh quốc gia có đề cập đến Trung Quốc và một chiến lược cụ thể về Trung Quốc dự định công bố vào năm tới.

Đảng Xanh, đối tác nhỏ hơn trong liên minh cầm quyền ở Đức, phụ trách các bộ kinh tế và ngoại giao, cho biết họ đặc biệt lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền và những rủi ro đối với một nhà nước ngày càng chuyên quyền mà Nga là một trường hợp điển hình.

Chúng ta không thể chỉ hành xử theo phương châm "kinh doanh trên hết" mà không tính đến rủi ro dài hạn và sự phụ thuộc. Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock phát biểu tại đại hội đại sứ thường niên trong tuần này.

Bà cho biết thêm: “Trên thực tế, chúng tôi chưa bao giờ nhận được khí đốt giá rẻ từ Nga. Chúng tôi đã trả giá gấp đôi hoặc gấp ba về an ninh quốc gia cho mỗi mét khối khí đốt mua của Nga”.

Các nguồn tin cho biết Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz thận trọng hơn trong các phát ngôn vì lo ngại làm phật lòng Bắc Kinh. Ông Scholz đã cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của bất kỳ sự "tách rời" nào khỏi Trung Quốc và bày tỏ sự tin tưởng rằng các công ty Đức đang đa dạng hóa thương mại.

Các công ty và hiệp hội doanh nghiệp Đức đang ngày lo ngại về một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Họ kêu gọi chính phủ hỗ đa dạng hóa thương mại, thay vì tiến hành các bước đối đầu ở một thị trường quan trọng như Trung Quốc.

“Chúng ta không thể cô lập Trung Quốc vì điều đó là ngây thơ và tai hại về mặt chính trị lẫn kinh tế”, Hildegard Mueller, người đứng đầu Hiệp hội công nghiệp ô tô Đức (VDA), nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới